My Blog List

Friday, December 27, 2013

Ukraina : Ai đã chặt đầu tượng Lênin

Ukraina : Ai đã chặt đầu tượng Lênin ?

Trọng Thành

 

Người biểu tình Ukraina thân Châu Âu lật nhào tượng Lênin, tại Kiev, 08/12/2013

Người biểu tình Ukraina thân Châu Âu lật nhào 
tượng Lênin, tại Kiev, 08/12/2013 
REUTERS/Gleb Garanich

Về những diễn biến căng thẳng tại Ukraina, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đang giằng xé giữa Nga và Châu Âu, báo Le Monde có một phóng sự đáng chú ý : « Ukraina : Ai đã chặt đầu tượng Lênin ? ».Cuộc điều tra của Le Monde rút cục không cho phép xác định được bất cứ dấu vết nào của thủ phạm vụ cắt đầu bức tượng. Nhưng qua những gặp gỡ với các lãnh đạo chính trị và dân chúng địa phương, phóng sự đã cho thấy một thái độ thờ ơ phổ biến đối với Lênin - nhân vật một thời rất được sùng bái. Biến cố diễn ra hết sức lặng lẽ tại Kotovsk, một thành phố nhỏ thuộc khu vực nói tiếng Nga của Ukraina, tưởng như không có gì đặc sắc đã được Le Monde khai thác để đưa độc giả trực diện với những mâu thuẫn xã hội sâu sắc tại một khu vực tưởng như hoàn toàn nằm trong quỹ đạo của nước Nga.

Một buổi sáng đầu tháng 12, tin về bức tượng Lênin, nằm tại công viên « Công nhân viên ngành đường sắt » ở Kotovsk, bị cắt đôi được thông báo. Ngày hôm trước, một bức tượng Lênin tương tự tại Kiev cũng chịu cùng số phận. Nếu như đảng Svopoda – một đảng dân tộc chủ nghĩa triệt để - đứng ra nhận tránh nhiệm trong vụ cắt tượng Lênin tại thủ đô Kiev, thì không khí im lặng bao trùm lên vụ cắt tượng thứ hai tại thành phố nhỏ vẫn được coi là trung thành với nước Nga.

Kể từ sau vụ bức tượng Lênin đầu tiên bị lật nhào vào năm 1989, hai năm trước khi Liên Xô tan rã và Ukraina tuyên bố độc lập, gần như tất cả tượng Lênin tại miền tây Ukraina đã bị xóa sổ. Nhưng tại miền nam Ukraina nói tiếng Nga, còn rất nhiều tượng của lãnh tụ cộng sản này. Riêng tại Kotovsk, có đến ba bức tượng, hoặc nói chính xác « hai bức tượng rưỡi », sau khi bức tượng kể trên bị cắt làm đôi, theo nhận xét của Le Monde.

Phần trên của bức tượng bị cắt được tìm thấy không xa nơi đặt tượng. Các mẩu sắt lòi ra khỏi đầu bức tượng, do rơi từ trên cao xuống, « cánh tay phải của lãnh tụ trước đây chỉ về hướng tương lai sáng lạn, thì nay chỉ về phía một nhà kho đường sắt chìm trong sương mù, cách đấy khoảng chừng trăm mét ». Phần còn lại của bức tượng« của nhà cách mạng cộng sản » có lẽ đã có thể trở thành một « tác phẩm nghệ thuật mang tính cách mạng », như nhận xét của đặc phái viên Le Monde. Khi được hỏi về sự kiện tượng Lênin bị cắt đôi, thị trưởng thành phố Kotovsk – nguyên là một đảng viên cộng sản và hiện là thành viên đảng cầm quyền « Các vùng» thân Nga – bình luận : « Quý vị hãy nói ít về Lênin thôi ! Hãy nhấn mạnh rằng thành phố của chúng tôi đang mở rộng cửa cho các đầu tư nước ngoài ! ».

Kotovsk cách Kiev khoảng 400 km, nhưng cuộc hành trình tới thủ đô của những người thuộc phe đối lập ở Kostovsk là hết sức gian truân. Cách nay 2 tuần, một nhóm khoảng 30 người của đảng đối lập Batkivchtchina (đảng « Tổ quốc » của cựu Thủ tướng Timochenko) định khởi hành đi Kiev để tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ, nhưng rút cục đoàn không lên đường được vì bị ngăn cản. Lãnh đạo địa phương của đảng đối lập Batkivchtchina tỏ ý hài lòng về vụ tấn công nhắm vào bức tượng Lênin. Hơn nữa ông còn muốn hạ bệ cả các pho tượng Kotovsk, tức Grigori Kotovsk - một tư lệnh Hồng quân thời nội chiến Nga đầu những năm 1920, mà hiện nay thành phố này mang tên (Grigori Kotovsk được biết đến như một người có quá khứ tội phạm tại Moldavia).

Cuộc truy tìm dấu vết thủ phạm cắt đôi bức tượng Lênin đưa phóng viên Le Monde tới gặp những con người, có những thái độ hết sức khác biệt về lịch sử Ukraina và xã hội Ukraina hiện tại. Một đảng viên cộng sản kỳ cựu, một cụ bà 87 tuổi, với những năm tháng hạnh phúc thời xô viết, chỉ duy nhất cảm thấy bất hạnh khi bị những người dân tộc chủ nghĩa miền Tây mắng chửi là « kẻ chiếm đóng » và cho rằng thủ phạm cắt tượng Lênin là đảng dân tộc chủ nghĩa Svoboda… Tuy nhiên, rất khó tìm được những người thuộc đảng Svoboda ở Kotovsk có một thái độ rõ ràng về chuyện này, ngoại trừ một nhà văn ở độ tuổi tứ tuần. Le Monde tìm gặp được nhà văn nói trên gần một bức tượng đài nhỏ bé và nằm xa trung tâm, được dựng lên cách đây khoảng 2, 3 năm để tưởng niệm các nạn nhân của nạn đói lớn do chính quyền Liên Xô gây ra trong những năm 1930, bức tượng đài mà thị trưởng thành phố không hề muốn đóng góp dù chỉ một xu nhỏ… Trong khi đó, nhiều thanh niên thành phố Kotovsk thì không hề muốn nói đến chính trị, và an phận với cuộc sống nhỏ bé hiện tại…

Tranh luận về công và tội của Mao Trạch Đông căng thẳng chưa từng có

Cũng về một lãnh tụ cộng sản khác, Mao Trạch Đông của đất nước Trung Hoa, Le Monde có bài « Tránh sùng bái, Bắc Kinh thận trọng với di sản chính trị của Mao ».

Năm nay là dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh Mao Trạch Đông. Người được coi là là thủ phạm gây ra cuộc Cách mạng Văn hóa hết sức đẫm máu, khiến hàng triệu người thiệt mạng, qua đời năm 1976, cho đến nay vẫn chưa bao giờ bị hạ bệ tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, có thể thấy những thái độ hết sức tương phản về Mao. Một bên là những người bảo vệ hình tượng Mao Trạch Đông nhân danh chủ nghĩa yêu nước, và bên kia khẳng định ông ta là gốc rễ của hết thảy những gì tồi tệ trong xã hội Trung Quốc đương đại. Sau khi lên cầm quyền, ban lãnh đạo Tập Cận Bình dường như đang cố gắng duy trì một đường lối cân bằng hai thái cực. Tuy nhiên, theo nhà sử học Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), « những tranh luận về công và tội của Mao Trạch Đông hiện nay đang quyết liệt chưa từng có ».

Kể từ khi Bạc Hy Lai bị hạ bệ, phe Mao mới cảm thấy bị gạt ra bên lề. Nhật báo Global Times - gần gũi với phe dân tộc chủ nghĩa và chủ trương bảo vệ các di sản của Mao - đưa ra những số liệu cho thấy 80% người trả lời thăm dò dư luận cho rằng Mao có công nhiều hơn có tội. Trong khi đó, những người lên án Mao đưa ra con số từ 30 đến 45 triệu người Trung Quốc chết do nạn đói, sau khi Mao tiến hành chiến dịch Đại nhảy vọt.

Ông Bào Đồng, nguyên cánh tay phải của cựu lãnh đạo theo phái cải cách Tổng bí thư Triệu Tử Dương, nhận định việc đảng Cộng sản tiếp tục tưởng niệm Mao Trạch Đông chính là một cách để bảo vệ chế độ độc đảng tại Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thái độ nước đôi đối với di sản Mao. Một mặt, ông tái sử dụng quan điểm « đường lối quần chúng » do Mao lập ra, cũng như cho thực hiện trở lại các buổi « tự phê bình tập thể » trong sinh hoạt của giới cán bộ, như dấu hiệu hòa dịu với phe Mao-ít. Mặt khác, lãnh đạo Trung Quốc chủ trương phục hồi các truyền thống chính trị khác, như tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha mình, ông Tập Trọng Huân/Xi Zhongxun (Phó chủ tịch Trung Quốc, trước khi bị Mao cách chức năm 1962). Một tiểu sử về Trần Độc Tú (Chen Duxin), một lãnh đạo cộng sản có quan điểm xung khắc với Mao cũng vừa được xuất bản…

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lại khiến Bắc Kinh và Seoul tức giận

Về thời sự Châu Á, Le Figaro chú ý đến căng thẳng mới đây do chính phủ Nhật Bản gây ra đối với Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, liên quan đến việc Thủ tướng Abe viếng thăm ngôi đền Yasukuni. Đúng một năm sau khi cầm quyền, và lần đầu tiên kể từ năm 2006, ông Shinzo Abe viếng thăm ngôi đền Yasukuni, nơi có thờ linh vị 14 tướng lĩnh Nhật bị kết án tội phạm chiến tranh.

Theo Le Figaro, mức độ băng giá trong quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh và Seoul đã tăng thêm mấy độ sau sự kiện này. Hoa Kỳ ra thông điệp cảnh báo Nhật Bản gây căng thẳng trong quan hệ với các nước láng giếng, đặc biệt với Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại khu vực. Một số điều tra dư luận cho thấy dân chúng của ba quốc gia Đông Á chưa bao giờ ngờ vực nhau như hiện nay, và những người trả lời thăm dò càng trẻ tuổi hơn, thì mức độ nghi ngờ lại càng nặng nề hơn.

Khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ : Sự kiệt sức của « một mô hình mẫu mực »

Về thời sự quốc tế, khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ, tại vùng biên giới phía đông của Liên Hiệp Châu Âu cũng là chủ đề được báo Pháp quan tâm. Khủng hoảng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ nổ ra ít tháng trước cuộc bầu cử địa phương và bầu cử Tổng thống.

Le Figaro có bài viết « Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm tất cả để bóp nghẹt vụ bê bối ». Thủ tướng Thổ Erdogan vừa buộc phải thay thế 10 thành viên trong chính phủ sau các cáo buộc tham nhũng, dưới áp lực của dân chúng đòi ông phải từ chức. Le Figaro nhận định người đứng đầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa bị lên án đã bóp nghẹt ngành tư pháp nước này, sau khi ông Erdogan cách chức gần 400 nhân viên cảnh sát, những người tham gia điều tra về các vụ tham nhũng trong chính quyền.

Về tình hình chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, Le Monde có bài « Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ đang kiệt sức » đưa ra các lý giải về những nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này. « Mô hình Thổ Nhĩ Kỳ », quốc gia thân cận với Hoa Kỳ, đã từng là một mẫu mực của mối quan hệ giữa nền dân chủ và kinh tế tư bản tại một quốc gia Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ, đối cực với Iran và Ả Rập Xê Út, là một ví dụ xuất sắc về những thành công của nỗ lực hiện đại hóa trong thế giới Ả Rập-Hồi giáo.

Le Monde nhắc lại rằng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ, một trong các trụ cột của sự phối hợp thành công giữa nền dân chủ và kinh tế tư bản, mới đây trở nên xấu đi, đặc biệt liên quan đến thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc khủng hoảng Syria và Ai Cập. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đương nhiệm ủng hộ các lực lượng Hồi giáo cực đoan, như phe Huynh đề Hồi giáo tại Ai Cập hay các nhóm Hồi giáo vũ trang cực đoan nhất trong lực lượng nổi dậy Syria.

Đảo ngược thất nghiệp cuối năm 2013 : Vụ đánh cược mạo hiểm của Tổng thống Pháp

Thời sự trong nước với vấn đề việc làm-thất nghiệp là chủ đề chính trên trang nhất của các báo Pháp hôm nay. Tổng thống Pháp cam kết đồ thị thất nghiệp sẽ đảo ngược vào trước cuối năm nay 2013. Tuy nhiên, sau khi số người tìm việc làm được ghi nhận là có giảm nhẹ vào tháng 10, con số thất nghiệp vào tháng 11 lại tăng lên. Tờ báo kinh tế Les Echos có bài trên trang nhất «Lời hứa của Tổng thống Hollande tiêu tan ». Tuy nhiên, Les Echos cũng nhân nhượng với nhận định, trên thực tế, những người ủng hộ Tổng thống Pháp có lý khi nhìn thấy mức tăng thất nghiệp có giảm dần trong các quý gần đây. Chỉ trích Tổng thống Pháp trong vấn đề việc làm là quan điểm của Le Figaro, với hàng tựa trên trang nhất : « Thất nghiệp : Hollande hoàn toàn tự phủ nhận mình », với nhận định rằng lời bảo đảm việc làm trở lại ngày hôm qua của Tổng thống Pháp là hoàn toàn ngược lại với thực tế. Đây cũng là nhận định của La Croix trên trang nhất với hàng tít : « Thất nghiệp không lùi bước ».

Còn Libération thì cho rằng năm 2013 chưa kết thúc : « Phải đợi đến 27/01/2014 tới, sau khi có con số chính thức về tình trạng thất nghiệp của tháng 12, thì chúng ta mới có thể kết luận chính phủ có đảo ngược được xu thế thất nghiệp trong năm 2013 hay không ».

Cũng liên quan đến việc làm-lương bổng, tờ l'Humanité nhấn mạnh đến thực tế giới chủ của các tập đoàn kinh tế lớn được trả lương cao khi về hưu với hồ sơ trên trang nhất mang tựa đề «Những khoản về hưu bằng vàng của nhóm CAC 40 ». Tờ báo nhấn mạnh, bất chấp khủng hoảng, thu nhập của các lãnh đạo CAC 40 tiếp tục tăng lên../.

No comments:

Post a Comment