My Blog List

Wednesday, January 22, 2014

Giáp Ngọ nói về Ngựa

Sưu tầm MẶC NHÂN TVC
NĂM CON NGỰA 2014
                         TẢN MẠN VỀ NGỰA
     altaltalt
                                           alt
     Ngày xưa, con người Âu Á rất tôn trọng con ngựa nên từ gọi "chiến mã" ngang hàng với "chiến binh". Trong văn học cũng đem nó lên ngang hàng với con người, thành ngữ "Anh hùng mã thượng" tương ứng với từ "chevaleresque" của tiếng Pháp một cách thú vị, trong tĩnh từ nầy có từ gốc "cheval" là ngựa hay " mã" ....Tuy nhiên nếu tiếng Pháp gọi ngựa cái là jument thì người Pháp cũng có một từ khác gọi ngựa cái là cavale. Từ nầy ít khi dùng vì nó có nghĩa xấu lắm khi tương đương với từ Việt Nam gọi "đồ ngựa cái".
     Trong văn học Trung Hoa cũng đề cao con ngựa trong vai trò của nó và tinh thần của nó. Chẳng hạn "Anh hùng mã thượng", "Mã đáo thành công", "Thất mã truy phong", cũng như câu chuyện dạy đời "Tái Ông thất mã". Một người thẳng thắng, phải thì nói phải, sai thì nói không e dè, không kiêng nể gọi là "Thẳng ruột ngựa". Trước khi nói, phải uốn lưỡi bảy lần, bỡi vì nếu lỡ lời nói sai không chuộc lỗi được vì có câu: "Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy' một lời lỡ nói ra rồi, bảy ngựa đuổi theo không kịp. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu có nghĩa gần giống với "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Chốn phồn hoa đô hội đông đảo người ta, xe cộ dập dều... nên có cảnh "Ngựa xe như nước....". Trẻ tuổi mà không tự biết, chưa có kinh nghiệm mà háo thắng người ta cho là "Ngựa con háu đá". Người Pháp khi cấp huân chương thường dùng những từ nguồn gốc vinh dự từ ngựa. Chẳng hạnChevalier de la Légion d'honneur – một huân chương cao quí nhất của Pháp – tức là Bắc đẩu Bội tinh. Người Anh cũng vậy, các nhà Vua Anh có lệ phong Hiệp sĩ cho những anh tài của đất nước: Cavalier (knight).
     Việt Nam ta cũng vinh danh ngựa qua thành ngữ "Da ngựa bọc thây" do thành ngữ "Mã cách lý thi" của Trung Hoa, "Ngựa quen đường cũ", "Một con ngựa bịnh cả tàu không ăn cỏ" v.v...
     Lịch sử nước ta cũng như các nước khác khi nhắc lại các chiến công hiển hách của những anh hùng vào sinh ra tử trong chiến trường không quên nhắc đến ngựa. Chẳng hạn nói đến Phù Đổng Thiên Vương là ta nghĩ ngay đến roi đồng, ngựa sắt. Còn ở Pháp, tượng đồng của nữ anh thư Pháp Jeanne d' Arc chống quân Anh xâm lược, cầm cờ ngồi trên lưng ngựa. Đến Paris ta bắt gặp hàng chục tượng của vua Louis XIV hầu hết đều cỡi ngựa, đặt trên những bệ đá uy nghi ở trước điện Louvre, điện Versailles, Công trường Chiến thắng v.v...Ở điện Versailles cũng như điện Maltes và nhiều điện khác ta thấy tượng của bầy ngựa tung hoành dưới làn nước. Sang Trung Hoa, nơi lăng tẩm Tần Thuỷ Hoàng không biết bao nhiêu là tượng chiến binh cùng với chiến mả. Trở về Huế nơi các lăng tẩm các vì vua, vẫn có những tượng chiến mã cùng với voi trận và các bậc công thần.
     Nhưng buồn thay người ta cũng lạm dụng ngựa trong việc phi nghĩa phi nhân đạo như dùng ngựa trong việc xử tội "Tứ mã phân thây", "Voi dày ngựa xéo"...Người ta còn lạm dụng sức lao động của ngựa như kéo xe, kéo cày...ta thử nhìn hình ảnh những con ngựa cu nhỏ thó ở các khu du lịch nước ta, ốm nhom ốm nhách quanh năm suốt tháng thiếu ăn thiếu uống, vậy mà phải kéo những chiếc xe cây thô sơ chở hàng chục khách du lịch ông tây bà đầm, ông nào bà nấy 100 kg trở lên, lọc cọc suốt ngày trên những con đường lộ đất gồ ghề. Kẻ viết bài nầy không dám nhìn vào cặp mắt của những con ngựa tội nghiệp nầy khi nó đang kéo những cỗ xe ngầng như vậy. Bên Tây cũng khồng vừa gì. Gần đây ở Pháp, ở Đức, ở Anh nước có truyền thống quí trọng ngựa vậy mà ngựa vẫn bị lén lút làm thịt xay ra làm ba-tê thế cho thịt bò, thịt heo...
     Nói chung ngựa là một con vật mà loài người chúng ta xếp vào hàng loài vật đóng góp nhiều cho sự sinh tồn của chúng ta từ thể chất đến tinh thần đáng cho ta trân trọng lắm lúc về mặt nào đó ngựa và chó được vinh danh ngang với người.
 
               BIỂU TƯỢNG NGỰA:
     - Lộc mã muốn chỉ sự giáu sang, phát đạt, tiền tài, gia sản.
     - Ngựa phi nước đại tượng trưng cho sự bôn ba rày đây mai đó. Vó ngựa đường xa.
    - Bạch mã nếu là bạch mã thì phải được dẫn đi – đồng hành với chủ chớ không được cỡi – là biểu tượng của sự thăng quan tiến chức.
    - Đôi ngựa hay song mã. Hình ảnh đôi ngựa hay đôi tuấn mã ắt hẳn đem lại tài lộc, - Tám ngựa. Hình ảnh tám ngựa bờm dựng lên, đuôi thẳng ...phi nước đại trên đường thiên lý là biểu tượng của sự thành công trong kinh doanh, thăng quan tiến chức trong quan lộ, thành đạt trong thi cử.
    - Mã đáo thành công. Cũng hình ảnh tám ngựa như vậy, nếu đặt trên bàn làm việc và hoặc treo trên tường nhà mà phải hướng chạy phải là hướng vào nhà, sẽ đạt được mọi điều cát lợi như làm quan lên chức, buốn bán làm giàu, thi cử đỗ đạt tóm lại vạn sự hanh thông đúng theo ý mã đáo thành công. Có người cho là hướng ngựa chạy ra cổng lớn hoặc cửa cái, hoặc đường lộ ...nếu nói như vậy thì mâu thuẩn với từ "đáo" là về, hơn nữa tài lộc, danh dự thì phải hướng vô chớ cho nó tuồng hết ra ngoài thì thành "mã... đào khánh tận" mất.
    - Mã thượng đắc thiên hạ. Ngày xưa lấy chiến trận làm nên nghiệp cả nên quá trình chiến đấu là luôn luôn trên mình ngựa. Do vậy thành ngữ nầy muốn nói chỉ có mỗi một cách đắc thiên hạ là phải cầm thương cỡi ngựa ra mặt trận.
    - Mã thượng phong hầu. Hình ảnh một con khỉ ngồi trên lưng hay trên bờm con ngựa để bắt chí – mấy ông ba tàu dám ghép chữ và ghép ý một cách trời ơi để trở thành "Mã thượng phong hầu" tức là mong ước cho việc thăng quan tiến chức nhanh chóng. Số là chữ "hầu" nghĩa là khỉ, đồng âm với chữ "hầu" trong chức phẩm "hầu" làm quan. Hình ảnh con khỉ ngồi trên ngựa, "mã thượng - vậy mà do óc sáng chế của người Tàu biến thành cụm từ mỹ miều "Mã thượng phong hầu" rồi vẽ thành hình lếu láo bán cho các "công bộc của dân" rất chạy.
    - Ngựa quen đường cũ. Ngựa không thua vì chó về trí nhớ những con đường mà nó đã đi qua dù ngàn dậm để có thể trở về nhà. Một chủ tướng tử thương trong chiến trận, ngựa tự động mang xác chủ về nhà..
    - Trung thành và chung thuỷ. Ba tấm gương: 1.- Không thờ hai chủ: Ngựa Đích Lư của Lưu Bị. 2.- Chỉ thờ người chủ tướng anh hùng: Ngựa Xích thố của Quan Vân Trường. 3.- Tình chiến hữu, đồng sanh đồng tử: Ngựa Buchephalus và Alexandre Đại đế.
    - Da ngựa bọc thây. Không biết bao nhiêu chuyện từ Á sang Âu kể về những con chiến mã đã từng mang thi hài của người chiến sĩ kỵ mã tử trận về doanh trại. Trong những phim chiến đấu của Mỹ cũng đã có chiếu những cảnh như vậy.
    - Kỵ binh. Ngày xưa trong chiến tranh kỵ binh là lực lượng quan trọng nhất. Ngày nay sức ngựa không bì với sức cơ giới tuy nhiên trong quân đội hiện đại các nước Tây phương vẫn còn dùng từ kỵ binh, cavalerie để chỉ đội quân thiết giáp. 
          ĐẶC ĐIỂM CỦA LOÀI NGỰA
    So với các động vật loài ngựa có quá nhiều đặc điểm:
     - Hệ thống bộ tiêu hoá của ngựa ở giữa của loài nhơi lại và không nhơi lại. Chất enzyme trong ruột có thể làm tiêu hoá những thức ăn cứng và dai như rơm rạ, bo bo, các loại hạt.
     - Ruột của loài ngựa cũng tương đối lớn và dài nên có cụm từ "thẳng ruột ngựa".
     - Ngựa ngủ ít hơn các loài vật khác và ngựa ngủ đứng thay vì nằm. Tại sao? Vì ngựa ngoài công việc kéo xe kéo cày, công việc chính của ngựa là phương tiện giao thông và hơn hết là....xông pha chiến trận. Vậy ngựa phải sẵn sàng mọi lúc mọi khi, khi nhiệm vụ cần đến.
     - Ăn. - Ngựa có thể ăn suốt ngày Ngựa có thể vừa kéo xe vừa ăn.
     - Phóng uế. Cũng vậy, ngựa là loài động vật duy nhất có thể vừa chạy vừa phóng uế. Hai đặc điểm nầy cũng vì cần phải thích ứng với điều kiện cấp bách cho nhiệm vụ của loài ngựa là đang kéo xe, đang xông pha trận mac...
     - Tình đồng loại. Một con ngựa ốm, cả tàu không ăn cỏ. Điều nầy được chứng minh trên thực tế.
     - Không loạn luân. Dù là loài vật.
      
