SÀI GÒN và TÔI
Bất cứ ai đã ghé một lần thì luôn nhớ Sài Gòn, ai đã "sống" ở Sài Gòn khi ra đi đều mang theo Sài gòn trong tim ,"sao dzậy hén", vì Sài gòn rất là …Sài gòn…
Ngay khi đặt chân lên miền đất ngập nắng ấm này, cảm nhận đầu tiên là giọng nói của người Sài Gòn: ngọt, mềm mại ,ấm và dịu dàng ,còn hỏi tại sao có được những "tố chất" ấy tôi xin thua, bạn đọc có thể tìm câu trả lời ở những người viết "tầm cỡ", những nhà" nam bộ học" như các ông Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Vương Hồng Sển…
Khi còn là cậu học trò ở làng quê nghèo, Sài Gòn là nơi mà tôi mơ được đặt chân đến dù một lần cho… biết, trong trí tưởng khi nghe danh "hòn ngọc Viễn Đông", Thủ Đô nước Việt Nam Cộng Hòa, Sài Thành hoa lệ Nhưng điều làm tôi xôn xao mơ ước nhất là khi nghe bản nhạc Sài Gòn của nhạc sĩ Y Vân : "dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai, ngựa xe thấp thoáng muôn tà áo tung bay… phố xá nơi đây đón chân tôi đến chung vui … Sài gòn đẹp lắm…Sài gòn ơi …Sài gòn ơi…"
Lần đầu tiên tôi đã "có "Sài gòn như vậy, một chiều nắng mùa hè, nắng chưa phai và nóng rừng rực ,một dòng xe cộ nườm nượp, cũng là lần đầu tôi thấy xe xích lô đạp, xích lô máy, những chiếc "tắc-xi" với 2 màu vàng và xanh… khi chiếc xe hành khách tên Mai Tiến lăn bánh rời Hàng Xanh bon trên đường PéTrus Ký , tôi căng mắt để nhìn Sài Gòn.
Sau buổi chiều biết Sài Gòn ấy, nhờ lòng tốt của người thầy học cũ tôi được trọ học ở nhà thầy thuộc một giáo xứ vùng ngoại ô Sài Gòn .
Sài Gòn có hàng trăm con đường, người ta hay nhắc tới những con đường khu trung tâm như Lê Lợi, Tự Do, Lê Thánh Tôn, Phạm Ngũ Lão… những con đường "đi" vào văn học được nhắc trong nhạc, thơ, tiểu thuyết như đường Nguyễn Du, Duy Tân, Lê Lợi… có khung cảnh thơ mộng giữa chốn phồn hoa, những con đường có tán me che mát quanh năm, lá me rụng rơi trên tóc những cô gái miền Nam mà giọng nói êm như gió thoảng, ngữ điệu "ngọt" và dịu dàng làm chết lòng con trai tứ xứ, bây giờ nữ sinh cũng mặc áo dài nhưng tôi thấy mất đi hay nói đúng hơn là "giảm chất thơ" trong tà áo dài ,có lẽ do ngoại cảnh chi phối trong cái nhìn của tôi chăng ,một thành phố nay với hơn tám triệu con người, hầu hết dùng xe gắn máy mà lại ưa chuộng xe "phân khối lớn", dáng xe thể thao cho hợp với thời đại, tưởng tượng thì áo dài đâu có hợp với những Honda@, Dylan, dịu dàng cứ bị gọt đẽo bởi thời @.
