My Blog List

Thursday, April 25, 2013

Nỗi nhớ tháng tư của tôi

Nỗi nhớ tháng tư của tôi
Ta gát lại chuyện nhân tình thế sự
Để nhớ về nỗi nhớ tháng tư đen
Cứ mỗi độ tháng tư về là tôi lại thấy buồn và nhớ. Buồn cho số phận của mình, của bè bạn, của dân tộc. Nhớ là nhớ những năm tháng hào hùng với nhiều gian khó của người lính  trận.Nhớ những trận đáng sau cùng, nhớ những thằng bạn đã mãi ra đi không về. Nhớ những ngày tháng vui buồn nơi trường Mẹ. Nhớ 8 tuần đầu đời làm lính. Nhớ bạn bè… nhớ những đồi thông , nhớ sương mù, nhớ cái lạnh của Đà Lạt. Nhớ những phiên gác đêm…Nhớ những chiều cuối tuần trước cổng Nam Quan… Nói chung là nhớ rất nhiều thứ…
Nhưng điều làm tôi xót xa và nhớ mãi không nguôi, đó là những người phụ nữ: là mẹ, là vợ, là người yêu... của những người lính…
Là thân phận người trai thời loạn, " từ giả bút nghiên để khoác lên mình áo trận" là chấp nhận gian khổ và hy sinh. Tuy những gian khổ của đời lính, nỗi nhục nhằn của người thua cuộc, mà không phải lỗi của họ, những sự tàn bạo của tù đày… tất cả mình đã chọn là chấp nhận. Nhưng dính liền với nỗi khổ đau, gian khó , nhục nhằn của đời mình là thân phận của những người phụ nữ:
- Họ là những người Mẹ đã mang nặng đẻ đau, chịu bao gian truân để nuôi con khôn lớn thành người. Họ được gì ? hay chỉ là những tháng ngày lo lắng đứa con đôi mươi của mình ngày đêm đang dằm mình trong lửa đạn. Đêm ngày nghe tiếng súng vọng về mà lòng mẹ thấp thỏm lo âu. Nghe đâu trận đánh ở vùng của đơn vị con mình trú đóng, mẹ thầm cầu nguyện cho con mình tai qua nạn khỏi…Người lính trận đi chiến đấu là sống chết bất kỳ… Và rồi có những người con đi mãi không về… Người lính hy sinh là đã làm xong nhiệm vụ của mình cho tổ quốc, đã an phận một đời. Nhưng còn Mẹ, với nỗi khổ đau tột cùng, một mất mát quá lớn. Ngày đưa anh đi về lòng đất lệ mẹ đã khô trong con người không còn đứng vững. Niềm hy vọng về đứa con trai của mình đã tan thành mây khói… Mẹ mãi mãi mất con…Mẹ đã mất đi núm ruột của mình !!!
Những người Mẹ may mắn còn gặp lại con mình sau ngày im tiếng súng, những tưởng từ đây mẹ con sẽ được trùng phùng. Nhưng ngày vui chẳng được tày gang, con của mẹ lại vào nơi tù ngục. Mẹ lại bần thần lo lắng. Cả năm dài mẹ chẳng biết con sống chết nơi đâu ! Có lẽ họ đã giết chết con của mẹ rồi !!! Rồi khi được gặp mặt "thăm nuôi". Đời sống của mẹ đã lắt lay vì là mẹ " ngụy", mẹ lại hôm sớm tảo tần chắt mót để lê lết đi thăm con ! Gặp nhau ít phút, nhìn thấy con xanh xao tiều tụy mà đau…Vẫn còn đở hơn những bà mẹ khi thăm con thì con đã mất , xác bị vùi nơi rừng sâu mà mãi sau này có khi không tìm được ! Quà mẹ cho con còn đây, mà con không còn nữa !Ôi ! lòng mẹ đau đớn biết nhường nào !!!
Khi con về mẹ mừng vui khôn xiết, nhưng con sống không nỗi dưới sự áp bức của kẻ thù, mẹ lại chắt mót kiếm vàng cho con vượt biển đi tìm tự do. Mẹ lại thương nhớ con,van vái ngày đêm cho con vượt thoát…
Đời con, người lính chiến khổ đau đâu thấm gì với tấm lòng của những người mẹ lo lắng, thương nhớ hay phải khóc con !!!!

