My Blog List

Friday, June 1, 2012

Mặt trái của lẻ phải

Lẽ phải (Common Sense) là lẽ thường tình, là những điều được đa số chấp nhận như một điều đúng tự nhiên. Trong đời sống xã hội, luật pháp chỉ quy định một số ít ỏi hành vi con người như thế nào là đúng, như thế nào là sai (ví dụ đi đường phải tuân theo luật giao thông), phần lớn hành vi còn lại không được quy định rõ ràng như thế (chẳng hạn khi gặp người bị ngã thì đến để nâng dậy), chỉ dựa vào lẽ phải- Common Sense- mà thôi.
Hiềm một nỗi, không phải tất cả lẽ thường tình đều mang tính nhân văn.
Biết rút ra bài học cho bản thân là lẽ thường tình. Tôi đã nghe người lớn dạy con sau khi xem trên truyền hình một chương trình từ thiện: "Thấy chưa, tụi con phải biết tiết kiệm đó!"; tôi cũng đã đọc thấy lời bình của nhiều người sau câu chuyện ở một điểm bán gà rán Kentucky bên Pakistan. Chuyện kể có nhiều người nghèo gom thức ăn thừa trong thùng rác của nhà hàng đem về cho gia đình... còn "Các em bé từ đó biết tiết kiệm, ăn hết chứ không bỏ dở khẩu phần như trước nữa"…

Cái lẽ phải ấy nguy hiểm vì nó nghe có vẻ đúng nhưng lại làm tăng thêm thói ích kỷ của con người. Tôi ước gì trong đoạn cuối câu chuyện gà rán Kentucky ấy, có một em bé khác, về sau mỗi khi được dẫn đi nhà hàng em chỉ ăn 1/3 cái đùi gà rồi lén mẹ gói phần còn lại bỏ vào thùng rác, hy vọng tối nay có người lượm được trúng phần của em, miếng gà còn nhiều thịt chứ không chỉ là xương.

Vì sao chúng ta mỗi lần thấy một cảnh khổ trên đời là vội rút ra ngay bài học phòng xa cho chính mình chứ không nghĩ đến việc nên làm gì cho người đang nằm trong cảnh khổ đó? Vì sao chúng ta để dành tiền phòng xa, chờ đến khi tấm thân của một-người-mang-tên-ta mắc bệnh chứ không dùng ngay đồng tiền đó, cũng với mục đích chữa bệnh, cho một thân xác đau yếu có sẵn trước mặt nhưng mang tên người khác? Đó chính là lòng vị kỷ. Vị kỷ không thực sự có hại nhưng với số đông và trong những hoàn cảnh nhất định, nó sẽ dễ dàng trở thành ích kỷ.

Điều này mang yếu tố văn hóa chăng? Tôi mơ hồ thấy như vậy. Ai là người nghĩ ra câu chuyện dân gian về sự tích "rét nàng Bân"? Một nàng tiên may áo cho chồng nhưng vì vụng về, chậm chạp nên may xong mất mấy tháng thì trời đã sang xuân, ấm áp nên nàng không còn cơ hội cho chồng mặc nữa. Nàng buồn lắm. Ngọc Hoàng thấy vậy thương tình cho rét trở lại thêm mấy hôm để nàng Bân có thể được chăm sóc chồng mình. Hỡi ôi, Trời làm thế thì chết mấy người không áo! Sao nỡ vì niềm vui của một người mà quên mất cái khổ của nhiều người!

Chắc các bạn cũng đồng ý là thương yêu người thân nhưng không vì thế mà quên hết người ngoài. Cái lỗi về văn hóa là ở đây.

Common Sense- Lẽ Phải- tôi muốn viết hoa bởi tính nhân văn của nó. Và tôi cũng xin được viết hoa tất cả chữ cái trong ba chữ LÒNG THƯƠNG NGƯỜI vì nhờ đó mà ta phân biệt tính vị kỷ vốn đôi khi cũng được khoác áo Common Sense, thấy được mặt trái của lẽ phải ở trên đời, nơi mỗi con người và rõ ràng trong đó có cả nhân vật yếu đuối nhất chính là bản thân ta.

Banron
 

No comments:

Post a Comment