Nhân Vật Lịch Sử Của Năm 2011: Đô Đốc William McRaven, Người Thực Hiện Kế Hoạch Bắt Osama bin Laden WILLIAM MCRAVEN ĐANG RƠI THẬT NHANH giữa bầu trời xanh của San Diego, nhưng khoảng không gian còn qúa ngắn ngủi, không đủ để ông tự cứu lấy mình. Adm. William H. McRaven Hôm đó là ngày 18 tháng Bảy năm 2001, giữa mùa hè êm ả, trước khi thế giới biết đến tên Osama bin Laden, đại úy Haỉ Quân Mỹ McRaven, 45 tuổi, trong toán Biệt Kích Người Nhái SEAL, đang thực thập nhảy dù. Người lính biệt kích được ném ra khỏi máy bay, cho rơi tự do không mở dù, từ cao độ 10,000 feet. Họ chỉ được phép mở cánh dù vào phút chót. Khi sắp đến lúc được mở cánh dù, bỗng dưng một đồng đội của McRaven bay ở phía dưới bị gió thồi lôi anh ta đến gần McRaven. Vài giây sau, cái tán dù của anh ta quất vào người McRaven với tốc lực hơn 100 dậm một giờ, khiến cho thân thể ông bị quay mòng mòng như con cù trên không trung. Ông McRaven kể lại với báo TIME rằng ông may mắn kéo được sợi dây mở dù của mình, và cánh dù mở ra để ông rơi từ từ xuống đất. Nhưng ông cũng bị thương nặng ở sống lưng, và gẫy xương chậu. Tám tuần lễ sau, cuộc tấn công bất ngờ của quân khủng bố xảy ra vào ngày 11 tháng Chín. Ông và bốn người bạn cùng khoá huấn luyện còn nằm trong bệnh viện. Họ chỉ biết theo dõi tình hình qua TV trên giường bệnh. Trong lúc đó, Đơn Vị Biệt Kích Group 1 của Hải Quân Hoa Kỳ bắt đầu kế hoạch lùng kiếm Osama bin Laden, và ông McRaven không được tham dự, ít lâu sau, ông còn bị thuyên chuyển, không còn ở vai trò chỉ huy nữa. Câu chuyện không ngừng ở đó. McRaven chữa lành vết thương, và một thời gian sau được thăng cấp. Trong lúc đó, tên Osama bin Laden vẫn còn sống, hắn trốn trong rừng sâu, hay núi đồi hiểm trở. Mười năm sau, năm 2011, hai nhân vật này lại có dịp chạm trán với nhau. Seal Team Six Vào lúc cơ quan tình báo Hoa Kỳ tìm ra chính xác điạ điểm trốn tránh của con mồi, ông McRaven đã trở thành một Đô đốc Haỉ quân, với ba ngôi sao trên vai, và được giao trách nhiệm chỉ huy Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biệt Kích - Joint Special Operations Command (JSOC). Nhiệm vụ của họ là thực hiện những công tác bí mật của quân đội Hoa Kỳ tấn công vào những nơi bí hiểm của quân thù. Bắt đầu từ ngày 29 tháng Giêng, đích thân Đô Đốc McRaven phải làm việc chặt chẽ với cớ quan tình báo trung ương CIA trên lầu bẩy của trụ sở cơ quan, để hoàn tất "kế hoạch dứt điểm" Osama bin Laden. Ngày 1 tháng Năm, Đô đốc McRaven hội kiến với Tổng Thống Obama, và được Tổng thống bật đèn xanh- "go-ahead"- cho phép thi hành kế hoạch tóm cổ hay giết chết bin Laden. Chính Đô đốc McRaven đích thân chỉ huy đoàn trực thăng đổ bộ vào căn nhà lầu ở thành phố Abbottabad, nước Pakistan nơi lãnh tụ của Al-Qaeda trú ngụ. Trong đêm hôm đó, cũng chính Đô Đốc McRaven báo cáo bằng video chi tiết mọi diễn biến từ Jalalabad thẳng cho Bạch Cung biết. Ông là thuyết trình viên đứng tường trình diễn biến cuộc hành quân bí mật cho Tổng Thống, và viên chức cao cấp trong chính phủ Hoa Kỳ. Giám đốc Trung Tâm Chống Khủng Bố là ông Michael Leiter cũng có mặt lúc đó, đã nhận xét về thái độ bình tĩnh của Đô Đốc McRaven như sau: "Cách thuyết trình của ông McRaven hết sức bình tĩnh, đáng tin cậy giống như lối tường thuật của ký giả lão thành Walter Conkrite ngày trước.". Khi chiếc trực thăng dẫn đầu bị trở ngại kỹ thuật, và rơi xuống một chuồng nuôi thú vật, ai nấy đều hết hồn, nghẹt thở. Một người trong phòng họp kể lại rằng khi thấy chiếc trực thăng bị rơi, ông lo kế hoạch sẽ bị hỏng, ông càm thấy rùng mình, và buồn nôn. Vậy mà Đô đốc McRaven vẫn tiếp tục báo cáo một cách bình tĩnh, không để lộ một xúc động gì cả. Ông nói: "Như qúi vị vừa trông thấy, chúng ta mới rơi mất một chiếc trực thăng." . Kế đến, ông nói liền: "Chúng ta sẽ tiêu hủy máy bay này với lực lượng đánh trả cấp kỳ.".".Nguyên văn của mật mã là QRF: Quick Response Force. Trong nháy mắt nhóm quyết tử - commandos- gài chất nổ để tiêu hủy chiếc trực thăng gặp nạn. Và Đô đốc tiếp tục việc báo cáo của mình: "Chúng ta sẽ tiêu hủy chiếc trực thăng.". Đến giai đoạn cuối của cuộc hành quân, toán xung kích đi từ phòng này sang phòng khác, lục soát khắp nơi, Đô Đốc McRaven bất ngờ rời khỏi phòng thuyết trình. Người ta không thấy bóng dáng ông hiện trên màn hình. Một khoảnh khắc đợi chờ hết sức hồi hộp, và máy thu hình chiếu thẳng vào cái ghế ông ngồi đang bị bỏ trống, dưới sàn nhà còn lon nước mầu vàng, loại nước có thuốc bổ ông vẫn thường uống, tên là Rip It. Thế rồi, chỉ một lúc sau, Đề Đốc McRaven nhanh nhẹn quanh trở lại vị trí cũ, và ông xuất hiện trên màn hình. Ông nói một cách bình thản, không mảy may xúc động: "Chúng ta đã giết được hắn rồi.". Nguyên văn bằng mật hiệu "Geronimo EKIA", có nghĩa là Geronimo, bí danh đặt cho bin Laden, Enemy Killed In Action: Kẻ Thù Đã Bị Giết tại hiện trường.". Chỉ cần bấy nhiêu thôi, cuộc hành quân bắt giết bin Laden đã hoàn tất. Osama bin Laden nằm trong tay người Mỹ,với qui chế được điều chỉnh cho đúng: "tên địch bị giết tại hiện trường.". Ông Leon Panetta, Giám đốc CIA, cũng có mặt trong buổi tường trình bằng video. Ông gọi điện thoại từ trụ sở Cục Tình báo Trung Ương cho ký giả Massimo Calabresi của báo Time báo tin: "chúng tôi cho phép hệ thống truyền thông loan báo tin tức từng bị hoãn không cho tiết lộ trong mấy ngày vừa qua.". Và cùng lúc đó ở thủ đô Kabul của nước Afghanistan, Đại tướng David Petraeu đập mạnh nắm tay xuống bàn làm việc, mừng rỡ nói: "Ít ra cũng phải kết thúc một cách đẹp như vậy mới được.". Để trả thù cho vụ tấn công 9/11, chiến dịch truy lùng toàn bộ các lãnh tụ của tổ chức khủng bố Al Qaeda có tên là Operation Neptune Spear đã lần lượt bắn hạ, hay tiêu diệt hầu hết các tay lãnh tụ quan trọng của tổ chức khủng bố Al Qaeda. Hàng tỉ đô la, và vô số cá nhân, nam nữ đã phải hy sinh tính mạng mới có được kết quả ngày hôm nay. Việc làm tỉ mỉ và kiên nhẫn của nhiều nhân viên tình báo Hoa Kỳ, đánh dấu nơi tay trùm khủng bố ẩn náu, tuy chỉ là nơi ở tạm, song rất chính xác. Chính vị Tổng Tư Lệnh Quân Lực, tức Tổng thống Hoa Kỳ, đã đánh cá cả cái ghế tổng thống của ông vào ván bài rủi ro này, khi ông quyết định bắt Osama bin Laden bằng kế hoạch quân sự. Ông Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates còn phải thối chí không dám chọn giải pháp quân sự. Chúng ta không thể quên, không nói đến vai trò của một nhóm chiến sĩ biệt kích thực hiện giai đoạn cuối cùng trong chiến dịch lùng bắt Osama bin Laden. Họ gồm một tiểu đội nhỏ biệt kích bay 200 dặm đường trong đêm tối để đi tìm bắt cho bằng được một kẻ thù nguy hiểm. Cuộc hành quân này đầy bất trắc, có thể họ sẽ bắt được bin Laden, và cũng có thể họ thất bại. Muốn làm được công tác nguy hiểm đó, các chiến sĩ cảm tử phải khổ công huấn luyện trong suốt 31 năm để có thể biểu diễn cho công chúng biết sứ mạng nguy hiểm của họ. Lịch sử ngàn người viết về những chiến sĩ cảm tử- tên gọi là commando- từng xảy ra vào thời Đệ Nhị Thế Chiến khi họ được lệnh đổ bộ vào nước Pháp để giải cứu Âu châu. Vào năm 1961, vị Tổng thống hứa sẽ đưa người Mỹ đặt chân trên cung trăng, cùng một lúc ông cho lập ra Lữ Đoàn Mũ Xanh, The Green Beret. Nhưng thói đời con người dễ quên chuyện gỉai cứu nước Pháp, hay sáng kiến của ông John F. Kennedy. Trái lại, người ta lại nhớ đến cái ngày đau thương của những chiến sĩ cảm tử, ngày 24 tháng Tư năm 1980. Công tác giải cứu con tin ở Iran, mang tên là Desert One đã xảy ra vào ngày hôm đó, và kết thúc trong bi thảm. Chiếc máy bay đi giải cứu con tin bị bốc cháy, mang theo xác của tám người chiến binh cảm tử Mỹ, và cũng thiêu cháy luôn uy tín nước Mỹ sau tai nạn này. Ông McRaven lớn lên, và trở thành một sĩ quan sau biến cố bẽ bàng kể trên. Câu chuyện về đời tư của ông McRaven lúc lên lúc xuống, súyt chết khi tập nhảy dù, bị mất chức chỉ huy, rồi trở lại vai trò lãnh đạo, là chuyện thường xảy ra trong binh nghiệp của những chiến sĩ biệt kích. Trước khi xảy ra ngày đột kích căn biệt thự ở Pakistan để bắt bin Laden, các chuyên gia trong ngành biệt kích tin rằng sau nhiều bài học lịch sử, biệt kích của quân lực Hoa Kỳ bây giờ tiến xa hơn trước. Lực lượng biệt kích trở thành một đơn vị hùng mạnh, có khả năng dùng những vũ khí tối tân nhất, và hết sức kín đáo. Lực lượng biệt kích bây giờ lớn gấp đôi ngày trước, và ngân sách được tăng gấp ba lần sau biến cố 9/11. Ngành biệt kích cũng thấm nhuần kinh nghiệm chiến trường qua những công tác khó khăn trên nhiều trận điạ trong suốt 10 năm qua. Kỹ năng tác chiến xung kích của họ được nhuần nhuyễn qua những đụng độ tại chiến trường Iraq, Afghanistan, và ở những chiến trường họ chưa hề biết đến như ở Somalia, Yemen, Tanzania, Kenya, Nam Dương, Phi Luật Tân và cuối cùng là Pakistan nơi căn có căn biệt thự được dùng làm nhà riêng cho bin Laden. Bộ chỉ huy Lực Lượng Biệt Kích được yêu cầu thảo kế hoạch đột kích căn nhà này. Theo tướng James Cartwright, cựu tư lệnh binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, Phó chủ tịch Tổng Tham Mưu nhận xét về hành động của chiến sĩ biệt kích như sau: "Họ đã trải qua giai đoạn đánh đấm theo kiểu cao bồi, có khi thắng,có khi không.Nhưng kể từ sau biến cố 9/11, kinh nghiệm và khả năng đa dạng của những chiến sĩ biệt kích đã tăng lên rất nhiều khiến cho đơn vị của họ trở thành bách chiến bách thắng.". Tướng David Petraeus và Đô Đốc McRaven cho biết cùng vào đêm đột kích căn vi la của bin Laden, Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Biệt Kích cũng thực hiện 13 công tác bí mật khác trên chiến trường Afghanistan. Tổng kết lại, đơn vị công tác đặc biệ t "special-mission units" đã giết được chín tên thủ lãnh của Taliban, hay phiến quân trong tổ chức Al-Qaeda, và bắt sống 24 tên. Trong 12 tháng hoạt động ở Afghanistan, đơn vị đặc biệt này đã thực hiện khoảng 2,500 công tác bí mật. Tướng Petraeus trình bầy thành tích đạt được trên chiến trường Afghanistan như sau: " Năm 2011, chúng ta đã gây ra nhiều thất bại đáng kể cho tổ chức Al Qaeda, cũng như những tổ hoạt động của chúng ở Yemen, và những nơi chúng đang gây dựng cơ sở.". Tướng Petraeus kể tên hai thủ lãnh Atiyah Abdel Rahman ở Pakistan, và Anwar al-Awlaki ở Yemen là những thành tích quan trọng, tuy rằng cái chết của chúng không do Bộ Tư Lệnh Biệt Kích thực hiện. Đô đốc McRaven cũng đồng ý năm 2011 là năm đạt được nhiều thắng lợi nhất kể từ sau biến cố 9/11. Một số người tham dự vào kế hoạch tấn công căn biệt thự của bin Laden ở Abborttabad nói rằng Đô Đốc McRaven trình bầy cặn kẽ những ruỉ ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, ông tin chắc chắn rằng tiểu đội biệt kích sẽ tóm cổ được bin Laden đem về Mỹ an toàn. Ông nói với báo TIME : "Một điều chúng tôi muốn trình lên Tổng thống, và giới lãnh đạo quốc gia là chúng tôi sẽ làm cuộc tấn công, ruồng bố vào căn nhà đó. Chúng tôi sẽ bay đến bằng trực thăng, chúng tôi sẽ tấn công căn nhà, chúng tôi sẽ tóm cổ tên địch, làm bất cứ việc gì cần làm, rồi rút đi. Phải thừa nhận rằng cuộc đột kích kỳ này mang tính chất đặc biệt hơn vì nó có tính cách nhậm lẹ, thể thao hơn, phải lục soát kỹ càng hơn, và có nhiều hệ quả chính trị, cũng như nhiều rủi ro hơn. Nhưng tựu chung đó cũng chỉ là một trong những công tác bí mật chúng tôi phải làm hàng đêm." MCRAVEN LỚN LÊN TRONG MỘT GIA ĐÌNH CÓ TRUYỀN THỐNG QUÂN ĐỘI. Theo lời kể của bà Nan McRaven một trong hai bà chị lớn của ông, thì chính người Cha, ông Claude, thường lấy làm tự hào về thời gian ông ở trong quân ngũ. Ông hay kể cho con cái nghe về cái thuở ông còn là phi công chiến đấu, lái chiếc chiến đấu cơ Spitfire của người Anh trong Đệ nhị Thế Chiến. Lúc còn nhỏ, cậu bé Bill McRaven thích môn thể thao lặn dưới nước- scuba diving. Bà Nan kể lại rằng: "Hồi nhỏ em trai tôi, khi cậu được 10 tuổi, cậu rất say mê phim Thunderball một loại phim gián điệp James Bond 007. Trong đó có cảnh lặn sâu dưới nước để bắt kẻ gian. Tôi nói với em tôi sau này lớn lên em có thể làm điệp viên 007. Và có lẽ cậu ấy làm thật.". Khi còn là sinh viên ở trường University of Texas, McRaven ghi danh theo học chương trình huấn luyện quân sự của Hải Quân. Chàng sinh viên ngành báo chí làm quen với cô Georgeann Brady tại Hội quán sinh viên Alpha Delta Pi. McRaven, và ra trường năm 1977 với hạng cao. Sau đó, anh xin theo học khoá huấn luyện SEAL, Biệt Kích Người Nhái, kết hôn với cô Georgeann, và được cử đi công tác tại Phi Luật Tân. Điều may mắn cho McRaven xảy ra vào năm 1982, hai năm sau tai nạn rớt máy bay ở Iran, là Binh chủng Hải quân vừa thành lập một đơn vị bí mật chống khủng bố, đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Richard Marcinko. Ông này là một nhân vật hết sức kiêu hùng độc đáo, ông say mê những trận đánh cảm tử, ông thương yêu đàn em hết lòng, song ông cũng hay văng tục chủi thề, và làm nhiều chuyện bốc đồng không thể tả được. Tư lệnh Marcinko chọn McRaven làm chỉ huy trưởng toán biệt kích đặc biệt, ông đặt cho đơn vị một cái tên vụng về là Naval Special Warfare Development Group: Nhóm Phát Triển Kỹ Thuật Chiến Tranh Đặc Biệt của Hải Quân. Hồi bấy giờ hoạt động biệt kích, hay công tác đặc biệt là một ngành sơ khai, mới thành lập, nên hết sức vô trật tự, tha hồ múa gậy vườn hoang theo kiểu Wild Wild West, và ông McRaven không đồng ý với thái độ dễ dãi, vô qui tắc của xếp mình. Ông Tư lệnh chơi ngông, mướn riêng một chiếc xe du lịch hiệu Mercedes bằng ngân quĩ Hải Quân, một người bạn của ông McRaven nói rằng: "Ông tư lệnh dùng xe Mercedes vì ổng có khả năng, thắc mắc làm gì.". Không phải như vậy!! Ông Tư lệnh Marcinko giaỉ thích rằng nếu ông dùng xe Mỹ hiệu AMC Eagle là chuyện thường. Mình là dân commando, Lực Lượng đặc biệt phải chơi Mercedes mới đúng điệu.". Và ông tiếp tục đưa ra những luận điệu huêch hoang kỳ quái. Có lần Tư lệnh Marcinko còn mời cả gái đẹp đến dự bữa tiệc của Haỉ Quân tổ chức ngoài bờ biển, và ông gọi các kiều nữ sexy đó là "Ladies of the Night". Tư lệnh Marcinko thú nhận: "Anh em Hải quân tối hôm đó ai cũng thích, các bạn trong tiểu đội SEAL ai cũng vui lòng, hả dạ. Không ai thắc mắc, bận tâm gì cả. Riêng anh Bill McRaven là tỏ ý bất mãn về việc này.". Còn nhiều cáo trạng khác về ông Tư Lệnh Marcinko. Cuối cùng ông Tư Lệnh phải đi tù vì những chuyện bê bối của ông. Nhưng lúc bấy giờ mối liên hệ giữa Bill McRaven và Marcinko không còn nữa. Sau một năm, Tư lệnh Marcinko giải nhiệm ông phụ tá, tức Trung úy McRaven, khi đó mới 27 tuổi. Ông kể lại như sau: "Bill là một sĩ quan giỏi, thông minh, nhưng anh ta không chịu nổi cái tánh thô lỗ, ngang tàng của tôi. Nếu tôi là một sĩ quan dễ dãi bao nhiêu, thì anh ta lại là một sĩ quan nghiêm khắc, nguyên tắc bấy nhiêu. Anh ấy làm mất cái nét đặc biệt của kỹ thuật chiến tranh đặc biệt . Ngày nay, Đô đốc McRaven vẫn nhớ đến ông Marcinko như một "nhân vật nhiệt tình, năng nổ.', và ông ta xứng đáng được ghi công là kẻ đã sáng lập ra một đơn vị ưu tú từ số không đi lên. Ông McRaven tâm sự: "Tôi không thể làm một hiệp sĩ mà không có con ngựa qúi. Tôi vẫn nhớ đến ông như một vị xếp tốt . Lúc đó, tôi chỉ là một trung úy trẻ, có một số việc ông làm tôi nghĩ là không đúng cho lắm. Vì thế ông đổi tôi đi nơi khác.". Lúc bấy giờ nhiều sĩ quan trẻ đồng ý với quan điểm của ông McRaven, nhưng họ e ngại rằng cuộc đời binh nghiệp của McRaven đến đó là chấm dứt. Nhưng rồi với nhiều nỗ lực cá nhân, và kiên trì hoạt động, ông McRaven lại được đề cử làm Trung đội trưởng Tiểu Đội 4 SEAL. Từ đó trở đi với khả năng phi thường, ông McRaven thăng chức rất nhanh, trở thành cấp chỉ huy, lãnh đạo các vai trò phối hợp quan trọng. Người ta chỉ được biết trên hồ sơ chính thức ông là trưởng nhóm "tác vụ đặc biệt" của đơn vị SEAL trong cuộc chiến ở Vùng Vịnh Ba Tư (tức là cuộc chiến với Iraq lần thứ nhất). Ngoài ra, những vai trò khác mà ông giữ đều thuộc loại hồ sơ mật. GIỐNG NHƯ HẦU HẾT CÁC SĨ QUAN TRẺ KHÁC, ông được Mc Raven gởi đi học trường Naval Postgraduate School Trường Hải Quân, bậc Cao Học, tại Monterey, California lúc ông được 36 tuổi. Tại đây, ông viết tiểu luận " The Theory of Special Operations" "Lý Thuyết về Chiến Tranh Đặc Biệt". Luận án của ông được bộ Hải quân đánh giá không những rất quan trọng đối với ngành biệt kích, mà còn gây ảnh hưởng rất lớn với Bộ Quốc Phòng nói chung. Luận án này mở đầu bằng câu tuyến bố cho rằng Carl von Clausewitz đã sai lầm về hai luận điểm chính yếu trong tác phẩm Luận Về Chiến Tranh – On War - . Clausewitz là chiến lược gia người Phổ rất nổi tiếng ở Tây Phương, giống như Tôn tử bên phương Đông, vì thế lời phê bình của McRaven gây sốc rất mạnh, chẳng khác gì một người nào đó dám chọn ra hai điều giáo lệnh để bài xích giáo hội Thiên Chúa Giáo. Luận án của ông McRaven dầy 612 trang. Trong đó ông đề nghị lý thuyết mới của ông mệnh danh là lý thuyế t "ưu thế tương đối."- "relative superiority". Ông giải thích về lý thuyết của ông như sau: Nhiều khi những cuộc tấn công nhỏ có thể đánh bại sự phòng thủ kiên cố mà theo Clausewitz, đó là ưu điểm của sách lược phòng ngự. Từ đó, ông giải thích hiện tượng đánh khủng bố của bọn đàn em bin Laden như sau: "Chúng chuẩn bị những trận đánh nhỏ hết sức chu đáo, giữ bí mật đến phút chót, tập dợt thật kỹ, rồi tung ra đánh thần tốc, nhanh gọn, có chủ đích rõ ràng. Cứ như thế chúng tiến hành chiến tranh khủng bố trong suốt 18 năm, làm cả thế giới phải điêu đứng. Nhưng nhược điểm của những vụ tấn công nhỏ này là chúng chỉ "chiếm ưu thế tương đối" mà thôi, vì thế, chúng sẽ không thể tồn tại mãi được. Sau đó, vào năm 2001, ông bị tai nạn trong chuyến thực tập nhảy dù, và ông phải khổ sở tập luyện mãi mới đi đứng bình thường trở lại. Bà Nan, chị của ông kể lại: "Cậu ấy tập đi từng bước một, trông thật là tội nghiệp. Chúng tôi nín thở khi thấy cậu có thể bước đi từng bước chậm chạp. Tôi ứa nước mắt khi thấy em của mình không còn bị tê bại, phải ngồi xe lăn.". Cùng lúc đó, ông nhận được điện thoại của ông Wayne Downing, một vị tướng Bộ Binh hồi hưu bốn sao. Tổng thống George W. Bush nhờ tướng Downing giữ chức Phụ Tá Cố Vấn An Ninh Quốc Gia đặc trách Tiêu Diệt Khủng Bố. Tướng Downing muốn mời ông McRaven vào làm việc trong nhóm của ông. Thật là một dịp may hiếm có, ông McRaven có kiến thức phong phú của một chiến sĩ biệt kích commando, nhưng thể lực còn trong tình trạng dưỡng bệnh. Chỉ một ít lâu sau, ông McRaven được sự cảm mến của những nhân viên dân sự trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia với những buổi thù tạc ở nhà hàng Smith & Wollensky. Cùng lúc đó, ông vẫn theo dõi rất sát hoạt động của các bạn đồng đội trong đơn vị SEAls. Ông biết rất rõ những ai đang tham chiến, những ai đã xuất ngũ trở về đời sống dân sự. Ông tâm sự: "Thật là khó cho tôi khi ngồi làm việc trong Bạch Cung, xa quá để biết tin tức bạn bè cũ cùng đơn vị. Nhưng lúc bấy giờ thân thể của tôi vẫn còn thương tích nhiều chỗ, tôi không thể trực tiếp giúp đỡ cho đồng đội của mình.". Sau hai năm làm việc, ông McRaven trở thành tác giả chính chuyên về Sách Lược Quốc Gia Tận Diệt Khủng Bố trong chính quyền của Tổng Thống Bush. Trọng tâm chính yếu của sách lược này là: "Chúng ta phải tận diệt toàn bộ mạng lưới khủng bố, chỉ đem lại thắng lợi về quân sự chưa đủ. Trái lại, chúng ta phải loại trừ tất cả những công cụ hỗ trợ cho bọn khủng bố reo rắc sợ hãi trên thế giới. Những công cụ đó gồm có nhiều mặt như: ngoại giao, kinh tế, thi hành luật lệ, tài chánh, thông tin, tình báo, và quân sự.". Quay sang bình diện thi hành chiến lược. Trong suốt gần một thập niên vừa qua, Đô Đốc McRaven đã lần lượt triệt hạ tất cả những phần tử quan trọng của tổ chức khủng bố ở nước ngoài. Chính ông đã trực tiếp chỉ huy Ủy Ban Đặc Nhiệm 121, truy lùng ra nơi ẩn náu của Saddam Hussein trong một hầm sâu dưới đất. Lúc bấy giờ Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Thomas O'Connell đã đích thân đến thăm ông tại cửa phòng giam cựu tổng thống Iraq, cảm ơn ông, và hai người cùng đốt điếu xì gà để ăn mừng thắng lợi to lớn đó. Qua đến năm 2008, Đô Đốc McRaven được đề cử gữ chức Tư Lệnh JSOC, thay thế Trung tướng Stanley McChrystal. Đây là Bộ Tư Lệnh chỉ huy tất cả những điệp vụ biệt kích của quân lực Hoa Kỳ trên toàn thế giới. TỔNG THỐNG BUSH CÓ MỘT THÓI QUEN NỔI TIẾNG HẾT SỨC ĐỘC ĐÁO là ông giữ trong ngăn kéo nhỏ bàn làm việc của ông danh sách những tên trùm khủng bố nguy hiểm. Mỗi khi tên khủng bố nào bị bắt hay bị giết, ông lôi ra bảng danh sách đó ra, gạch một dấu chéo trên mặt tên khủng bố đó, rồi ông cất bảng danh sách vào hộc tủ. Nhưng bọn khủng bố mọc lên như nấm, chết đứa này lại có đứa khác lên thay. Vì thế trong giới quân sự Mỹ có câu khôi hài đen bảo rằng mỗi năm Hoa Kỳ hạ thủ hai lần tên thủ lãnh số 3 của tổ chức al-Qaeda. Ông Wade Ishimoto, một cựu sĩ quan tình báo trong lực lượng biệt kích Delta Force mô tả về hiện tượng này như sau: "Bạn nhìn kỹ mà xem, chúng ta đã loại trừ bao nhiêu tên thủ lãnh rồi, đứa này chết, có đưá khác lên thay, sau nhiều năm, phong trào khủng bố vẩn còn hoạt động.". Chính tướng Thủy Quân Lục Chiến Cartwright cũng đồng ý về điểm này: "Mỗi khi bạn khai trừ được tên nào, chúng chỉ việc thay thế bằng một đứa khác. Đứa lên thay nguy hiểm đến mức nào còn tùy theo việc đánh giá, theo dõi của bạn.." Như vậy việc khai trừ những tay lãnh tụ khủng bố có phải là nhân tố chính trong kế hoạch đánh bại al-Qaeda hay không?. Đô đốc McRaven cho rằng đó chỉ là một phần trong kế hoạch rộng lớn của Hoa Kỳ nhằm đối phó với kẻ thù của Mỹ trên thế giới. Ông khẳng định: "Không một ai trong chính phủ Hoa Kỳ tin rằng việc tiêu trừ , giết chết những tay khủng bố quan trọng sẽ đưa chúng ta đến thắng lợi, nhất là những người trong đơn vị biệt kích. Tuy nhiên, triệt hạ được những mục tiêu sáng giá của tố chức khủng bố sẽ giúp chúng ta mua được khoảng không gian và thời gian, và để cho chính phủ có cơ hội làm nốt phần vụ còn lại.". Trong lúc Bộ Tư Lệnh JSOC thực hiện hàng năm khoảng 2,500 vụ đột kích bí mật, trung bình mỗi đêm có bảy vụ truy kích diễn ra. Đô đốc McRaven cho biết chúng ta cũng phải trả cái giá cho những cuộc truy kích này. Tuy rằng tỉ lệ thường dân bị chết và bị thương chỉ vào khoảng 1%. Đó là một tỉ lệ tốt khi nói đến đánh tập kích trong thành thị, hay khu dân cư. Nhưng dù gì đi nữa, quả thực lính biệt kích Hoa Kỳ cũng đã gây tử vong cho thường dân một tháng hai lần. Erica Gaston, người viết phúc trình cho tổ chức Open Society Foundation, nghiên cứu về số thương vong gây cho thường dân như sau: "Lực lượng Đặc Biệt đã dùng mọi biện pháp để giảm thiểu số thương vong gây ra cho thường dân trong năm ngoái. Nhưng chỉ cần một đêm truy kích một ngôi làng, cũng đủ gây phẫn nộ cho dân chúng. Khiến cho họ oán ghét lực lượng đồng minh quốc tế, và chính phủ Afghanistan.". ĐÔ ĐỐC MCRAVEN nói về Tổng Thống Bush với sự kính nể đặc biệt trong vai trò Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ. Ông bảo rằng nhiều lúc Tổng Thống Bush phải chọn những quyết định hết sức khó khăn. Nói về Tổng Thống Obama, ông không ngần ngại dùng những mỹ từ hay nhất để mô tả khá dài về vị tổng thống trẻ này. Riêng trong kế hoạch, và việc chọn phương án bắt bin Laden, Đô Đốc McRaven tự nguyện khen Tổng Thống Obama như sau: "Ông ta hành động xứng đáng với sự mong đợi của dân chúng Mỹ. Ông là khuôn mẫu điển hình về người lãnh đạo quốc gia mà công luận Mỹ mong mỏi nơi một tổng thống.". Vai trò của một Tổng thống bao giờ cũng là vai trò lãnh đạo chủ yếu. Ông McRaven nói tiếp: "Tôi rất hài lòng khi thấy Tổng thống Obama là người sáng suốt nhất trong phòng họp. Ông có khả năng lãnh đạo chỉ huy ngang với một quân nhân có 35 năm kinh nghiệm trong quân đội.". Ông McRaven kính nể Tổng Thống Obama bao nhiêu, thì Tổng Thống cũng dành cho ông McRaven, và Lực Lượng đặc biệt của ông thật nhiều ưu tiên đặc biệt. Hồi tháng Tư năm nay, trước khi xảy ra vụ bắt giết bin Laden, Tổng thống Obama đã gắn thêm ngôi sao thứ Tư trên cổ áo Đô Đốc McRaven, và bổ nhiệm ông làm Tư Lệnh Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ. Mùa hè năm nay ông sẽ bắt tay vào chức vụ mới. Người ta tiên đoán, con đường binh nghiệp của Đô Đốc McRaven không chỉ ngừng ở đó, mà sẽ còn tiếp tục lên cao hơn nữa. Trong lúc toàn bộ các binh chủng của Ngũ Giác Đài đều bị cắt xén ngân sách, riêng lực lượng đặc biệt được quyền yêu cầu có thêm ngân khoản. Chưa hết, trong đời sống thường nhật, có rất nhiều phim ảnh trên truyền hình, rạp hát, và video game cũng làm nhiều tài liệu vinh danh hoạt động của lực lượng đặc biệt. Công chúng đều tỏ ý ngưỡng mộ, thán phục việc làm của những chiến sĩ biệt kích. Tiềm năng hoạt động của Lực Lượng Biệt Kích sẽ được ghi nhớ bằng chiến công ở căn biệt thự tại tỉnh Abbottabad, để xoá đi hình ảnh đau buồn của chíến dịch Desert One với chiếc trực thăng Black Hawk bị bốc cháy giữa sa mạc. Tướng Cartwright nhận định: "Ai cũng muốn sửa chữa sai lầm đau thương bằng những chiến công hiển hách. Những người như Đô Đốc McRaven hiểu rất rõ việc này là họ phải hoàn thành công tác từ đầu cho đến cuối. Chỉ cần sơ sót một chút ở phút chót cũng đủ rước lấy thảm hoạ.". |
No comments:
Post a Comment