Như Vậy Mới Khôn | |
Thạch Chữ, người ở Hàng châu, lấy nghề đốn củi để làm kế sinh nhai, nên thấy sự vất vả chẳng nhằm chi hết cả. Vợ là Hàn thị thấy vậy, mới nhân buổi sáng trăng ngồi ăn chè xôi nước mà nói với chồng rằng: - Chàng đốn củi, thiếp quay tơ. Những tưởng hai đầu lương đã đủ cho mình thanh thỏa. Nay hụi đã hốt rồi, mà chàng vẫn lên non. Sao không lấy đó mở hàng ăn, quán nước? Thạch Chữ cảm như cổ họng bị chận ngang, ấp úng nói: - Mở hàng quán thì cần có khách, mà một khi muốn có khách thì phải hết sức mà chiều. Ta nói năng thô lỗ, bụng để ngoài da, nên chỉ ít hôm e nàng bay mất vốn. Rồi thở ra một cái như vất được gánh nặng ngàn cân, đoạn nắm tay vợ tha thiết nói: - Cả đời ta, chỉ chiều chuộng có một người. Ðó là nàng. Chứ ngay cả với mẹ cha của ta cũng khó chiều hơn thế. Ta lại nghĩ: Một khi mình cho là đủ, nghĩa là bằng lòng với cái mình có, thì không bao giờ vượt qua được bờ bến bên kia - nơi mà đòi hỏi ở chúng ta sự quyết tâm và tràn đầy nghị lực - nên cho dẫu tiền vô như nước, ta cũng phải lên rừng kiếm thêm bạc thêm ngân. Chớ không thể ở nhà như vậy được. Hàn thị nhìn mặt chồng, thấy cả một trời tranh đấu, bèn rúng động tâm can, thảng thốt nói: - Một cái máy có thể hoạt động miệt mài không nghỉ, nhưng một con người, thì không thể chạy hoài y như thế. Chàng tuổi đã thập tam mà cày hoài như vậy, thì chỉ sợ chưa đủ bốn mươi, đã thấy châu thân như có phần... rách nát. Chẳng uổng lắm ư? Thạch Chữ nghe vợ nói vậy, liền ngửng mặt cười cho một tràng, rồi sảng khoái đáp: - Mục đích của cuộc đời là gì? Nếu không phải để kiếm tiền rồi mang về cho vợ. Lại nữa, công danh ta không có. Quyền thế cũng không, thì biết đến khi mô mới một bước đưa em ngồi ngôi mệnh phụ? Chi bằng sức còn ngày nào, ta chơi luôn ngày đó, để ít nữa về chiều khỏi hối hận ngàn câu, bởi đã không tận hết sức hơi mà cưng chiều cô vợ. Một hôm, Thạch Chữ vào rừng, thấy trong người hơi oải, bèn tựa lưng vào một gốc cây to, móc thuốc lào ra kéo. Bất chợt có Trang Tử cùng đám học trò đi qua, dừng lại nói: - Ngươi có búa có rìu, ắt làm nghề đốn củi. Có phải vậy chăng? Thạch Chữ gật đầu đáp: - Phải! Trang Tử lại hỏi: - Làm nghề đốn củi, mà đụng phải một cây bự tổ nái kiểu này, thì không nói cũng biết là mánh đậm chạy vô. Hà cớ chi ngươi lại ngồi im không đốn? Thạch Chữ gãi tai đáp: - Cây này tuy bên ngoài bắt mắt, nhưng... bọng mẹ bên trong, thành thử nấu đun chỉ mất giờ vô ích. Trang Tử lại hỏi: - Thế với cây này, người ta làm được gì? Chữ bực bội đáp: - Ðể dựa hút thuốc lào chớ còn để làm chi nữa! Trang Tử nghe vậy liền day mặt qua đám học trò, trang nghiêm nói: - Cây này chỉ vì không ra gì mà được sống lâu. Thiệt là hết biết! Chợt có Chu Quyến là học trò ưu tú của Trang Tử, bước ra nói: - Thưa thầy, người hiền thường không sống được lâu. Phải chăng cũng vì duyên cớ đó? Trang Tử lặng người đi một chút rồi bước tới bước lui. Mãi một lúc sau mới cẩn trọng nói rằng: - Cây thẳng thì bị đốn trước. Người hiền thì bị thác trước, bởi cây thẳng thì làm được nhiều việc, như đóng bàn, đóng ghế, kèo cột để dựng