- Họ là những người vợ đã gắn cuộc đời mình với chồng là lính, lại là lính trận thì gần nhau thật ít, xa nhau thương nhớ quá nhiều. Có gặp nhau chăng là những ngày phép ngắn ngủi, gần nhau chưa nói được tròn câu thương nhớ để rồi ngậm ngùi tiển anh trở lại chiến trường. Nơi ấy biết ngày mai anh có lại về bằng giày sô bụi bám , áo trận bạc màu hay chỉ là chiếc hòm gỗ vô tri phủ cờ tổ quốc. Rồi còn con thơ, em dại, cha mẹ già nào biết cậy trông ai ! Thân cò tất bật với cuộc sống hàng ngày, đêm dài về hiu quạnh với gối chiếc chăn đơn, nhìn đàn con dại mà thầm lo lắng, van vái Phật Trời cho anh sống sót trở về. Nỗi lòng cô đơn buồn tủi biết tỏ cùng ai !?
Có người cưới nhau mười bửa nửa tháng rồi chồng ra đi. Lệ mừng hôn lễ sớm thành lệ chia ly .Anh nơi sa trường nào biết một giọt máu của anh đã tượng hình hài. Có khi đứa con chưa chào đời hay mới được sinh ra chỉ vài tháng tuổi thì anh đã hy sinh. Con và cha chẳng bao giờ gặp mặt. Người vợ , từ đây một thân một bóng vượt ngàn khổ ải nuôi con khôn lớn mà suốt cuộc đời không một người đàn ông nào khác bên cạnh. Thật đớn đau cho người vợ, nhưng cũng đầy tự hào với một tấm lòng sắc son chung thủy.
Ngày đất nước không còn tiếng súng, những tưởng đâu từ đây sắt cầm hòa hợp cho tới ngày đầu bạc răng long, nào hay đâu bị gạt bởi mưu sâu, chồng vợ chia lìa , cha con ly tán. Chồng vào nơi tù ngục, vợ mang danh vợ "Ngụy"ở nhà chịu nhục gánh gồng tần tảo khuya sớm nuôi con, nuôi chồng. Có người còn nuôi cả cha mẹ già yếu hay đàn em dại cút côi…Đôi vai gầy giờ phải gánh tất cả nỗi nhục, nỗi đau nỗi tủi hờn của vợ người bại trận. Nhưng bão táp cuộc đời đã không làm gãy ngã  một ý chí kiên cường một tấm lòng son sắc trong những con người "liễu yếu đào tơ ngày nào", đã hết sức bình sinh vượt bao sóng gió của cuộc đời, sánh bước cùng chồng cho đến ngày hội ngộ…
- Họ là những người yêu của người lính. Yêu nhau chưa kịp dâng lễ cau trầu thì anh đã mãi miết nơi chiến trận.
Em yêu lính là mõi mòn mong đợi
Em yêu lính là mang lấy dạ bồi hồi…
Mong đợi ngày anh về , nhưng hởi ôi, ngày anh về chỉ là " hòm gỗ cài hoa". Nước mắt tuôn rơi, nỗi đau xé ruột. Buổi tiển đưa anh về với đất là buổi đưa tiển sau cùng. Có người yêu anh đã ở vậy suốt cuộc đời mình với tấm tình chung bất diệt….
Người lính trận vui với hào quang chiến trận thì đàng sau đó có những nỗi buồn âm thầm, những nỗi lo âu thấp thỏm, những ngày dài thương nhớ của những người phụ nữ chịu thương chịu khó giửa bao nỗi lo toan của cuộc đời.
Một mai anh hy sinh vì tổ quốc, anh yên phận, nhưng những nỗi đau và thương tiếc càng đè nặng tâm tư của những người phụ nữ. Đời lính của chúng ta gian khổ, tủi nhục thật nhiều, nhưng so với những nỗi đau niềm nhớ, những nỗi nhục nhằn của những người phụ nữ của chúng ta đã trở thành nhỏ bé !
Tháng tư lại về, tôi không viết về những gian khó của đời lính, những trận đánh quyết tử sau cùng, hay những tủi nhục của những ngày tù tội vì nhiều người đã viết… và hơn hết, tôi thấy mình thật nhỏ nhoi với sự hy sinh của những người phụ nữ. Tận đáy lòng mình tôi tri ân và kính phục họ: những người mẹ, người vợ, người yêu của chúng ta !
Sài gòn,tháng tư 2013.
Tiếm G26

No comments:

Post a Comment