My Blog List

Saturday, February 11, 2012

Lê Văn Lan - Giáo sư "sử bò" môn Sử


Le Van Lan Giao su su bo mon Su
Sinh năm 1936, Giáo sư sử học Lê Văn Lan trông còn rất trẻ so với tuổi 70 của mình.

Thường xuất hiện dưới vai trò "ông cố vấn" của Chương trình SV96, Đường lên đỉnh Olympia... nhà sử học Lê Văn Lan từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết, giải đáp những thắc mắc về kiến thức lịch sử của giới HS SV.

Tuy nhiên, với ông, con đường để trở thành một học giả như bây giờ không chỉ là những ngày dài mài đũng quần trên giảng đường.

Học hành theo lối tài tử

Chúng tôi tìm tới nhà ông vào một buổi tối mưa khá to. "Người của công chúng" ở tầng hai của khu nhà số 1 Nguyễn Văn Tố, ngay cạnh chợ Hàng Da. Phải hỏi han một lúc, chúng tôi mới tìm được vào nhà ông. "Nhà" rất chật, càng chật chội hơn khi chỗ nào cũng chật ních sách.

Chẳng hiểu có phải do đặc thù của nghề nghiệp, luôn lưu giữ những kí ức về thời đã qua mà đến tận bây giờ, GS Sử học Lê Văn Lan còn giữ được cuốn "Thông tín bạ" từ thuở học cấp 2, cấp 3 dưới mái trường Chu Văn An. Cuốn sổ giấy đã ố vàng sau nửa thế kỷ tồn tại nhưng vẫn còn rất rõ nét chữ. Vào những năm 1949- 1950, cậu học trò Lê Văn Lan đang học năm đầu tiên của Đệ nhất cấp (cấp 2). Đệ nhất cấp thời bấy giờ có bốn lớp: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ. Xuất phát điểm của nhà sử học không để lại ấn tượng gì đối với thầy giáo và bạn bè. Học kì I của lớp đệ thất (Đệ nhất bán niên khảo hạnh), điểm môn Sử chỉ xếp thứ 25/50 học sinh của lớp cùng với lời phê của thầy chủ nhiệm là "Trung bình".

Tuy nhiên, đến học kì II (Đệ nhị bán niên khảo hạnh), thầy giáo và các bạn cùng lớp không khỏi ngỡ ngàng về sức bật của cậu học trò họ Lê: Xếp thứ nhất lớp về môn Sử, đồng thời cũng đứng nhất lớp môn Sinh ngữ, Địa dư, Âm nhạc... và do vậy cả năm học đệ thất, xếp thứ nhất.

Lên cấp 3, xuất phát điểm của trò Văn Lan cũng lại vậy, bao giờ thầy giáo cũng phê là: thường- khá vậy- cũng khá. Một kỷ niệm thủa học trò mà "ông cố vấn" còn nhớ mãi về người thầy dạy sử của mình, giáo sư Nguyễn Tường Phượng (thuộc nhóm Tri tân Thanh nghị) khi bị thầy gọi lên bảng và trả lời không được. Người thầy đã nói: "Cậu Lan, cậu học sử như thế này thì thành sử bò(+) mất thôi".

Ông Lan bồi hồi: "Thuở đó, lớp thanh thiếu niên chúng tôi học không bị gò ép nhiều, áp lực học hành không nặng như bây giờ. Thường thì mọi người có ý thức tự học là chính. Tôi vẫn luôn quan niệm, học có rất nhiều cách, không phải cứ lên lớp ghi chép lời thầy đầy đủ mới là học".

Coi thường môn Sử ở lớp là vậy, nhưng ở nhà cậu học trò Lê Văn Lan có hẳn một kho sách sử kinh điển mà bất cứ thầy dạy sử và người yêu sử nào cũng phải mơ ước. Những năm 50, trong các trường học chưa dạy môn Triết, nhưng họ Lê kia lại yêu môn học có tính suy luận và đòi hỏi mạch tư duy này đến lạ kì. Tìm đọc rất nhiều bản gốc của các triết gia Lão Tử, Khổng Tử, Đề-các, Hê-ghen... rồi so sánh, thắc mắc và đánh giá. Chính những điều này đã dần hình thành nên "ông cố vấn" Lê Văn Lan của rất nhiều chương trình liên quan đến Lịch sử ngày hôm nay.

"Vùng trời bình yên"

Giáo sư Lê Văn Lan vốn xuất thân trong một gia đình "danh gia vọng tộc". Trước kia, nhà ông có tới 7 cái biệt thự giữa đất Hà thành. Chàng trai Lê Văn Lan hào hoa ngày nào cũng có riêng một ngôi biệt thự và một chiếc xe hơi. Ngày ngày người ta vẫn thấy Lan lái xe hơi cùng chúng bạn đi chơi hơn là đến lớp học. Ông thành lập ban nhạc "Chu Văn An" rồi trở thành Ban nhạc guitar Hạ uy cầm số một đã từng lên sóng của đài Hà Nội thời bấy giờ.

Sau năm 1954, gia đình ông bị liệt vào giai cấp tư sản, thuộc diện phải cải tạo, bố mẹ ông đã hiến trọn bộ nhà cửa và gia tài cho cách mạng. Chàng trai đất Hà thành hào hoa, tài tử nức tiếng một thời do giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng và trọn đời cống hiến cho khoa học, đến tuổi nghỉ hưu được hưởng mức lương hưu ngang hàng Thứ trưởng. Ông Lan kể: "Hết cấp 3, tôi vào ĐH Tổng Hợp, khoa sử khoá Một. Ra trường, tôi vào làm "Khai quốc công thần" ở Viện Sử học (thành lập năm 1960) và làm việc ở đấy tới tận bây giờ".

Vậy mà khi chúng tôi đến số 1 phố Nguyễn Văn Tố tìm ông, thật bất ngờ, "người của công chúng" lại đang sống và làm việc trong căn phòng chỉ vọn vẻn 6m2. Trước khi tới, chúng tôi gọi điện, ông hướng dẫn rất tỉ mỉ: "Không giống những con phố khác, ở đây số 1 Nguyễn Văn Tố nằm... giữa phố. Bạn đi vào một con hẻm nhỏ, nhìn thấy ngôi nhà có kiến trúc thời Pháp thuộc, theo lối cầu thang dẫn lên tầng hai, nơi rất nhiều buồng có gắn cửa kính, cái ô cửa kính màu xanh bị vỡ rất nhiều. Đó là tệ xá của tôi".

Ngôi nhà này trước kia là của cặp vợ chồng giáo sĩ Tin Lành, gồm 17 buồng. Giải phóng Thủ đô, họ chuyển đi, nhiều gia đình "nhảy dù" vào ở. Bản thân là người theo đạo Tin Lành nên giáo sư Lê Văn Lan được nhà thờ gọi đến cho một buồng. Trong thâm tâm, chưa bao giờ ông thấy tiếc vì những căn biệt thự của gia đình, bởi với ông, đó là tài sản của ông cha, dòng họ, không phải do bản thân mình làm ra.

Suốt hàng chục năm trời, gia đình ông: một mẹ già, hai vợ chồng và hai đứa con sống trong căn phòng 6m2 đó. Cho đến năm 1994, cơ quan phân cho ông một ngôi nhà trên phố Kim Mã Thượng, vợ con ông phấn khởi vì sắp "đổi đời", nhưng ông lại kiên quyết không nhận. Ông bảo, ở nhà nhiều buồng chắc chi đã hạnh phúc.

Sau nể vợ con, ông cho phép họ nhận căn nhà đó, còn ông vẫn gắn bó với căn phòng 6m2 của mình. Mỗi ngày ông chỉ về căn nhà ở Kim Mã Thượng 2 tiếng để ăn tối cùng vợ con. Thời gian còn lại, ông "ở lỳ" trong căn phòng 6m2 kia. Nơi ấy chân không tới đất, đầu chẳng tới giời, nhưng ông gọi là "vùng trời bình yên" và nó đã gắn bó với ông biết bao nhiêu kỉ niệm.

Le Van Lan Giao su su bo mon Su
"Nhà" GS rất chật, càng chật chội hơn khi chỗ nào cũng chật ních sách...

Cơ duyên cùng con số 6

Chúng tôi gặp giáo sư sử học Lê Văn Lan khi ông vừa mới từ bệnh viện trở về. Những cơn đau đớn do căn bệnh sỏi mật hoành hành suốt 10 năm qua đã khiến ông phải nhập viện. Vẻ mặt ông có vẻ mệt mỏi nhưng khi đề cập đến công việc giọng ông lại trở nên sôi nổi.

Cả cuộc đời nhà sử học này có duyên với con số 6 một cách lạ kì. Nhiều năm qua ông là người phụ trách chuyên mục giải đáp các vấn đề lịch sử của báo Khoa học & Đời sống số ra ngày thứ 6, ở trang 6. "Ốc đảo" nhỏ bình yên của ông cũng vừa 6m2 và ngay cả chiếc giường nằm cũng chỉ có 60cm. Giáo sư đùa với chúng tôi là đủ kích cỡ chiều ngang của... một cỗ quan tài!.

Say mê làm việc nhiều khi quên cả ăn ngủ. Ở ông luôn toát lên một vẻ tự tin, yêu đời, bên cạnh một phong thái hết sức trẻ trung. Chính việc luôn gắn bó với giới học sinh, sinh viên đã đem lại sự tươi trẻ cho tâm hồn ông lâu đến thế. "Năm thứ nhất, tôi chơi với sinh viên, năm thứ hai, chơi với học sinh cấp 3, năm thứ ba, chơi với học sinh cấp 2 và năm thứ tư, chơi với học sinh cấp 1. Chính bọn trẻ đã cho tôi sức khỏe và tuổi trẻ".- Nhà sử học bật mí bí quyết của mình.

Con người của buổi giao thời

Ông Lan nói chuyện với chúng tôi rất say sưa về thời trai trẻ. Thế hệ của ông sinh ra và trưởng thành trong buổi giao thời, các giá trị khác nhiều so với bây giờ. Hình ảnh của ông đại diện cho lớp trí thức thời ấy: Học và chơi rõ ràng, học ra học, chơi ra chơi. Bây giờ, bạn bè ông đã giữ nhiều cương vị quan trọng ở nhiều cơ quan nhà nước.

Sinh năm Bính Tí, cầm tinh con chuột, GS Lan rất thích sưu tầm các đồ vật liên quan tới mèo. Ông bảo, tính ông nhiều phần ngang ngược, phải sưu tầm mèo để lấy cái khắc chế, giúp ông luôn cân bằng. Trong căn phòng nhỏ, có đến gần trăm tượng mèo các loại rất ngộ nghĩnh. Ngày ngày, người dân ở khu chợ Hàng Da vẫn thấy ông đi trên chiếc Honda cũ rích (từng bị trộm cưa ra làm 3 đoạn, định vứt xuống sông) đến cơ quan. Ông Lan bông đùa: Tên tôi là Lê Văn Lan, người ta trêu, bỏ đi chữ Văn với chữ N đằng sau chữ Lan, thành ra chỉ còn là "lê la"...

Bảo Trung- Nguyễn Hiền

(+) Sử bò đọc ngược là bỏ xừ, ý chỉ học hành kém.



No comments:

Post a Comment