My Blog List

Sunday, May 27, 2012

Tướng lãnh trong Cộng Ðảng Trung Hoa




Tướng lãnh trong Cộng Ðảng Trung Hoa


 

Từ Việt Nam đến hiện đại hóa

 

Sau 10 năm hoảng loạn cuối thời Mao, Ðặng Tiểu Bình giành lại quyền bính và thật sự lãnh đạo sau Hội nghị kỳ 3 của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 11 vào cuối năm 1978. Hai tháng sau, chính cuộc chiến với Việt Nam-Bắc Kinh gọi là... "Ðối Việt Tự Vệ Phản Kích Chiến" - mới là bước ngoặt cho Trung Quốc.

Vì Giải Phóng Quân bị tổn thất quá nặng, các tướng lãnh bảo thủ trên thượng tầng mới ý thức được tình trạng lạc hậu quân sự nên ủng hộ chủ trương cải cách của Ðặng để hiện đại hóa. Nhưng do hậu thuẫn chính trị vào thời điểm chiến lược ấy mà quân đội lại mở rộng ảnh hưởng vào công nghiệp và kinh doanh.

Chiều hướng ấy khiến các tướng giữ vai trò quan trọng trong đảng ủy địa phương và mở ra hệ thống "quân doanh," doanh nghiệp của quân đội. Lý do chính đáng là để bù vào ngân sách do trung ương chu cấp không đủ. Cuối cùng thì đảng lo ngại là hệ thống quân doanh sẽ cấu kết với doanh nghiệp nội địa và nước ngoài rồi vượt khỏi tầm kiểm soát của trung ương để sẽ rồi nạn lãnh chúa sẽ tái xuất hiện như trong thời nội chiến.

Sau khi Giang Trạch Dân lên cầm quyền từ vụ khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989, đảng cải cách quân đội: tái cấu trúc và hiện đại hóa theo hướng giảm quân số Bộ Binh, tăng cường các quân chủng khác và nâng mức ngân sách, mà quân đội phải ra khỏi doanh trường. Các tướng mà thiếu gì thì đảng cung cấp, nhưng phải giải thể các cơ sở quân doanh. Việc bán chác tài sản doanh nghiệp này cũng đem lại lợi lộc cho nhiều đảng viên và thân tộc ở địa phương, y như tại Liên Bang Nga dưới thời Boris Yeltsin. Cũng từ đó, không có tướng nào được vào Thường Vụ Bộ Chính Trị.

Kế hoạch hiện đại hóa từ năm 1990 trở về sau đem lại cho quân đội một động lực mới, với ba quân chủng Hải Quân, Không Quân và Ðệ nhị Pháo Binh - Tây phương lần lượt gọi là PLAN (Navy), PLAAF (Air Force) và SAC (Second Artillery Corps) - đã giữ vị thế quan trọng hơn thay vì chỉ có Lục Quân như thời nội chiến và cách mạng.

Ngày nay, Giải Phóng Quân được đảng cho bốn sứ mạng lịch sử sau đây:

Trước hết, bảo vệ an ninh nội địa (nội an là một mục tiêu của quốc phòng theo phép PAP trên PLA mà Hồ Sơ Người-Việt đề cập kỳ trước). Quân đội được phái đi cứu trợ thiên tai rất thường xảy ra trong xứ này (như động đất hay lũ lụt vào các năm 1998, 2008, 2010) hoặc đi dẹp loạn tại Tân Cương, Tây Tạng đằng sau các lực lượng cảnh sát võ trang. Hình ảnh bộ đội đi cứu hộ và dẹp loạn cũng là lợi khí tuyên truyền mà đảng rất biết khai thác.

Thứ hai, bảo vệ dòng hải lưu vì Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và cần trao đổi với bên ngoài. Khủng bố, hải tặc, xung đột giữa các nước hoặc âm mưu phong tỏa của các "thế lực thù địch" (như Hoa Kỳ, Ấn Ðộ hoặc Nhật Bản) là những mối nguy khiến Hải Quân phải có phương tiện và kỹ thuật hiện đại hơn.