Mà bây giờ tóc ngang vai cũng khó tìm, con người phải vật lộn trong đời sống "công nghiệp hóa" tất bật và căng thẳng ,người ta vẫn làm đẹp, yêu cái đẹp và để chăm sóc mái tóc của thời khắc "xô bồ" là phải hy sinh, gọn nhẹ, đội cái "nồi cơm điện lên cho an toàn thì mái tóc dài ngắn ai thèm quan tâm, người ta bịt mặt như hiệp sĩ Zoro, thò 2 con mắt ai cũng dáng dấp "xì tin", một va quẹt nhỏ là sừng sộ quát nạt nhau rất là "phi văn hóa", Sài Gòn của tôi xưa không thế… cũng kẹt xe, cũng bao xóm "kênh nước đen" nhưng trong đối xử nhau vẫn rất ấm tình người, dân Nam bộ hay cười xòa và dễ thông cảm, tha thứ và hay kết bạn trong những lúc "hoàn cảnh" …
Nhưng con đường của riêng tôi nó quá đỗi thân thuộc dù tôi chỉ có vài năm ngắn ngủi được làm dân ngoại ô Sài Gòn, nó gói nhiều kỷ niệm và tôi càng quý nó hơn vì nay khi được thăm lại, như một người bạn cố cựu sau bao thăng trầm trong cuộc sống vẫn còn thủy chung : đường đã không đổi tên… tôi đi từ giáo xứ Hà Nội (An Nhơn, Gò Vấp) con đường nhỏ tên Bắc Tiến ,qua cái ngã tư hướng theo chùa Tiên Long, qua thành Quân Cụ, đến Thông Tây Hội rẽ trái ra Ngã Năm Chuồng Chó, đi dọc theo đường trước Tổng Y Viện Cộng Hòa gặp ngã ba Chú Ía, chạy thẳng một lèo đến ngã tư Phú Nhuận là bước vô con đường này, đi qua rạp cine Văn Cầm, sắp tới cầu Kiệu khi qua khỏi chợ Phú Nhuận, rồi gặp ngã 3 Tân Định, cứ thẳng hướng là tới cuối đường … là trung tâm Thủ Đô… bạn đoán ra tên con đường này chưa ?
Ngã Năm Gò Vấp là cuối tuyến xe buýt, băng qua đường lên xe "lam" về Xóm Mới, những năm Đệ Nhất tôi học chiều, khi có giờ học thêm về qua đây nghe ếch nhái kêu nhớ nhà lắm, năm đầu học trường Chân Phước Liêm Gò Vấp tôi đi xe đạp, khi đậu tú tài một ba tôi cho tiền mua một xe Velo Solex "mới bóc tem" loại 3800, mua trên đường Lê thánh Tôn. Nữ sinh Sài Gòn mặc áo dài đi xe Velo trông dịu dàng và đẹp, công chức nữ hay dùng xe "mô bi lét", cho đến cuối năm 1967 xe Nhật ào ạt nhập vô, có loại xe tay ga cho nữ rất nhẹ và cũng thanh lịch là xe honda PC 50…
Người Sài Gòn hiền hòa, vui tính, dễ gần, một công chức, một quân nhân lương đủ "nuôi" gia đình, có lẽ vì vậy nên ít "hoàn-cảnh" và ít "tiêu cực" …
Nếu hỏi sẽ nhớ nhất cái gì khi xa Sài Gòn khó nói lắm vì Sài Gòn có nhiều "cái" rất dễ thương rất làm cho mình nhớ, nếu có chút "tâm hồn ăn uống" sẽ nhớ phở Quyền Phú Nhuận, rồi bò viên khu Tân Định, mê chè thì nhớ tiệm chè Hiển Khánh khu Đakao, hồi ấy tôi và anh bạn tập "mê" nhạc tiền chiến hay lên quán ông "râu kẽm" vùng Ông Tạ (khu Bảy Hiền) có giàn Akai và những băng nhạc tiền chiến nghe nao lòng, đặc biệt quán có bán lẻ tất cả các loại thuốc lá trứ danh của Ăng-Lê như ba số năm hộp thiếc tròn loại không đầu lọc, vì khách đến quán thường là học sinh, sinh viên nghèo nhưng mang tâm hồn "nghệ sĩ" mà xét cho kỹ túi thường ít tiền… Tôi và bạn bè cũng hay ghé cà-phê Thu Hương gần nhà thờ Tân Định, quán này lịch sự và chiều khách, không phân biệt "giai cấp", tôi cũng không bao giờ quên được quán Thăng Long (Xóm Mới) có món đá chanh "bí truyền", sau này có đi uống nước chanh đá bất cứ đâu tôi không bao giờ quên được ly đá chanh của quán này, thầy Quang hay đãi chúng tôi khi ông lãnh lương của hãng RMK-BRJ, môt tháng 2 kỳ lương nên tôi hay được thầy cho ghé quán này…
Tôi cũng nhớ món nghêu hấp ở đường Nguyễn Tri Phương mà người bạn hay "bao" tôi (anh bạn này cùng tên với tôi và đã ra đi từ tháng tư bảy lăm nếu có đọc được những dòng này chắc anh nhớ tôi vẫn "nợ" những bữa ăn nghêu ngày xưa), rồi những xe hoành thánh mì ở khu Tân Định ăn một tô chưa bao giờ đã thèm. Về ăn uống thời đi học vậy là "sang cả" rồi vì học trò làm gì có tiền, làm gì dư giả, cho tới khi vào quân đội, mỗi lần có phép về Sài Gòn bao giờ tôi cũng tìm lại "quán cũ tình xưa", ăn, uống chỉ như cái cớ … còn ngồi tĩnh lặng lòng "hoài cổ" là nhiều.. (Tất nhiên tôi không dám tham lam để đụng tới đề tài "ẩm thực Sài Gòn") bởi nơi đây đã từng là thủ đô của Việt Nam tự do, kết tụ văn hóa ba "kỳ", ngay phở Bắc, mì Quảng, hủ tiếu Mỹ Tho người ta có thể viết thành một cuốn sách về món ngon ba miền rồi, tôi là cậu học trò chân quê mới bước lên thủ đô, chỉ có những "góc" nhìn nhỏ bé nhưng coi là của riêng mình, chỉ một chút trải lòng trong cái nhớ, trong "hoài niệm", chân bước lại vào phố xưa quá đỗi xô bồ nhộn nhịp nhưng lòng thấy lạc lõng, trơ trọi … đã có một câu nói về con người "phố" thời @ tôi nghe mà buồn khôn tả : Thạch Sanh thì ít, Lý Thông lại nhiều… có phải vì sự giàu có đi lên từ một nền kinh tế "ba rọi", có phải vì từ các cháu bé con khi tới lớp mẫu giáo đã được dạy làm "cờ đỏ", được dạy "phát biểu"và "giơ tay đối phó"với những "đoàn thanh tra", nghĩa là được dạy Nói Dối khi bắt đầu Học Nhân Cách … xã hội rồi sẽ như thế nào khi có rừng tre được lớn lên từ những búp măng như thế ?
Chuyện nhân cách, sự tự trọng giữa thời buổi "đồng tiền là sức mạnh", nhân nghĩa bị coi là gàn, là dở hơi thậm chí còn bị coi là stupid… Và còn buồn hơn khi báo chí, thông tấn hỏi các "quan", được các quan trả lời thẳng thừng và trơ trẽn : anh chỉ cho tôi xem ở đâu không có tham nhũng, ở đâu không có tệ nạn, ôi làm lãnh đạo mà trả lời như thế, một cách trả lời để vẽ đường cho hươu chạy, thử hỏiThượng có Bất Chánh hay không, lãnh đạo mà vô cảm trước tội ác với dân thì ai trị nhỉ ?
