Năm 2013 - 2014 đánh dấu sự hoàn thành của những dự án "ngoài sức tưởng tượng" của con người. Không chỉ là thông điệp của sáng tạo và cảm hứng, những tòa nhà này còn phản chiếu được phong cách thẩm mỹ đương thời.
Dưới đây là 10 công trình kiến trúc táo bạo nhất thế giới được tạp chí Architectural Digest bình chọn.
1. Trung tâm triển lãm Heydar Aliyev*
Địa điểm: Baku (Azerbaijan)
Thực hiện: Kiến trúc sư Zaha Hadid
Nhìn từ xa, Trung tâm triển lãm Heydar Aliyev như một đường cong bất tận, ôm lấy toàn bộ cảnh quan xung quanh.
Cái tên Heydar Aliyev được chọn theo tên vị lãnh tụ thời kỳ Azerbaijan còn nằm trong khối Xô Viết. Trái ngược với gu thẫm mỹ Liên Xô vốn được ưa chuộng ở Azerbaijan, trung tâm Heydar Aliyev gây sốc với mô típ trang trí mang đậm phong cách Hồi giáo.
Bên trong Heydar Aliyev là một hội trường 1.000 chỗ ngồi, rộng hơn một triệu mét vuông, được trang trí bằng gỗ sồi uốn lượn kiểu ruy-băng. Bên ngoài Heydar Aliyev được bao bọc bởi những tấm thủy tinh trong suốt, như một điểm cộng hoàn hảo cho tòa kiến trúc vốn đã rất nổi bật này.
2. Nhà trọ FOGO Island
Địa điểm: Newfoundland and Labrador (Canada)
Thực hiện: Công ty kiến trúc Saunders
Tọa lạc tại vùng biển hẻo lánh thuộc tỉnh Newfoundland and Labrador, nhà trọ Fogo Island là dự án mới nhất của kiến trúc sư người Nauy Todd Saunders.
Ấn tượng đầu tiên về Fogo Island là sự kết hợp đầy ngẫu hứng của những khối hình học tạo ra một tổng thể đầy phá cách. Không dừng lại ở đó, Fogo Island còn chinh phục những du khách bởi ý nghĩa nhân văn của dự án. Toàn bộ 29 phòng nghỉ và các công trình nghệ thuật như thư viện, nhà triển lãm, rạp chiếu phim…của Fogo Island đều được lấy cảm hứng từ nền văn hóa bản địa. Có thể nói, kiến trúc sư Saunders đã thành công khi biến Fogo Island thành một địa điểm lưu giữ và trao đổi văn hóa.
3. Bảo tàng Rijksmuseum
Địa điểm: Amsterdam (Hà Lan)
Thực hiện: Công ty Cruz y Ortiz Arquitectos, kiến trúc sư Van Hoogevest Architecten, công ty Wilmotte & Associates
Bảo tàng quốc gia Rijksmuseum vốn được xây dựng vào năm 1885 bởi kiến trúc sư Pierre Cuypers. Để đem lại sức sống mới, công ty Cruz y Ortiz Arquitectos và kiến trúc sư Van Hoogevest Architecten đã dành 10 năm cho khối công trình kiến trúc từ thế kỉ 19 này.
Những điểm nổi bật của bảo tàng Rijksmuseum là hai mô hình ngôi nhà thuộc thời kì huy hoàng Đế quốc Hà Lan và hai mái vòm kính trong suốt. Những không gian riêng lẻ như lối vào, quán cafe, cửa hàng lưu niệm cũng đều được trang bị những thiết bị chiếu sáng tuyệt đẹp, góp phần tôn thêm nét lung linh, cổ kính cho bảo tàng.
4. Tháp đôi Al Bahar
Địa điểm: Abu Dhabi (UAE)
Thực hiện: Công ty kiến trúc Aedas
Vượt qua những đối thủ nặng kí, công ty kiến trúc toàn cầu Aedas đã giành được quyền thiết kế Tháp Al Bahar - trụ sở của Tập đoàn đầu tư Abu Dhabi.
Bao bọc tòa tháp 25 tầng là những lá thép hình mắt cáo lấy cảm hứng từ hoa văn mashrabiya truyền thống của kiến trúc Ả Rập. Lớp "áo thép" trang trí này còn có công dụng điều tiết lượng ánh sáng chiếu vào và làm giảm độ chói. Bề mặt bọc kính của tháp Al Bahar được tráng một lớp Teflon để hấp thu năng lượng mặt trời, đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng cho tòa nhà.
Có thể nói, tháp Al Bahar là một biểu tượng của sự sáng tạo và thân thiện môi trường.
5. Mái che ở cảng Marseille Vieux
Địa điểm: Marseille (Pháp)
Thực hiện: Công ty Foster + Partners
Công thức của mái che ở cảng Marseille Vieux rất đơn giản: một tấm kim loại phản chiếu và những chiếc cột sáng bóng, nhưng vẫn khiến du khách không thể rời mắt.
Có lẽ, điểm thu hút nhất của mái che nằm ở sự đơn giản đến điên rồ: dùng chính khung cảnh nhộn nhịp nơi bến cảng làm họa tiết trang trí cho mái che. Biểu hiện tò mò lẫn thích thú khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu trên mái che của đám đông đã chứng minh rằng: ứng dụng giả kim vào kiến trúc là một lựa chọn không tồi.
6. Trung tâm nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế Roberto Garza Sada
Địa điểm: Monterrey (Mexico)
Thực hiện: Kiến trúc sư Tadao Ando và đồng nghiệp
Phong cách chủ đạo của kiến trúc sư người Nhật Tadao Ando là sử dụng đá nguyên khối, tạo cảm giác vừa hùng vĩ, vừa táo bạo. Và, trung tâm nghệ thuật, kiến trúc và thiết kế Roberto Garza Sada thuộc khuôn viên Đại học Monterrey (Mexico) cũng không phải là ngoại lệ.
Quả không hổ danh kiến trúc sư nhận giải thưởng Pritzker, Tadao Ando đã sắp đặt các phòng ốc bên trong thành một khối dinh thự liền lạc nhưng không kém phần độc đáo. Khoảng trống hình tam giác dẫn lối vào khuôn viên chính của trường được sinh viên gọi vui là Cổng Sáng Tạo bởi hình dáng có 1-0-2 của nó.
7. Công viên thủy sinh quốc gia Hành tinh xanh
Địa điểm: Kastrup (Đan Mạch)
Thực hiện: Công ty 3XN, hoàn thành năm 2013
450 sinh vật biển của Công viên thủy sinh quốc gia Hành tinh xanh thật may mắn vì được bảo tồn ở một công trình kiến trúc tuyệt đẹp.
Nhìn từ trên cao, các hàng lang của Hành tinh xanh tỏa ra như một ngôi sao năm cánh, đan xen bởi những bể cá xanh mát. Để tạo cảm giác thật như đi xuyên qua đại dương, các kiến trúc sư đã dùng bề mặt kính hình kim cương phủ lên các bể cá, để chính ánh sáng tự nhiên tạo hiệu ứng chân thật nhất.
8. Thánh đường Cardboard
Địa điểm: Christchurch (New Zealand)
Thực hiện: Kiến trúc sư Shigeru Ban
Tháng 2/2011, một trận động đất 6,3 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 185 cư dân của thành phố biển Christchurch, trong đó có 30 du khách Nhật Bản. Với sự đồng ý của hai quốc gia, Thánh đường Cardboard đã được xây dựng để tượng niệm sự kiện này.
Công trình tôn giáo này được xây dựng bởi kiến trúc sư Nhật Bản Shigeru Ban, trên phần đất của một nhà thờ Anh Giáo hồi thế kỉ 19 đã bị hư hại nghiêm trọng. Mái vòm của thánh đường được ghép từ rất nhiều ống giấy lớn phủ polycarbonate và được nâng đỡ bởi 8 công-ten-nơ (containers). Shigeru Ban cũng dùng những vật liệu bản địa thân thiện với môi trường để trang trí cho thánh đường. Những tam giác kính màu sắc rực rỡ là một lời nhắn: từ đống đổ nát, hy vọng sẽ tái sinh giống như lý do mà thánh đường Cardboard được xây dựng.
9. Bảng tàng nghệ thuật Pérez tại Miami
Địa điểm: Miami (Hoa Kỳ)
Thực hiện: Kiến trúc sư Herzog và de Meuron
Tọa lạc gần bờ sông, Bảo tàng Pérez là một địa điểm lý tưởng cho các sự kiện nghệ thuật. Có thể nói, giữa thời đại của những tòa nhà chọc trời, Bảo tàng Pérez khác biệt bởi sự thông minh và linh hoạt.
Để đề phòng những điều kiện thời tiết thất thường tại bang Miami, cặp đôi kiến trúc sư Thụy Sĩ Jacques Herzog và Pierre de Meuron đã áp dụng mô hình nhà sàn cho bảo tàng. Nhằm điều tiết lượng ánh sáng mặt trời phù hợp, gỗ tếch và bê tông được sử dụng đan xen cho phần mái che của bảo tàng. Bên cạnh đó, Patrick Blanc đã được mời để tạo ra những khu vườn thẳng đứng, tạo điểm nhấn cho mạng lưới cột chống của bảo tàng.
10. Bảo tàng Kiến trúc (Tchoban Foundation - Museum for Architectural Drawing)
Địa điểm: Berlin (Đức)
Thực hiện: SPEECH Tchoban và kiến trúc sư Kuznetsov
Ngẫu hứng là cảm giác đầu tiên của du khách khi đặt chân đến Bảo tàng Kiến trúc.
No comments:
Post a Comment