Thứ ba, xây dựng khu vực "hạch tâm quyền lợi" ngoài biển Hoa Nam (Trung Nam Hải mà ta gọi là Ðông Hải), nơi cũng có tính cách chiến lược như Tân Cương và Tây Tạng trong nội địa. Quan niệm quyền lợi cốt lõi ấy được chính thức công bố từ năm 2010 và quân đội có nhiệm vụ kiểm soát khu vực này như một vùng trái độn quân sự (buffer zone) để... tự vệ.

Thứ tư, cải tiến khả năng tác chiến, với chiến cụ và trang bị tối tân hơn trên cả bốn địa bàn là ngoài biển, trên không gian, bên ngoài không gian và cả không gian điện toán (cyberspace). Mục đích là để thu ngắn khoảng cách lạc hậu so với các nước tiên tiến và khai triển khả năng "chiến tranh bất cân xứng." Dùng siêu kỹ thuật để lấy yếu đánh mạnh là một phương châm.

Khi có thêm phương tiện nhờ kinh tế và có thêm động lực tinh thần nhờ sứ mạng được gọi là lịch sử, Giải phóng quân cũng có thêm tiếng nói. Trên diễn đàn của quân đội như tờ "Giải Phóng Quân Báo" (PLA Daily), nhiều tướng lãnh đã có bài quan điểm làm dư luận chú ý. Nội dung các bài này đôi khi gây lo ngại vì luận điệu duy chủng (Hán tộc là nhất) và hiếu chiến, nhưng cũng có những bài tiến bộ khi kêu gọi cải cách chính trị. Tuy nhiên, như trên nhiều diễn đàn khác của giới trí thức dân sự, tác giả có quyền nêu ý kiến và thậm chí tranh luận, nhưng vẫn trong vòng "phải đạo," là không nêu vấn đề về quyền lãnh đạo tuyệt đối của đảng.

Khi ấy, người ta cần nhìn ra ảnh hưởng của các tướng lãnh qua hai cơ chế dồn làm một, là Quân Ủy Trung Ương.

 

Trung Ương Quân Ủy Hội

 

Trung Quốc có hai cơ chế quân sự tối cao của đảng và của nhà nước là "Trung Quốc Cộng sản đảng Trung ương Quân sự Ủy viên hội" và "Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc Trung ương Quân sự Ủy viên hội," được gọi chung là "Trung Ương Quân Ủy Hội" với cùng thành phần nhân sự hiện nay là 12 người. Lãnh đạo Quân Ủy Trung Ương đương nhiên là tổng bí thư kiêm chủ tịch Nhà nước, một nhân vật dân sự.

Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương hiện là Hồ Cẩm Ðào và có ba phó chủ tịch, theo thứ tự thâm niên trong cơ chế này là Tướng Quách Bá Xương (sinh năm 1942, vào Quân Ủy từ 2002), Tướng Từ Tài Hậu, sinh 1943, vào Quân Ủy từ 2004), và Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, bí thư Ban Bí Thư Trung Ương và vào Quân Ủy từ tháng 10 năm 2010. Sau khi lên làm tổng bí thư và chủ tịch nước như dự trù, Tập Cận Bình sẽ thay thế Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch Quân Ủy Hội, nhưng không ngay vào năm tới. Chi tiết này đáng chú ý nhưng xin nói sau.

Ngoài bốn người cao cấp nhất, Quân Ủy Hội còn tám thành viên khác, toàn là tướng lãnh chỉ huy tám bộ phận quân sự quan trọng. Theo thứ tự thâm niên khi họ vào Quân Ủy là Bộ Quốc Phòng (Lương Quang Liệt, 2002), Tổng Cục Chính Trị (Lý Kế Nại), Tổng Cục Hậu Cần (Liêu Tích Long), Bộ Tổng Tham Mưu (Trần Bỉnh Ðức, 2004), Ðệ Nhị Pháo Binh (Tĩnh Chí Viễn, 2004), Tổng Cục Tiếp Tế (Thường Vạn Toàn 2007), Hải Quân (Ngô Thắng Lợi, 2007), Không Quân (Hứa Kỳ Lượng, 2007).

Nhìn lại thì đây là chuyện quan trọng: 10 tướng lãnh cao cấp nhất thường gặp hai nhân vật dân sự cao nhất đảng trong các buổi họp của hai Quân Ủy mà không có sự hiện diện của các lãnh tụ còn lại trong Bộ Chính Trị. Quân Ủy Hội không chỉ là cơ chế lấy quyết định về quân sự mà còn là nơi các tướng trực tiếp nói chuyện với lãnh đạo đảng.

Họ nói chuyện gì, làm "công tác tư tưởng" hay "động viên" nhau ra sao, ai thuyết phục ai, cho chuyện gì?

Theo nguyên tắc về tuổi tác, người đến 68 tuổi (sinh vào năm 1944 về trước) phải về hưu. Trong số 10 tướng lãnh, chỉ có Thường Vạn Toàn (1949) và Hứa Kỳ Lượng (1950) là hy vọng ở lại. Sau Ðại Hội 18, có 8 tướng sẽ ra về, may lắm thì Ðô Ðốc Ngô Thắng Lợi sinh năm 1945 sẽ ở thêm một nhiệm kỳ. Tầm quan trọng của Ðại Hội 18 vì vậy cũng bao trùm lên lãnh vực quân sự.

Trước khi ra về, các tướng khuyến nghị những gì với Hồ Cẩm Ðào và Tập Cận Bình, và họ cất nhắc những ai lên thay thế, theo tiêu chuẩn nào?

 

Ðộng viên nhau theo hướng nào?

 

Nhớ lại thì sau khi rời hai chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước từ Ðại Hội 16 vào năm 2002, Giang Trạch Dân vẫn giữ ghế chủ tịch Quân Ủy thêm hai năm để vận động các sĩ quan theo vây cánh của mình. Nhiều phần thì Hồ Cẩm Ðào cũng vậy. Chủ tịch Tập Cận Bình trong tương lai vẫn có lãnh đạo cũ kè ở bên trong Quân Ủy Hội cho đến 2014.

Như Giang Trạch Dân về hưu mà vẫn có ảnh hưởng qua tay chân được gài lại, Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc hay Ôn Gia Bảo, v.v... cũng tiếp tục có mặt sau hậu trường. Vì thế, ngoài các phe phái đã trình bày kỳ trước, Trung Quốc còn có cánh "Thái thượng hoàng" là các lão đồng chí làm cố vấn ngầm. Nếu Tập Cận Bình (Thái tử đảng và Thanh Hoa phái) được Giang Trạch Dân cất nhắc lên vị trí lãnh đạo, ông vẫn phải thỏa hiệp với vị tiền nhiệm là Hồ Cẩm Ðào, người cầm đầu "Ðoàn phái" và có truyền nhân Lý Khắc Cường sẽ là thủ tướng trong năm tới.

Lãnh đạo Cộng Ðảng ở vào thế "cài răng lược" và dưới vẻ đồng thuận thống nhất, khi đa số đều là dân sự và tranh thủ (hay tranh đấu) với nhau bên sau hậu trường, họ vẫn cần đến quân đội. Ngược lại, các tướng cũng có dịp tác động hoặc mặc cả về đường hướng và nhân sự.

Hồ Sơ Người-Việt không điểm danh các tướng đang hy vọng tiến vào Quân Ủy Hội hoặc đang được Hồ Cẩm Ðào hay Tập Cận Bình vận động vì bài viết sẽ quá dài. Nhưng xin tóm lược một số đặc tính của các tướng, vẫn là địa phương và phe phái, mà được hiện đại hóa.

Xưa kia, các lãnh tụ quân sự đều xuất thân từ các địa phương thành đồng của đảng, như Sơn Ðông, Hà Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây và Liêu Ninh. Ðịa phương tính đó có phản ảnh trong thành phần ủy viên của Quân Ủy, nơi có ít tướng lãnh xuất thân từ Thượng Hải hay Quảng Ðông, Tứ Xuyên hoặc các tỉnh miền Tây. Ngày nay, đặc tính ấy vẫn còn và sẽ có thể chi phối sự chọn lựa sau Ðại Hội 18.

Ðiều mới hơn là sự xuất hiện của các tướng trong "Thái tử đảng." Họ là con cháu của các đại công thần thời cách mạng, sinh khoảng 1940-1950 trở về sau.

Nếu các nhân vật dân sự trong "Thái tử đảng" chỉ là một tập thể ô hợp và cơ hội, ngẫu nhiên có chung một gốc tích là quý tộc cách mạng, các tướng lãnh lại hơi khác. Do kỷ luật của tổ chức quân đội, họ gắn bó với nhau và dễ có chung một nhận thức nên cũng có ảnh hưởng cao hơn khi cần tác động vào hệ thống chính trị.

Trong số này, nên chú ý đến Hứa Thắng Lợi, Trương Hải Dương, Mã Hiểu Thiên, và Chương Thấm Sinh. Kế tiếp là các tướng đang lên như Lưu Nguyên, con trai Lưu Thiếu Kỳ mà rất bảo thủ, hay một sĩ quan kêu gọi cải cách chính trị là Lưu Á Châu.

Trong vụ Trùng Khánh, nhiều tướng lãnh phe Thái tử đảng bị liên lụy vì gia đình quá thân với Bạc Hy Lai, như Trương Hải Dương hay Lưu Nguyên, nên họ ra sức chứng tỏ sự trung thành với đảng. Ngược lại, nhiều tướng khác thuộc Thái tử đảng mà gần với Hồ Cẩm Ðào thì lại thêm cơ hội thăng tiến, như Ðề Ðốc Trương Hải Dương, con rể Hồ Diệu Bang và Chính ủy Học viện Quân sự Trung ương, Thiếu tướng Không quân Lưu Á Châu, con rể Lý Tiên Niệm.

Lồng trong hai đặc tính địa phương và phe phái nói trên, Giải Phóng Quân ngày nay còn có tầm quan trọng rất lớn của Hải Quân, Không Quân và Ðệ nhị Pháo Binh, ba quân chủng đang được ưu tiên trang bị cho thế kỷ 21. Ðấy cũng là một tiêu chuẩn khác để ước đoán về hậu vận của các tướng sau Ðại Hội 18.

Nhưng dù vai trò của tướng lãnh có tăng hay chuyện vận động có thêm yếu tố bất định về phe phái, quân đội Trung Quốc vẫn phục tùng đảng, ngay cả trong giả thuyết là sau đại hội này sẽ có một hai tướng ngồi trong Bộ Chính Trị thay vì chỉ có Tướng Từ Tài Hậu sẽ về hưu.

 

Ghi chú: Bài "Phe phái trong Cộng đảng Trung Hoa" có hai danh tính bị gõ sai là Trương Cao Lệ và Tập Trọng Huân, xin quý độc giả sửa lại cho. Về Tập Cận Bình, năm 1985 ông đã qua Mỹ nghiên cứu về canh nông và sống tại thị trấn Muscatine của Iowa trong một gia đình bình dân. Khi chính thức thăm viếng Hoa Kỳ vào tháng 2, ngay sau vụ Vương Lập Quân, ông thăm lại gia đình này. Trung Quốc có thêm cơ hội tuyên truyền về tính bình dân và trọng thị của lãnh đạo.


No comments:

Post a Comment