Cũng có những hôm trời mưa dầm, những giờ nghỉ học "bất thường" vì thầy dạy một môn bị bệnh ,tôi hay "vù" ra công viên Tao Đàn, ngồi ngắm mưa … nhớ nhà, mua vài điếu Pallmall lẻ và tập làm thi-sĩ …
Tôi cũng thường coi phim rạp Vĩnh Lợi, rạp này thường chiếu phim Pháp, Ýgiá vé hợp với túi tiền học trò còn Eden và Rex chỉ khi có những phim mới và hấp dẫn lắm mới dám xem vì giá vé rất cao, tôi cũng không quên rạp xi nê Văn Cầm trên đường Võ Di Nguy Phú Nhuận, rạp Kinh Thành trên Tân Định, rạp Casino Đakao các rạp này thuộc hạng bình dân hợp túi tiền học trò.
Sài Gòn có một thứ tôi luôn thèm và nhớ là "chợ" sách vỉa hè, khu dọc rạp xi-nê Vĩnh Lợi vì ở khu trung tâm nên sách cũ mà hơi cao giá hơn chỗ khác bù lại hầu như rất phong phú cho sự chọn lựa, chợ sách thứ hai mà tôi hay ghé là vỉa hè trước nhà thờ Tân Định trên con đường "chung thủy" của tôi : đường Hai Bà Trưng.
Nhà thơ Nguyên Sa có một câu thơ mà ai qua thời làm học trò cũng thuộc : "nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông …" bây giờ người đẹp Sài gòn ít ai mặc áo dài, thì làm sao thấy cái dáng "áo lụa Hà Đông", dù cho có bao thăng trầm, bao cảnh bể dâu nhưng Sài gòn của thời xưa ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi.
Nghe qua câu này có vẻ tôi là tên "phân biệt chủng tộc" nhưng đáng buồn thay, những người Sài Gòn như "ẩn" đâu hết, trong khu trung tâm vắng họ nhiều, thay vào đó là sự hiện hữu của người "Sài gòn mới", âm nói nghe sắc lạnh dù đon đả chào mời, họ "nhầm" khi chào hỏi tôi bằng tiếng Anh, cũng may là tôi còn nói được vài câu tiếng Anh xã giao rồi "biến" cho lẹ vì sợ sẽ nghe "tiếng Đức" và sẽ bị "đốt phong long" vì không mua hàng, họ "nhầm" khi thấy tôi mặc bộ hoa ngụy trang, đội cái nón đi rừng hàng quân đội Mỹ chánh hiệu, lại còn đeo kính Rayban ,chiếc máy ảnh Canon G7 đeo lủng lẳng trước ngực nên tưởng tôi là du khách Thái Lan, tôi cảm thấy buồn và tự nhiên nhớ câu thơ trong bài thơ Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên "… Những Người Muôn Năm Cũ – Hồn Ở Đâu Bây Giờ…"
Những ngày tháng tư, những người Sài Gòn sẽ rất nhớ khi họ không còn ở Sài gòn, nhớ cái nắng tháng tư, nhớ ly cà-phê đá góc phố, nhớ tiếng rao quà trong canh khuya, trong sáng sớm, và sẽ không quên được tháng tư mà họ bỏ phố ra đi …
Vẫn còn tiệm kem Bạch Đằng mà khi ngồi ở đây có thể nhìn ra 2 đường phố, cũng còn những người bán thuốc lá cho du khách với nhiều hiệu thuốc cho khách Âu, Mỹ, Á… Những shop bán đồ lưu niệm về cuộc chiến Việt Nam mà người mua có thể mua cái bếp hành quân nấu bằng xăng, cái la bàn trên trực thăng những viên đạn đại liên 50 được bàn tay khéo léo của người thợ thủ công làm thành cái quẹt, những cái quẹt Zippo trên thân khắc nhiều địa danh của quê hương nghèo khó mãi vì chiến tranh, cuộc chiến qua rồi nhưng những người tham chiến thuở ấy có bao nỗi niềm… dẫu biết phải quên đi… nhưng có qua rồi mới thấu… ngôn ngữ có khi bất lực trước những nỗi niềm này.
Mỗi người có một Sài Gòn riêng cho mình mà khó giải bày cho người khác, tôi cũng vậy, nhưng dù sao đi nữa tôi cũng rất yêu Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment