My Blog List

Thursday, March 15, 2012

Trung Quốc đấu đá nội bộ: Bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức

Ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, một nhân vật được lòng dân nhưng đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi, đã bị cách chức vào lúc ông có nhiều triển vọng tham gia bộ máy lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân đại hội Đảng lần thứ 18, sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.
Bạc Hy Lai đứng trước các đại biểu khác vào lúc hát quốc ca nhân lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012.
Bạc Hy Lai đứng trước các đại biểu khác vào lúc hát quốc ca nhân lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012.-REUTERS/Jason Lee
Vị thế của ông Bạc Hy Lai đã bị đe dọa sau vụ ông Vương Lập Quân, nguyên giám đốc cảnh sát Trùng Khánh, hồi đầu tháng Hai, đã vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, dường như để xin tỵ nạn.
Ngay lúc đó, giới quan sát đã cho rằng việc ông Vương Lập Quân bị thất thế, muốn đào thoát, tỵ nạn sang Mỹ, là dấu hiệu cho thấy sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai, có tham vọng trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị lung lay mạnh mẽ.
Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc ở Bắc Kinh, nói với AFP rằng việc cách chức ông Bạc Hy Lai không phải là « điều ngạc nhiên ». Ông ta không còn cơ may để vào Thường vụ Bộ Chính trị nữa. Vấn đề chỉ là thời điểm cách chức. Có người nghĩ rằng để tránh xáo trộn chính trị, có thể ông ta tiếp tục được tại vị cho đến khi có Đại hội Đảng.
Ông Bạc Hy Lai, năm nay 62 tuổi, thuộc loại « con dòng cháu giống », cha ông là Bạc Nhất Ba, lão thành cách mạng Trung Quốc. Tuy nhiên, « hoàng tử đỏ » này nổi tiếng trong dự án phát triển Trùng Khánh, với 33 triệu dân, thành một trong năm đô thị lớn nhất, một thành phố kinh tế quan trọng của Trung Quốc.
Ông cũng được công luận biết đến như là người đã chỉ đạo chiến dịch chống mafia quyết liệt ở thành phố này. Bí thư thành ủy Trùng Khánh không hề dấu diếm ý định muốn làm sống lại lý tưởng cách mạng theo kiểu thời Mao Trạch Đông ở nơi đây. Do vậy, có người gắn cho ông nhãn hiệu « người theo chủ nghĩa Mao » hiện đại.
Tuy nhiên, có nhiều thông tin nói đến các vụ hành quyết, bắt giữ, xét xử oan sai, vu cáo trong chiến dịch chống các băng đảng tội phạm có tổ chức và do vậy, có không ít kẻ căm ghét, « không đội trời chung » với ông Bạc Hy Lai. Chuyên gia Jean Pierre Cabestan, phụ trách khoa nghiên cứu chính trị của Đại học Baptist Hồng Kông cho biết : « Chiến dịch chống mafia của ông ta rất dữ dội và bất chấp các quy định pháp luật, ngay cả tại Trung Quốc ».
Người thực hiện chiến dịch này theo lệnh của ông Bạc Hy Lai chính là ông Vương Lập Quân. Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã tìm mọi cách che chắn cho đàn em của mình, chuyển ông Vương sang làm phó chủ tịch thành phố, phụ trách văn hóa giáo dục, để tránh mọi sự đấu đá, tấn công. Ông Bạc Hy Lai đã phải trả giá vì bảo vệ tới cùng cựu lãnh đạo công an Trùng Khánh.
Mặt khác, phong cách của ông Bạc Hy Lai cũng làm cho một số lãnh đạo Trung Quốc khó chịu. Theo ông Patrick Chovanec, giảng dậy tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh thì « ông ta rất cởi mở, rất tự tin và có sức lôi cuốn đối với công chúng, trong khi đa số giới lãnh đạo Trung Quốc lại không có cách hành xử như vậy. Họ bực tức về cách thức ông ta vận động để có được chiếc ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị », đặc biệt cách ông ta ve vãn giới báo chí.
Có dấu hiệu cho thấy con đường sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai đã được định đoạt từ trước. Cách nay một tuần, nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã tham gia khóa họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, khi thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung bộ Luật Tố tụng hình sự. Ông Bạc Hy Lai vắng mặt với lý do bị cúm.
Người lên thay ông Bạc Hy Lai là phó thủ tướng Trương Đức Giang, được coi là nhân vật rất bảo thủ. Theo thông báo của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thì quyết định thay thế này đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Hiện nay, đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong quá trình sắp xếp nhân sự, chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo, nhân Đại hội lần thứ 18. Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra việc cách chức ông Bạc Hy Lai có lợi cho phe bảo thủ hay cho phe được gọi là cải cách ?
Theo chuyên gia Jean Pierre Cabestan, thì phải chăng, động thái này có nghĩa là « ông Tập Cận Bình (lãnh đạo số một trong tương lai của Trung Quốc) sẽ chấp thuận những cải cách của thủ tướng Ôn Gia Bảo và thúc đẩy nhanh các cải cách chính trị ? Còn quá sớm để nhận định việc này ».

                                    Tranh đua tiếp tục sau vụ Bạc Hy Lai

Ông Bạc Hy Lai hiện vẫn còn là thành viên Bộ Chính trị

Biến cố cách chức Bạc Hy Lai, cho đến gần đây còn là ứng viên vào Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, tiếp tục được giới quan sát bàn luận.

Sự ngã ngựa của người vừa mất chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh được cho là sẽ làm tăng cạnh tranh cho các chức vụ cao nhất tại Đại hội Đảng Cộng sản mùa thu năm nay.

Các bài liên quan

Bạc Hy Lai 'bị hạch tội'

Bí thư Trùng Khánh bị cách chức

Cuộc đua khép kín

Chủ đề liên quan

Trung Quốc, Quan hệ Mỹ - Trung

Có vẻ như mô hình Trùng Khánh, một thời được ca ngợi, cũng bị bác bỏ và đánh dấu một thất bại lớn cho phe "tân tả" trong đảng, những người từng xem ông Bạc là đại diện.

Ngồi chơi xơi nước?

Ông Bạc Hy Lai, người nắm chức bí thư của Trùng Khánh từ năm 2007, bị cách chức vì liên quan vụ Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an thành phố, người đã tìm cách lánh nạn trong Lãnh sự quán Mỹ trước khi bị bắt.

Chương trình tin tức của truyền hình Trùng Khánh ngày 15/3 đưa tin ông Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã chủ trì hội nghị cán bộ lãnh đạo tại Trùng Khánh.

Ông Lý được dẫn lời: "Sự điều chỉnh chức vụ lãnh đạo là do tác động chính trị nghiêm trọng từ vụ Vương Lập Quân."

Tuy vậy, một số nhà phân tích ở đại lục cho rằng ông Bạc Hy Lai sẽ không phải chịu những trừng phạt nặng nề như vụ bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ trước đây.

Dẫu sao ông vẫn là con của Bạc Nhất Ba, một trong những công thần số một của Đảng.

Ông Zhang Minh, từ Đại học Nhân dân, nói: "Trừ phi Bạc dại dột chống lại, bằng không thì sự nghiệp ông ta sẽ giống như Vương Lạc Tuyền".

Năm 2010, Bí thư khu ủy Tân Cương Vương Lạc Tuyền bị cách chức sau những chê trách quanh chính sách với người dân thiểu số Uyghur. Ông phải về làm Phó bí thư Ủy ban chính trị và lập pháp của Đảng, nhưng vẫn ngồi trong Bộ Chính trị.

Người yêu, kẻ ghét



Chiến dịch Nhạc Đỏ là một phần của 'mô hình Trùng Khánh'

Được xem là người năng nổ, hùng biện và cũng tàn nhẫn, khác với phong thái nhạt nhẽo của nhiều quan chức, ông Bạc Hy Lai là một chính khách hiếm hoi của Trung Quốc gây ấn tượng mạnh cho truyền thông quốc tế và người nước ngoài.

Ban đầu, khi còn là Bộ trưởng Thương mại năm 2004, ông được đánh giá như một chính khách theo xu hướng cải cách, phần nào theo phương Tây.

Nhưng dần dần, ấn tượng này thay đổi từ khi ông chuyển về làm Bí thư Trùng Khánh. Mặc dù nhiều người khen ngợi chiến dịch chống tội phạm của ông, nhưng dư luận cũng bị sốc vì sự trấn áp nặng tay, bỏ qua các ràng buộc pháp lý mà cánh tay phải của ông Bạc, Vương Lập Quân, là người thi hành.

Chiến dịch hát Nhạc Đỏ, tăng cường sự đầu tư của nhà nước và những dự án vì dân như nhà ở xã hội, tất cả đã tạo nên cái gọi là "mô hình Trùng Khánh".

Tại Trùng Khánh, ông trở thành biểu tượng của "tả phái", với khẩu hiệu xây dựng một xã hội quân bình hơn như dưới thời Mao Trạch Đông.

Cho đến đầu năm nay, giới quan sát thống nhất rằng ông Bạc có hy vọng rất lớn để theo chân những người cùng trang lứa như Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường vào cơ cấu Thường vụ Bộ Chính trị.

Nhưng sau khi xảy ra vụ Vương Lập Quân bị bắt hồi tháng Hai, những người quan tâm chính trị ở Bắc Kinh đồn đoán về tiền đồ của ông Bạc.

Ngày 3/3, khi ra sân bay đón đoàn Trùng Khánh do Bạc Hy Lai dẫn đầu về Bắc Kinh dự họp Quốc hội, ông Hạ Quốc Cường, Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng, có lời chào bí hiểm.

Ông Hạ nói: "Khí hậu Trùng Khánh rất khác Bắc Kinh. Năm nay, giai đoạn lạnh đã tương đối dài ở Bắc Kinh. Lúc này đang là thời điểm giao mùa."

"Tôi hy vọng mọi người chú ý giữ ấm, chống cảm lạnh, lưu ý giữ sức khỏe."

Nhiều người tin rằng ông Hạ lúc ấy không có ý định nói về thời tiết.

Nhiều nhà quan sát cho rằng lý do chính cho sự ngã ngựa của Bạc Hy Lai không phải vì sự "phản bội" của Vương Lập Quân mà vì phong cách chính trị của ông khiến nhiều đối thủ lo ngại.

Patrick Chovanec, giáo sư ở Đại học Thanh Hoa, nói có ba lý do khiến ông Bạc sa cơ.

Các quan chức cao cấp khác bực tức trước cách ông Bạc lấy lòng báo chí và tự quảng cáo cho mình. Thứ hai, nhiều người cảm thấy bị đe dọa vì họ không thể cạnh tranh theo cách như ông Bạc chủ xướng.

Và thứ ba, họ choáng váng bởi chiến thuật "vận động quần chúng" của ông - nó gợi nhắc lại Cách mạng Văn hóa khi dân chúng được sử dụng để tiêu diệt các phe nhóm trong Đảng.

Ai hưởng lợi?

Trong cuộc tranh đua vào Thường vụ Bộ Chính trị, có vẻ ông Uông Dương, Bí thư Quảng Đông và được xem là khó chịu với ông Bạc, sẽ có lợi.

Một vài cái tên khác cũng được nhắc đến như Hạ Quốc Cường, hay Trương Đức Giang (Phó Thủ tướng và nay kiêm nhiệm Bí thư Trùng Khánh).

Năm nay, lần đầu tiên việc thay thế bảy trong số chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và chọn ra chủ tịch và thủ tướng sẽ không được chỉ định bởi một đại lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân. Nay nó phụ thuộc vào sự đồng thuận của một nhóm đảng viên cao cấp.

Có lẽ điều này cũng đã góp phần dẫn đến thất bại của Bạc Hy Lai. Phong thái thủ lĩnh của ông khiến ông nổi bật trong mắt công chúng, nhưng lại gây lo ngại cho giới chóp bu trong Đảng.

No comments:

Post a Comment