           GIAI, HUYỀN VÀ THẦN THOẠI VỀ NGỰA
           I. VIỆT NAM
              alt
Tượng Thánh Gióng
     1.I.-Phù Đổng Thiên Vương. Đời Vua Hùng Vương thứ sáu, giặc Ân tràn sang xâm lấn nước ta. Thế nước yếu, vua cho đi loan truyền các nơi cho nhừng người tài giỏi ra cứu nước. Tại làng Phù Đổng huyện Võ Ninh, có một gia đình giàu có đến 60 tuổi mới sinh một đứa con. Người con nầy mãi đến 3 tuổi vẫn còn nằm trên giường không hề biết nói mà cũng không biết đi biết chạy.
     Một hôm sứ giả của vua đến địa phương nầy rao truyền cho người tài ra dẹp giặc. Cậu bé bỗng nhiên mở lời và lớn tiếng nói với mẹ xin gặp sứ giả để xin tùng quân đánh giặc. Bà mẹ vô cùng kinh ngạc và lo lắng tuy nhiên sứ giả cũng đến. Cậu bé dõng dạc yêu cầu sứ giả về xin vua đúc cho cậu một bộ giáp sắt, một mũ sắt, một roi sắt và một con ngựa sắt..khi nào giặc đến hãy mang đến cho cậu.
     Thật vậy, khi giặc tràn sang cậu bé vung vai trở thành một người lớn vậm vở mặc giáp sắt, đội mũ sắt, cầm roi sắt, nhảy lên ngựa sắt phi ngựa đi đánh giặc. Ngựa phun ra lửa, cậu bé tung hoành giết giặc đến nổi roi sắt gảy, cậu bèn nhổ bụi tre tiếp tục chiến dấu. Trước sự dũng mảnh, giặc xin đầu hàng. Sau khi đánh tan giặc, cậu bé phi ngựa đến làng Ninh Sóc dưới chân núi Sóc Sơn, cùng ngựa bay lên Trời. Nơi đây vẫn còn dấu vết lửa của ngựa sắt đốt cháy cả một vùng nên đến bây giờ còn gọi nơi đây là làng Cháy. Để nhớ công ơn, vua phong là Phù Đổng Thiên Vương đời đời nhang khói. Tượng của Đức Phù Đổng Thiên Vương bao giờ cũng vẫn là trên lưng ngựa sắt phun lửa. Dân gian tôn vinh Ngài là Thánh Gióng.
     2.I. Lao Thạch Mã. Việt sử còn đề cập đến chuyện con ngựa đá thời nhà Trần. Trong lúc làm lễ ở chùa Lăng sau khi dẹp tan giặc Mông Cổ, nhân lúc thấy các con ngựa đá đứng chầu trước các miếu có dính bùn, vua Trần Nhân Tông liền cảm khái hai câu thơ bằng chữ Hán.
                    Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
                    Sơn hà thiên cổ điện Kim âu
     Dịch là:
                    Xã tắc hai phen bon ngựa đá
                    Non sông nghìn thuở vững âu vàng.        
     3.I. Nhứt nhân nhứt mã. Một người một ngựa. Hình ảnh một dũng tướng một người một ngựa xung pha trận mạc giữa gươm đao, hào hùng biết bao. Trong một trận chiến chống quan Mông cổ, tướng Lê Phụ Trần một mình một ngựa lao vào trận địa kỵ binh của quân Mông Cổ, sắc mặt vẫn thản nhiên tung hoành như chỗ không người.
     Vua Trần Duệ Tông cũng là một danh tướng đã từng trên lưng ngựa chiến đấu kiên cường giữa mũi dáo đường tên và chết tại trận tiền.
                                 alt
 
                                                                      Đền Bạch Mã Hà Nội
     4.I. Đền Bạch Mã Hà Nội. Đền Bạch Mã ờ Hà Nội là một trong bốn trấn của thành Thăng Long cùng với Đền Quan Thánh, Đền Kim Liên và Đền Voi Phục. Đền Bạch Mã trấn giữ phía Đông Kinh thành, hiện thuộc quận Hoàn KiếmHà Nội.
Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ tức là Rún của rồng, vị thần gốc của Hà Nội cổ. Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long công việc xây đắp thành nhiều lần đổ vởVua nằm mộng thấy từ đền Long Đỗ  một conngựa trắng đi ra. Theo vết chân ngựa, vua cho xây lại vàđã thành công nên đặt tên đền nơi đây là đền Bạch Mã.
                              alt
 
                                                                   Đền Bạch Mã xứ Nghệ
     5.I. Đền Bạch Mã xứ Nghệ. Đền Bạch Mã được xây dựng từ đầu thời Lê, để thờ Phan Đà, người đã có công lớn chống quân Minh. Phan Đà quê Chí Linh tư chất thông minh, võ nghệ tài giỏi, đầu quân trong nghĩa binh Lam Sơn
     Trong một lần đi thám thính nắm tình hình, ông bị địch phục kích và chém trọng thương ở bến Nguyệt Bổng. Con chiến mã trung thành đã mang ông về căn cứ, ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đó. Cũng có truyền thuyết, lúc ngựa mang ông qua vùng Lai Thành (nay thuộc xã Thanh Long) một dòng máu của ông đã chảy xuống và nơi đây mối xây lên thành nấm mồ lớn. Về sau dân làng lập miếu thờ tại địa điểm nầy. Vua sắc phong là "Đô Thiên đại đế Bạch Mã thượng đẳng phúc thần".
     6.I. Ngựa trong thơ:
     Chinh Phụ Ngâm. Người chinh phụ ở nhà vò võ trông chồng nơi biên cương và hình ảnh người chinh phu luôn luôn gắn liền người chiến sĩ và con chiến mã. Những câu như sau:
     -Chí làm trai dặm nghìn da ngựa. Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao. 
     -Giã nhà đeo bức chiến bào. Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu.
    -Quân trước đã gần ngoài doanh Liễu. Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương.
    -Ôm yên gối trống đã chồn. Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.
   -Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ.Ba thước gươm, một cỗ nhung yên. -Xông pha gió bãi trăng ngàn, Tên reo đầu ngựa, giáo lan mặt thành.
   -Chàng ruổi ngựa dậm trường mây phủ. Thiếp dạo hài lối cũ rêu xanh.Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu cũng có một câu nói về ngựa: -Vân Tiên đầu đội kim khôi. Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu cũng có nhắc xa mã:-Mùi phú quí nhữ làng xa mã. Bã vinh hoa lừa gã công khanh.
     7.I. Ngựa trong nhạc. Ba bài nổi tiếng: 1. Dân ca "Lý Ngựa ô" do Nguyễn Hữu Ba ghi lại. 2. "Ngựa phi đường xa" của Lê Yên. 3. "Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang" của Ngọc Chánh và Phạm Duy. Một số nhiều nhạc phẩm khác do nhiều nhạc sĩ viết vẫn có hính bóng ngựa trong đó nhiều nhất phải nói là của Trịnh Công Sơn. Chẳng hạn như: Ngựa hồng đã mõi vó...trong "Xin mặt trời ngủ yên", Ngày đầu thu nghe chân ngựa về...trong "Một cõi đi về", Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi vế với mây..trong "Phúc âm buồn", Vó ngựa trên đồi hay dấu chim bay... trong "Xa dấu mặt trời" v.v...
 
                   II.HY LẠP CỔ ĐẠI.

alt    alt
 
     1.II. Chòm sao Auriga. Theo thần thoại Hy Lạp, con ngựa đầu tiên do Hải Thần Poseidon tạo dựng và vị vua thứ nhất của xứ Athens tên Erichthonius là người đầu tiên xử dụng xe ngựa. Do đó, nhà vua và cỗ xe tứ mã này được đưa lên trời trở thành chòm sao "Auriga" có nghĩa là "Người cưỡi xe" (charioter) bất tử.
                                alt
 
                                                           Chòm sao Auriga
alt
  2.II. Ngựa Arion, Baios, Hyppocampus. Ðặc biệt, ngựa của võ sĩ khỏe vô địch Hercules mang tên Arion do Thủy Vương Neptune tạo ra bằng cách dùng chĩa ba đâm mạnh xuống mặt đất. Ngựa Arion có chân người, nói tiếng người và chạy rất nhanh. Thủy Vương cũng tặng hiệp sĩ Achilles một con ngựa qúi mang tên Baios. Thủy Vương Neptune có đặc tài tạo ra những loài ngựa pha trộn hiếm có, kỳ lạ như giống "Hyppocampus" thân giống rồng hay cá, chỉ có hai chân trước.
 
   3.II.Phi mã. Pegasus.Những con ngựa vừa kể tuy rất nổi tiếng, nhưng cũng chưa thể so sánh được với huyền thoại về thần mã Pegasus hay "nhân vật" đầu người mình ngựa Centaurus Pegasus, một con ngựa có cánh như chim đại bàng, là con của Thủy Thần Poseidon và nàng Medusus. Khi Medusus bị người hùng Persus chém đầu, máu từ cổ nàng phun ra thành ngựa Pegasus. Ngay khi vừa ra đời, Pegasus dậm mạnh chân xuống núi Helicon tạo thành giòng suối Hippocrene khơi nguồn cho thi ca. Pégasus bị vua xứ Corinthe thuần phục và thắng đai vàng. Về sau Trời bắt Pegasus về trời và biến thành chòm sao Pegasus trên thiên thể.
alt  alt
   4.II.Nhân mã. Centaurus. Người Hy Lạp bị tấn công bỡi những kỵ mã vô danh mà họ cho là những quái vật người và ngựa là một, nửa người nửa ngựa sống trong rừng núi và ăn thịt sống. Do vậy trong thần thoại Hy Lạp ta thấy những nhân mã – centaurus – với hình ảnh một quái vật mà chân và thân là ngựa còn tay và đầu là người.
 
alt
   5.II.Thần mã Buchephalus. Buchephalus chỉ là con ngựa của Alexandre Đại đế mà tên của nó có nghĩa theo ngôn ngữ Hy Lạp là "bạn của những con ngựa". Alexandre Đại đế và con ngựa Buchephalus qua dòng đời chiến đấu đầy gian khổ đến đỉnh vinh quang cũng là ngày tận số của cả hai, không còn là chuyện của một chiến mã và một dũng tướng mà đã trở thành một mối tình chiến hữu sinh tử, hơn thế nữa là một chuyện tình thuỷ chung đầy xúc động.
 
   326 năm trước CN., Buchephalus. thuộc giống nhân mã cùng tuổi với Alexandre nhưng là một con ngựa chứng không phục tùng bất một ai ngoại trừ Alexandre. Khi còn nhỏ vua cha đã nói với Alexandre: Đế quốc Macedoine nầy đối với tài con quá nhỏ. Và Alexandre đã nghe theo cha thôn tính khắp cả Trung Đông bây giờ, cả đến tận Án Độ dường như chỉ với một mình một ngựa. Đó là Alexandre dũng tướng và Buchephalus chiến mã.
 
   Trong một trận chiến ác liệt, Buchephalus bị thương rất nặng, Alexandre định thay ngựa khác nhưng Buchephalus không chịu lần đến chủ tướng mọp mình cho Alexandre lên yên và với sức cùng lực tận Buchephalus đã hoàn thành sứ mạng đưa Alexandre chiến thắng trong trận nầy trước khi Buchephalus trút hơi thở cuối cùng.
 
   Alexandre đã trở thành một hoàng đế lừng danh tự cổ chí kim túc là Alexandre Đại đế, Alexandre le Grand. Nhà vua an táng Buchephalus với tất cả nghi lễ quân cách trọng thể và nơi đây trở thành một thành phố mang tên thành phố Buchephalus do nhà vua đặt. Không bao lâu Alexandre Đại đế, người bạn, người chiến hữu chung tình, chung thuỷ cũng chết theo Buchephalus.
 
   Ngựa đã lập nên nhiều kỳ tích trong thể thao và trong chiến đấu. Ngựa là " bạn thân" của các bậc danh nhân và giai nhân trên thế giới đông tây, kim cổ.
 alt
   6.II. Ngựa Thành TroieCon ngựa thành Troie là con ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã dùng mưu kế để chiến thắng quân Troie trong cuộc chiến thành Troie. Sau 10 năm bao vây thành Troie, quân Hy Lạp không thể chiến thắng quân Troie bằng sức mạnh quân đội nên đã buộc phải làm theo kế của Odyssey là dỡ tàu ra và lấy gỗ để làm thành một con ngựa khổng lồ cho quân lính vào ẩn náo trong đó. Sau đó quân Hy Lạp giả vờ rút khỏi và chỉ để lại một người và con ngựa gỗ. Người này có nhiệm vụ đánh lừa quân Troie, khiến họ tưởng rằng ngựa gỗ là món quà của quân Hy Lạp đền bù cho bức tượng Athena đã bị phá hủy. Thực chất trong con ngựa chứa đầy lính. Khi quân Troie no say sau bữa tiệc chiến thắng, quân Hy Lạp trong bụng ngựa đã xông ra đánh bất ngờ và mở cổng thành cho quân bên ngoài vào. Nhờ có ngựa gỗ mà quân Hy Lạp đã chiến thắng. Một cuốn phim vĩ đại của Mỹ mang tên "Con ngựa thành Troie".
  
 
                                                 III.-TRUNG HOA CỔ.
                             alt
     1.III. Ngựa Ô Truy. Hán Cao Tổ, ông vua sáng lập ra nhà Hán vẫn thường tự phụ là nhờ có mười năm sống trên lưng ngựa nên mới thu phục được cả giang san. Kẻ thù số một của Hán Cao Tổ là Sở Bá Vương Hạng Võ khi mới khởi nghiệp, cũng thu phục được thần mã Ô Truy ở bên cạnh, Về sau, khi thất thế, trước giờ tự tận, Hạng Võ đem con ngựa quý của mình nhờ người lái đò đưa nó qua sông để trở về đất Giang Đông. Nhưng khi thuyền vừa buông chèo, con Ô Truy hí lên mấy tiếng ai oán rồi nhảy xuống sông mất dạng.
 
     2.III. Ngựa Đích Lư. Cuối đời Hán có ngựa Đích Lư cũng thuộc loại thần mã. Nó mang Lưu Huyền Đức nhảy qua suối Đàn Khê thoát nạn trong khi đoàn quân của Thái Mao truy đuổi theo sau. Ngựa Đích Lư vốn có một xoáy trắng ngay vầng trán, có người báo với Lưu Bị là ngựa phản chủ. Lưu Bị trả lời: Ngựa phản chủ là khi nào chủ phản nó, còn ta thì không.
 
     3.III. Ngựa Xích Thố. Ngựa Xích Thố có sắc lông màu đỏ tượng trưng cho ngựa quý. Ngựa Xích Thố, vốn là của tướng hữu dũng vô mưu Lã Bố. Sau Tào tháo giết Lã Bố chiếm con Xích Thố và đem tặng cho Quan Vân Trường để lấy lòng. Quan Vân Trường được Xích Thố bèn quì lạy Tào Tháo xin cám ơn. Tào Tháo đỡ dậy mà rằng: Ta thường tặng cho Quan Hầu nhiều thứ quí giá ngọc ngà châu báu, mỹ nữ mà Quan Hầu không nhận, thế sao chỉ con ngựa nầy mà Quan Hầu lại đa lễ như vậy?
 
     Thật vậy Quan Công đã cùng với con Xích Thố xông pha trận mạc, vào sinh ra tử, sống chết có nhau. Và cũng chính Quan Công cỡi con Xích Thố nầy quá ngũ quan trạm lục tướng của Tào Tháo trong việc phò nhị tẩu vượt vòng vây về với Lưu Bị. Khi Quan Công chết, con Xích Thố cũng buồn mà chết theo. Câu chuyện nầy khiến khiến nhớ đến chuyện Alexandre Đại đế và con thần mã Buchephalus trong sử Hy Lạp.
 
     4.III. Bạch mã, bạch giáp, bạch bào. Đó chính là hình ảnh của Triệu Tử Long một dũng tướng trong Tam Quốc chí. Mỗi khi ra ra trận, Triệu Tử luôn dùng bạch mã, bạch giáp, bạch bào...đúng là trang anh hùng nam tử.
 
     5.III. Ngựa Tiêu Sương. Vua nước Lương có ngựa rất quý, ngày chạy ngàn dặm, tên là Tiêu Sương. Khi con ngựa này bị vua Tống đánh cắp đem đi, nó nhớ chủ cũ, bỏ ăn rồi chết.
 
     6.III. Ngựa gỗ của Khổng Minh. Đương dầu với quân sư nhà Nguỵ là Tư Mã Ý, Gia Cát Lượng, một binh gia đại tài, quân sư của Lưu Huyền Đức đã chế tạo ra một loại ngựa gỗ thay thế ngựa thật để vận tải quân lương và cố tình tiết lộ kỹ thuật nầy cho Tư Mã Ý. Tư Mã Ý, quân sư của Tào Tháo đã đánh cắp được kỹ thuật và cũng chế tạo ra loại ngựa gỗ giống như vậy nhưng bị Khổng Minh đưa vào tròng phản gián nên đã để cả đoàn xe lương thực của mình cho quân Thục Hán chiếm. Cho nên có thơ: Kiếm Quan hiểm tuấn khu lưu mã. Tà Cốc kỳ khu giá mộc ngưu. Nghĩa là: Ải Kiếm núi cao cưỡi ngựa máy. Tà Cốc hiểm trở ngồi ngựa gỗ.
 
     Câu chuyện nầy có điểm giống câu chuyện con ngựa thành Troie của Hy Lạp và ngựa sắt của Đức Phù Đổng Thiên Vương của Việt Nam.
 
     7.III. Hãn huyết bảo mã. Ở Trung Quốc khi khai khu lăng tẩm Tần Thuỷ Hoàn người ta khám phá ra có một loài ngựa lạ lùng có mồ hôi đỏ như máu "Hãn huyết bảo mã". Những nhà khoa học ngày nay sau khi nghiên cứu đã cho là vấn đề có tính khoa học. 
 
     XE NGỰA MỸ THO
alt
Nhân tản mạc về ngựa, tưởng chừng chúng ta cũng nên nói về xe ngựa Mỹ Tho trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XX đến năm1975.Trâu cày, ngựa cởi, bò kéo....cái nghiệp của ba loài vật nầy đã được Trời định như vậy rối. Thế mà ở chung với loài người thì lại do nhân định. Chả thế mà ba con vật tội nghiệp nầy ngoài cái số thiên định ra còn phải làm hay chịu nhiều nỗi cơ cực khác. Người xưa con người Âu Á rất tôn trọng con ngựa nên từ gọi "chiến mã" ngang hàng với "chiến binh". Trong văn học cũng đem nó lên ngang hàng với con người, thành ngữ "Anh hùng mã thượng" qua từ "chevaleresque" của tiếng Pháp, trong tỉnh từ nầy có từ "cheval" là ngựa....
Con ngựa ngày xưa là phương tiện chuyên chở giao thông độc nhất cho con người. Đi xa đi gần gì cũng ngựa, đánh giặc cũng nhờ vào ngựa – da ngựa bọc thây mà – nhà nào có ngựa giống như ngày nay nhà giàu sắm xe hơi. Thế rồi nhu cầu đi lại càng nhiều mà số cung của ngựa thì không đủ cho nên cái khó nó bó cái khôn: Thay vì một con ngựa chở một người bây giờ một con ngựa phải chở ba, bốn, năm, sáu...người. Mà làm sao chở được? Vậy... xe ngựa ra đời.
Mỹ Tho xưa cũng đã từng có những nhà giàu, những quan chức cấp cao, những ông Cai tổng,...cởi ngựa đi làm việc hay đi hầu quan. Còn dân thường thì không thể sắm nổi một con ngựa nên đành đi...xe ngựa giống như ngày nay ta đi xe lam, xe đò, xe bus, xe hông-đa ôm ...vậy.
Chiếc xe ngựa, nói riêng ở Mỹ Tho và theo trí nhớ của tôi thôi, có nhiều hình dáng khác nhau, cải tiến tuỳ theo nhu cầu của xã hội và theo thời gian. Ngay lúc tôi 6, 7 tuổi tôi có thấy những chiếc xe ngựa chạy tuyến đường Chợ Gạo, Ông Văn, Bến Tranh, Tân Hiệp..dáng dấp giống như xe calèche của Âu Châu, nghĩa là thùng xe được thiết kế giống như một ghế dài (canapé), có lưng dựa có chỗ kê tay có thể đóng bằng gỗ nhưng thường là đan bằng mây. Hai bên có hai cái đèn xe ngựa đúng mẫu mã của nó, gió thổi không tắt. Hành khách lên xuống xe có một bàn đạp rất thuận tiện. Tối đa là 4 hành khách, tất cả ngồi trên xe đều nhìn về phía trước. Anh đánh xe ngồi trên thùng xe hay trên càng xe, tay ve vẩy cái roi ngựa, miệng luôn "họ ne" để vừa trấn an, vừa điều khiển nó. Loại xe nầy nguồn gốc từ Bà Rịa, Vũng Tàu qua biển sang Gò Công lên Mỹ Tho.
Sau nầy tôi không nhớ chính xác năm nào là Mỹ Tho du nhập một loại xe ngựa khác từ Sài Gòn Gia Định về. Loại xe nầy mang hình dáng là một cái thùng hình chữ nhật có mui, sàn xe lót bằng gỗ dùng cho hành khách ngồi, khá rộng nên có thể chở 8, 10 người hay hơn nữa, chưa kể thúng giõ, giống gánh treo chung quanh. Do hình dáng như vậy cho nên người ta gọi nó là "xe hộp quẹt" và thi vị hơn là "xe thổ mộ". Thật sự tôi cũng dốt đặt cán mai về từ thổ mộ muốn chỉ điều gì?
Chiếc xe thổ mộ cuối cùng của Mỹ Tho còn "bỏ vó lốc cốc" trên con đường Trung Lương-Mỹ Tho vào năm 1980,81.. gì đó và người chủ chiếc xe nầy là ông Bảy Tốt nay cũng không còn./-
ĐOẠN KẾT
alt
Viết xong bài tản mạn về ngựa cho tập san AH. NĐC&LNH ra mắt vào năm Giáp Ngọ, tạm vừa ý nhưng còn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì cho lời cuối. Trời thương, bỗng nhiên nhận được một cái PPS của một người cháu từ Paris gởi về có một số ảnh gây xúc động. Trong đó có một tấm ảnh mang lời chú "Mối quan hệ thân thiết giữa người và vật". Xin dùng tấm ảnh nầy để kết thúc bài viết về ngựa của tôi./-
 
                                                                         Mặc Nhân TVC

No comments:

Post a Comment