nhà, nên thiên hạ cứ xúm vô mà chơi hoài chơi tới. Còn người hiền ngay thật, thích việc rạch ròi, ghét chuyện mánh mung, nên bị đám tiểu nhân nắm tay... bề tứ phía. Thoát một lần thì được. Thoát lần nữa thì may, nhưng tới bận thứ ba thì dời qua... bàn thờ mà ở. Ðám học trò nghe thầy diễn giải như vậy bèn ồ lên một tiếng rồi một đứa bước ra, vòng tay nói: - Nếu người hiền đoản mạng như cây cỏ ngoài đồng, thì tất cả chúng con còn mơ ước trở thành người hiền mần chi nữa? Trang Tử nghe vậy, bèn nhìn khắp một lượt với ánh mắt đầy tràn sự bao dung, khẳng khái nói: - Nước trong thì cá làm sao mà sống? Muốn cá sống hùng sống mạnh, thì phải có rong rêu. Cũng như hoa lá ngoài sân vậy. Nếu không có một chút phân bỏ vào. Lẽ nào mơn mởn mà có được hay sao? Người hiền cũng vậy. Nếu chỉ biết mang lời dạy của Thánh nhân áp dụng vào đời sống một cách cứng nhắc, không hề uyển chuyển, thì trước là hại đến bản thân, sau khai mở cho tha nhân sẽ... bít đường, bít lối. Lúc ra khỏi núi, Trang Tử mới dẫn đám môn sinh vào chơi nhà của một đồng hương có tên là Triệu Võ. Võ mừng rỡ mời vào, lại hối thúc gia nhân đem chim nhạn ra mà nấu cháo. Gia nhân hỏi: - Một con gáy được và một con không gáy, thì nên thịt con nào? Võ đáp: - Mần con không gáy. Chu Quyến nghe vậy liền hết sức ngạc nhiên, bèn chạy đến bên thầy hơ hãi nói: - Cây ở núi vì không dùng được mà sống lâu, còn con chim nhạn này vì không hót được mà tan tành xác pháo. Một đàng không dùng được thì sống, một đàng không dùng được thì chết, là cớ làm sao? - Ta tới nhà người đồng hương để thắm nghĩa đệ huynh, chớ không phải đến nơi đây để đăng đàn diễn thuyết. Vì vậy mọi thắc mắc mà các ngươi đang có, cứ giữ tạm trong lòng, chờ ra khỏi nơi đây, sẽ cùng nhau tra xét. Tối ấy, gặp lúc Trang Tử đang ngồi ngâm thơ trong phòng, chợt Triệu Võ bước vô, nhỏ giọng nói: - Ðệ có nỗi niềm thắc mắc. Chẳng hay có thể thổ lộ với người quý mến đặng hay chăng? Trang Tử vội vàng đáp: - Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định. Huống chi ăn cả bát cháo đầy, thì còn ngại chi mà lần khân không nói? Võ nghe vậy, liền dáo dác nhìn quanh, khi biết chắc là chẳng có ai, bèn vội vã trút tuôn bầu tâm sự: - Huynh nổi tiếng thông minh, rành luôn kim cổ, mà với câu hỏi của học trò - phải câu giờ nghĩ kế - là cớ làm sao? Trang Tử mặt bỗng xụ xuống, rồi ngập ngừng đáp: - Trong mắt mọi người, huynh là kẻ sáng suốt, nhưng khi đối diện với chính mình, huynh mới hiểu... mình hổng phải như người ta đang nói! Võ cảm thấy như có hòn đá tảng nằm chơi trên ngực, bèn hít vội hơi sâu, gấp gáp nói: - Ðành là vậy, nhưng huynh được người người trọng vọng, hết mực cung nghinh, thì không thể để mất uy danh dễ dàng mau như thế! Rồi hạ giọng xuống, mà nói rằng: - Ðệ có một kế sách. Dẫu chưa sánh được với Khương Tử Nha ngày trước, song cũng có thể giúp huynh qua được cơn dầu sôi lửa bỏng này. Ðệ không dám múa rìu qua mắt thợ, nhưng thiện ý thì nhiều, nên dẫu không giúp được chút chi, cũng trong lòng khoan khoái. Trang Tử mặt mày sáng rỡ như bắt được vàng, mừng rơn đáp: - Quân không cần nhiều mà cần tinh nhuệ. Mạnh không vì sức mà cốt ở tinh thần. Nay đệ giúp tinh thần cho huynh, thì chưa đánh đã cầm chắc thắng lớn. Rồi há miệng ra mà chờ, Võ thấy vậy, bỗng mát tận tâm can, rồi ghé miệng vào tai của Tử, mà nói rằng: - Chơi theo kiểu huề vốn, thì đúng luôn luôn. Bảo đảm sẽ ngàn đêm ngon giấc. Qua ngày mai, lúc về ngang đình làng, Trang Tử mới ngồi dưới một gốc cây to, rồi gọi đám môn sinh đến, mà nói rằng: - Cây ở núi vì bất tài mà được sống lâu. Chim nhạn ở nhà chủ vì bất tài mà bị giết chết. Các ngươi hỏi: Ta phải xử làm sao? Ta xử vào khoảng giữa của tài và bất tài. Như vậy thì tránh được tai nạn, song chưa phải là kế vẹn toàn. Muốn được vẹn toàn, thì phải làm cho thiên hạ lâm vào cảnh u minh, không phân biệt được ta có tài hay là bất tài. Phải lúc lên, lúc xuống, lúc mạnh lúc nhu, lúc ngã chỗ này lúc nghiêng về chỗ nọ. Làm y như vậy, thì chẳng những được sự mến mộ của tha nhân, mà không khéo lại được thiên hạ trao quyền cho thêm nữa. Chu Quyến nghe thầy giảng giải như vậy, cảm thấy như có ai xách búa đập vào đầu, bèn hốc tốc chạy lên, thảng thốt nói: - Thầy dạy chúng con dù ở bất cứ trường hợp nào, cũng phải giữ Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Nay lại chơi... bài ba lá như vậy, là cớ làm sao? Trang Tử nhìn Quyến rồi nở nụ cười độ lượng, nheo mắt đáp: - Ngay thẳng thì bị đè. Tôn trọng thì bị chê. Mần thì có kẻ phá. Giỏi thì có kẻ ganh. Không ra gì thiên hạ lại gièm pha khinh bỉ. Nhân tình như thế mà cứ chăm bẳm vào Nghĩa Lễ Trí Tín, sống được hay sao? Rồi ngước mắt nhìn đám môn sinh, mạnh miệng nói: - Dựa vào thiên lương rồi tùy cơ ứng biến Ðạo làm người chỉ có thế mà thôi, không có gì hơn nữa. Tối ấy, Chu Quyến về nhà, vợ là Uyển thị lúc thúc chạy ra, mau mắn nói: - Mặt không vui, miệng không cười, bước đi có phần xiêu đổ, ắt chốn tâm can có điều chi khúc mắc? Quyền liền đem chuyện của thầy ra mà kể, rồi chán nản nói: - Học mà không hành, thì cho dù có thuộc đến ngàn câu, cũng chẳng nhằm chi hết ráo! Ðoạn, ngồi bệch xuống mà thở. Uyển thị thấy vậy, liền chặt vội trái dừa, mang đến tận tay, rồi mới giải phân điều hơn thiệt: - Người xuất gia mà tâm không tịnh thì cũng như người phàm. Người phàm mà tâm tịnh thì cũng như người xuất gia. Lẽ tự nhiên thường ra vẫn thế. Nay thầy của chàng vì hiểu được đám môn sinh - không thể ngộ một cách cùng nhau được - nên mới nhẹ bớt... đô đi, để tha nhân yên lòng mà lãnh hội. Chớ thầy không chơi bài ba lá, như chàng gán ghép bậy vậy đâu! Quyến thừ người ra mà suy nghĩ, mãi một lúc sau mới yếu ớt nói: - Vậy ta phải làm sao? Uyển thị cười tươi đáp: - Làm người thì phải lo cho mình trước. Làm chồng thì phải lo cho vợ trước. Nhớ được điều đó, thì chẳng những cơm ngọt cá ngon, mà sung sướng thỏa thuê sẽ bày ra thêm nữa... |
Nơi gặp gỡ chia sẻ buồn vui của một thời tuổi trẻ. Nơi phổ biến những kinh nghiệm,hiểu biết, và những sự việc xảy ra vui nhộn và hửu ích trong cuộc sống hàng ngày.
My Blog List
Saturday, December 10, 2011
Như Vậy Mới Khôn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment