My Blog List

Tuesday, January 22, 2013

Doc lai chuyen xa xua ...

Vụ thảm sát Đại Tá Hồ Tấn Quyền

Lữ Giang
 
Hôm nay, khi sắp đến ngày ghi nhớ biến cố CIA dùng một số tướng lãnh Việt Nam tổ chức đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm để đổ quân vào miền Nam Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại những chi tiết liên quan đến vụ thảm sát Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân VNCH, để làm sáng tỏ lịch sử, đồng thời giúp nhiều người hiểu được tại sao Tổng Thống Johnson đã gọi những tướng Việt Nam được Mỹ thuê làm đảo chánh là "một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa".
ooOoo
 
CÂU CHUYỆN ĐƯỢC GHI LẠI

 Trong cuốn "Chín năm máu lửa dưới chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm", một trong những cuốn sách viết về lịch sử đấu tranh của Phật Giáo năm 1963, hai tác giả Nguyệt Đam và Thần Phong đã nói về cái chết của Đại Tá Hồ Tấn Quyền như sau:
 
"Sau khi được lệnh của Nhu qua hệ thống "Điện thoại trắng", Đại Tá Hồ Tấn Quyền, Tư Lệnh Hải Quân liền ra lệnh cho hai chiếc chiến hạm nhổ neo ra khơi với nhiệm vụ bắn máy bay của phe Cách Mạng.
 
"- Chính những phát đạn bắn lên những phi cơ bay lên nền trời chiều hôm ấy là từ hai chiến hạm này...
 
"Nhưng mọi hành động của vị Tư Lệnh Hải Quân này đều không lọt qua cặp mắt của những sĩ quan trực thuộc (có chân trong phe Cách Mạng) là Đại Úy Y. Nhiệm vụ của Đại Úy Y là hể thấy Đại Tá Quyền chống lại thì phải bắt giữ ngay.
"Do đó, khi hai chiến hạm vừa nhổ neo thì Đại Úy Y cùng với mấy quân nhân nữa lái xe díp đến tư dinh của Đại Tá Quyền để định bắt sống ông này. Nhưng khi vừa đến nơi, thì thấy Đại Tá Quyền lái xe ra khỏi cổng.
 
"Thế là một cuộc rượt bắt sôi nổi đã diễn ra trên xa lộ Biên Hoà, chiếc xe "Traction 15" chạy rất nhanh, nên Đại Úy Y cố rồ ga mà không sao qua mặt được. Khi còn cách ngã tư đường rẽ vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức độ 200 thước thì chiếc xe díp còn cách xe Traction vài chục thước.
 
"Đại Úy Y thấy không thể nào qua mặt xe của Đại Tá Quyền để bắt sống nên đành hạ sát bằng súng tiểu liên, vì nếu chậm 10 phút nữa đã đến khu vực Đại Tá X nói trên." 
 
SỰ THẬT NHƯ THẾ NÀO?
 
Qua các tài liệu được tiết lộ sau này, chúng ta thấy đa số các sách viết về cuộc đấu tranh của Phật Giáo năm 1963 đều là phịa sử, có khi rất trắng trợn, kể ca cuốn "Tiểu truyện tự ghi" của Hoà Thượng Thích Trí Quang.
Chúng tôi viết bài này dựa trên cuộc phỏng vấn các nhân chứng và bà Hồ Tấn Quyền, tài liệu của ngothelinh.tripod.com và Wikipedia.
 
1.- Vài nét về Đại Tá Hồ Tấn Quyền. 
 
 Đại Tá Hồ Tấn Quyền sinh năm 1927 tại Đà Nẵng, xuất thân từ Khóa 1 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, có vợ và 8 người con. Ông được cử làm Tư Lệnh Hải Quân VNCH từ ngày 6.8.1959 cho đến ngày 1.11.1963 là ngày ông bị hạ sát, lúc đó ông mới 36 tuổi. Hai vị Tư Lệnh Hải Quân VNCH trước ông là Đại Tá Lê Quang Mỹ và Trung Tá Trần Văn Chơn. Trước khi được chỉ định làm Tư Lệnh, Đại Tá Quyền là Tham Mưu Trưởng Hải Quân cho ông Chơn.
 
Đại Tá Hồ Tấn Quyền được coi là người có lòng nhiệt thành và có nhiều công lao trong việc xây dựng binh chủng hải quân. Ông là người có sáng kiến thành lập Lực Lượng Hải Thuyền để ngăn chặn sự xâm nhập người và vũ khí của quân đội miền Bắc. Đặc biệt, ông rất trung thành với Tổng thống Ngô Đình Diệm.
 
Trong cuộc đảo chánh ngày 11.11.1960 của nhóm Vương Văn Đông và Nguyễn Triệu Hồng, Đại Tá Quyền đã đích thân đem 2 đại đội của Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến vào dinh Độc Lập, hợp sức với Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống bảo vệ dinh. 
 
Ngày 27.2.1962, khi hai phi công Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc dùng máy bay dội bom dinh Độc Lập, Đại Tá Quyền chỉ đạo các chiến hạm Hải Quân bắn đạn bay đan kín vùng trời, bảo vệ dinh Độc Lập. Máy bay do Phạm Phú Quốc lái bị bắn rơi ở Nhà Bè, còn phi cơ do Nguyễn Văn Cử lái bay được qua Cao Mên.
 
2.- Việc hạ sát Đại Tá Quyền.
 
Để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm theo kế hoạch của CIA, các tướng Việt Nam phụ trách tiến hành cuộc đảo chánh đã gặp một trở ngại lớn là không thuyết phục được Đại Tá Hồ Tấn Quyền tham gia. Vì thế, Tướng Dương Văn Minh, người lãnh đạo cuộc đảo chánh, phải tìm cách loại Đại Tá Hồ Tấn Quyền và vô hiệu hoá lực lượng Hải Quân. Tướng Dương Văn Minh đã móc nối được với những sĩ quan Hải Quân sau đây chống lại Đại Tá Hồ Tấn Quyền:
- Trung Tá Chung Tấn Cang, Chỉ Huy Trưởng Giang Lực,
- Thiếu Tá Khương Hữu Bá, Chỉ Huy Trưởng Duyên Lực.
- Thiếu Tá Trương Ngọc Lực, Chỉ Huy Trưởng Vùng III Sông Ngòi.
- Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang, gốc Thủy Quân Lục Chiến, Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ Huy Trưởng Đoàn Giang Vận. 
 
Thiếu Tá Trương Ngọc Lực và Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang là hai người được Đại Tá Hồ Tấn Quyền đặc biệt nâng đỡ và được coi là như người thân của Đại Tá Quyền, nên nhóm đảo chánh đã thuyết phục hai sĩ quan này gài mưu bắt giam hay giết Đại Tá Quyền.
 
Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang cho biết Thiếu Tá Lực đã nói với ông như sau:
 
"Ông Quyền trung thành với ông Diệm lắm, không cách nào thuyết phục ông ta theo phe cách mạng được đâu, mà có khi còn nguy cho tính mạng và đại cuộc. Ông Lực được ông Minh (Dương Văn Minh) cho biết là giữa Tổng Thống Diệm và ông Quyền có một kế hoạch di tản bí mật bằng tàu Hải Quân khi có biến, lánh nạn khi có đảo chánh. Chi tiết thế nào thì không được biết, chỉ nghe ông Lực nói lại mà thôi."
 
Khoảng 10 giờ sáng hôm 1.11.1963, ngày lễ Chư Thánh được nghỉ buổi sáng, Đại Tá Quyền đã đi đánh tennis với Trung Tá Đặng Cao Thăng. Để thực hiện việc loại trừ Đại Tá Quyền, Thiếu Tá Lực đã đến sân tennis mời Đại Tá Quyền đi Thủ Đức ăn trưa, mừng lễ sinh nhật thứ 36 của Đại Tá Quyền, do một số anh em Hải Quân tổ chức. Đại Tá Quyền không muốn đi vì đã được điện thoại mời đến họp tại Bộ Tổng Tham Mưu vào buổi trưa. Thiếu Tá Lực năn nỉ mãi ông mới chấp nhận. 
 
Đại Tá Quyền đã trở về nhà thay quần áo rồi lái chiếc xe citroen đen chở Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang cùng đi lên Thủ Đức. Đại Tá Quyền cầm lái, Thiếu Tá Lực ngồi ở ghế trên, bên cạnh Đại Tá Quyền, còn Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau. Khi xe từ xa lộ Biên Hoà rẽ vào đường đi Thủ Đức, xe nghiêng, Thiếu Tá Lực ngã vào Đại Tá Quyền rồi rút dao găm ra đâm Đại Tá Quyền. Đại Tá Quyền nhanh tay đỡ và giựt được cây dao găm, đâm vào tay Thiếu Tá Lực. Khi hai người giằng co nhau, xe ủi xuống lề đường. Đại Úy Giang ngồi ở ghế sau chồm lên dí súng vào vai phải Đại Tá Quyền và nổ súng. Đại Tá Quyền ngả gục trên tay lái, con dao găm đầy máu rớt xuống phía trước. Ngay lúc đó, một chiếc xe dân sự do tài xế của Thiếu Tá Lực lái từ sau chạy tới. Thiếu Tá Lực và anh tài xế bê xác Đại Tá Quyền bỏ vào thùng xe dân sự và cả ba lên xe này chạy về Sài Gòn.
 
Theo bà Đại Tá Quyền, bác sĩ bệnh viện Cộng Hòa cho bà biết ông Quyền bị giết khoảng 11 giờ trưa, nhưng được đưa về nhà Tướng Lê Văn Kim, đến 11 giờ 30 tối mới được đưa vào bệnh viện Cộng Hoà. Trung Tá Lực đã chiếm luôn chiếc xe citroen của chồng bà.
 
CHIẾM BỘ TƯ LỆNH HẢI QUÂN
 
Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang cấp tốc trở lại Sài Gòn, thay quần áo tác chiến Hải Quân và đến ngã ba Bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ vào lúc 1 giờ trưa, để đón 2 đại đội khoá sinh từ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung lên, do Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu đích thân trao lại. Thiếu Tá Lực và Đại Úy Giang hướng dẫn đoàn xe chở 2 đại đội này chạy ào vào chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Quân nhân Hải Quân thấy sĩ quan Hải Quân hướng dẫn đoàn xe, nên không chống cự, vì thế việc chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân không gặp trở ngại nào. 
 
Trong khi Đại Úy Giang phân chia lính bộ binh tước khí giới và canh gác Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Thiếu Tá Lực Lực chạy thẳng vào Văn Phòng Tư Lệnh Hải Quân, nói với Trung Tá Đặng Cao Thăng, Tham Mưu Trưởng Hải Quân: "Cách Mạng đem quân tới chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân". Sau này, Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng cho biết Tổng Thống Diệm có gọi ông. Hết sức bình tĩnh, ông Diệm hỏi Hải Quân ra sao, anh Quyền đâu. Ông chỉ thị phải đẩy quân của Thiếu Tá Lực ra. Nhưng lúc đó Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã bị tước khí giới rồi, ông không làm gì được.
 
 Trong thời gian này, có 2 máy bay của Không Quân bay rất thấp quanh Bộ Tư Lệnh Hải Quân, có lẻ để uy hiếp Hải Quân. Các chiến hạm liền nổ súng dày đặc bầu trời. Đặc biệt, chiến hạm HQ-06 đậu tại cầu A, vị trí 1, do Đại Úy Đỗ Kiểm làm Hạm Trưởng, bắn lên rất dữ dội. Thiếu Tá Lực yêu cầu Trung Tá Thăng ra cột cờ trước Bộ Tư Lệnh ra lệnh cho các chiến hạm ngưng bắn. Người trực tiếp áp tải ông là Trung Úy Thái Quang Chức. em của Trung Tướng Thái Quang Hoàng, một sĩ quan thuộc đơn vị của Đại Úy Giang.
 
Lúc 1 giờ 30, Trung Tá Chung Tấn Cang đem đoàn chiến đĩnh sang chiếm Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Ông đứng trên chiếc Monitor Combat (Tiền Phong Đĩnh) do Trung Sĩ Thạch Sơn lái và ra lệnh cặp vào cầu tàu Tư Lệnh. Sau đó ông lên Văn phòng Tư Lệnh đảm nhiệm vai trò Tư Lệnh Hải Quân. 
 
Hôm sau, 2.11.1963, Trung Tá Cang được thăng Đại Tá, Thiếu Tá Lực được thăng Trung Tá và Đại Úy Giang được thăng Thiếu Tá.
 
Sau này Thiếu Tá Giang cho biết một hôm Trung Tá Lâm Ngươn Tánh, lúc ấy là Tham Mưu Trưởng, đã kéo ông ra kè xi măng ở bờ sông trước cầu C và nói: "Tụi bây liệu đường đi đâu thì đi xa đi. Tụi nó dự trù giết mày và thằng Lực đó." Ít lâu sau, Trung Tá Lực được cử đi làm Tùy Viên Quân Sự tại Hán Thành, còn Thiếu Tá Giang được đổi ra Phú Quốc, làm cố vấn cho vị chỉ huy Hải Quân tại đây.
 
TÂM TÌNH CỦA BÀ HỒ TẤN QUYỀN
 
Trong một cuộc phỏng vấn của đài VNCR được thu lại bằng Video và phổ biến trên Website của Hải Quân VNCH, bà Hồ Tấn Quyền cho biết khi Đại Tá Quyền bị hạ sát, bà đang đi học về thẩm mỹ ở Nhật. Bỗng nhiên bà nhận được một công điện do Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nhật trao lại, trong đó ghi vỏn vẹn chỉ có mấy chữ: "Tư lệnh bị thương nặng, bà về gấp." Ở dưới ghi Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng nhưng không có ai ký tên.
 
Khi bà về tới phi trường, có một ông bác sĩ và mấy ông Hải Quân đi đón bà. Khi về tới nhà, đứa con nhỏ chạy ra cho biết chú Lực đã giết ba chết rồi. Bà rất ngạc nhiên. Sáng hôm sau, bà được đưa đến nhà xác bệnh viện Cộng Hoà để nhận xác Đại Tá Quyền. Bà thấy ông bị bắn ba viên đạn, một viên ở tay trái, một viên trên vai và một viên ngay tim. Bà không có tiền chôn cất nên ông bà Hà Kim đã cho bà muợn 30.000 đồng và sau đó cho luôn.
 
Bà có đến gặp Tướng Dương Văn Minh và hỏi tại sao đã giết chồng bà, tướng này nói "chúng nó làm bậy" và chỉ xin lỗi. Tướng Đôn cũng nói như thế. Nhưng về sau bà nghe nói chính Tướng Dương Văn Minh đã giao việc thanh toán Đại Tá Quyền cho Thiếu Tá Trương Ngọc Lực. Bà cho biết Đại Úy Trương Ngọc Lực mới được chồng bà thăng Thiếu Tá hôm 25.10.1963.
 
Theo bà Quyền, Đại Úy Nguyễn Kim Hương Giang vốn thuộc binh chủng Thủy Quân Lục chiến, nhưng Trung Tá Lê Nguyên Khang, chỉ huy trưởng Thủy Quân Lục Chiến không thích Đại Úy Giang. Lúc đó, vợ của Đại Úy Giang đang làm việc xã hội với bà nên đã năn nỉ bà nói với Đại Tá Quyền đưa ông ta về Hải Quân, vì lúc đó Đại Tá Quyền kiêm Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến. Đại Tá Quyền đồng ý và đưa Đại Úy Giang về Hải Quân. Không ngờ việc làm ơn này đã gây thảm họa cho ông. Về sau, Thiếu Tá Giang muốn gặp riêng bà để thanh minh về cái chết của Đại Tá Quyền, nhưng bà không muốn gặp. Hiện nay, Nguyễn Kim Hương Giang đang định cư tại San Diego, California.
 
Cũng theo bà Quyền, Trung Tá Trương Ngọc Lực khi làm tùy viên quân sự ở Toà Đại Sứ Việt Nam tại Hán Thành đã vi phạm lỗi nặng, bị triệu hồi về và bị đưa ra trước toà án quân sự. Đại Tá Lê Nguyên Khang có điện thoại cho bà biết sáng hôm sau ông sẽ ngồi xử Trương Ngọc Lực và tuyên án nặng. Nhưng sáng hôm sau, Đại Tá Khang cho bà biết người ta đã tìm cách thả Trương Ngọc Lực ra và đưa anh ta đi trốn qua Cao Miên. Nghe nói sau đó ông ta đã đi qua Pháp nhưng bị điên nên phải đưa vào nhà thương điên và chết tại đó.
 
Sau khi Đại Tá Quyền chết, bà phải nuôi 8 đứa con, đứa lớn nhất mới 9 tuổi và đứa nhỏ nhất mới 8 tháng. Vợ chồng bà để dành trong 10 năm được hơn 10.000 đồng. Số tiền này bà gởi ở ngân hàng Việt Nam Thương Tín, nhưng khi đến lấy tiền ra thì được cho biết Hội Đồng Cách Mạng đã tịch thu! 
 
Bà cho biết thêm: Một số sĩ quan Hải Quân tới thăm và đốt hương cho chồng bà cũng bị cảnh cáo. Vì năm 1960 Đại Tá Quyền đã lập ra Hội Người Nhái nên có 6 anh em người nhái đến nói với bà rằng họ sẽ thanh toán tên Lực và tên Giang, nhưng bà khuyên họ: "Thôi để trời phạt mấy người đó, mấy anh đừng có làm bậy." Một tuần sau, có 4 người nhái khác cũng đến nói như vậy, nhưng bà cũng bảo họ đừng làm. 
 
Tổng Thống Johnson đã chí lý khi gọi các tướng lãnh Việt Nam được CIA thuê làm đảo chánh là "bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa".
 
Ngày 12.10.2010
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment