Bẻ gãy chiến thuật Hoa Nở Trong Lòng Địch
(Anh Sông Hồng tôi Cửu Long gặp gỡ.
Không hận thù mà chém giết hăng say.
Căn cứ nơi chứng kiến đắng cay,
con của mẹ gục đầu trên tuyến lửa. Thơ của Mũ Đỏ: Lê Mạnh Đường)
Bài của TrantuanngocK28
Trong bữa tiệc khoản đãi bằng hữu tại nhà vợ chồng Hai Sang K28, SanJosé, tháng 9 năm 2004. Một trong những người khách được mời đến có cựu nhảy dù Lê Mạnh Đường. Trong lúc chén chú chén anh, ông kể lại chiến trường xưa, với giọng vẫn còn sang sảng và đầy hùng khí. Ông làm nhiều người khoá 28 , 29 và 31 cựu sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Đà Lạt được nghe kể chuyện, bỗng nhiên thấy trong huyết quản của mình vẫn còn sôi sục máu lửa chiến trường.
Giả dụ rằng Sư đoàn Dù thiếu những cây búa như ông, thì Sư đoàn Dù đã không có những trận đánh sấm sét để đời và nổi danh là một trong những binh chủng tinh nhuệ bậc nhất đã giữ vững được miền Nam Tự Do cả 25 năm.
Đối phương cũng thế, họ là những người chiến đấu rất dũng cảm, chiến đấu điên cuồng, họ chiến đấu không có đến một ngày chủ nhật. Đối với thanh niên miền Bắc bấy giờ lý tưởng là vào Nam chiến đấu đánh đuổi Ngoại xâm, dành Độc lập cho Đất Nước là một lý tưởng cao cả. Trong khi lý tưởng trong miền Nam là Bảo vệ Tự do, Bảo vệ Miền Nam làm Tiền đồn Chống lại Chủ nghĩa Độc tài Tàn ác Cộng Sản. Cả hai bên cũng chiến đấu để bảo vệ lý tưởng của mình.
Thực vậy, cả hai miền đều có những người sinh ra để dành cho chiến trận và phải nói là nếu dòng máu dân tộc ta thiếu đi những chiến binh gan dạ, thiếu đi những cấp chỉ huy mưu trí dám xông pha nơi làn tên mũi đạn như thế, thì đất nước ta đã lọt vào tay người Tàu lâu lắm rồi.
Hôm nay người viết xin được thuật lại lời kể những chiến thuật của hai bên. Mong sao trong đời này, trong những ngày rất gần, đất nước mình có những nhà lãnh đạo sáng suốt quyết tâm xây dựng lại đất nước, biết dụng tài nguyên con người. Một tài nguyên hữu hạn mà không còn đặt nặng Hồng hơn Chuyên. Chỉ có cách đó, thì dân tộc ta mới chuẩn bị được cho một cuộc chiến tranh khác. Một cuộc chiến tranh gìn giữ bờ cõi với giặc phương Bắc mà từ bao lâu trong lịch sử nước Việt ông cha ta đã bỏ biết bao nhiêu xương máu để bảo vệ.
"...Hôm đó, trong một trận hành quân trực thăng vận. Một đại đội Dù đổ xuống địa điểm ấn định sẵn trong kế hoạch hành quân, đã bị lọt ổ phục kích. Liên tiếp hai chiếc trực thăng trúng đạn. Đại đội trưởng bị viên đạn xuyên qua cổ, hai chân chưa chạm đất, đã chết ngay tức khắc. Đạn pháo địch lại dồn dập từ xa đến. "Tản quân, tản quân tránh pháo". Cả Đại đội Dù gần như tan tác từng mảnh. Tôi, Tiểu đoàn phó, được lịnh nhảy xuống để chỉ huy tập hợp lại đại đội.
Khi mở bản đồ hành quân, điều nghiên ngay những điểm trọng yếu. Đang mùa khô, tôi biết nơi đó thiếu nước. Các khe nước, nguồn nước uống chắc chắn đã bị gài bẫy và phục kích. Tôi ra lịnh Đại đội chỉ huy, mỗi người đổ đầy bình tông nước của mình và mang lại ngay. Khi tôi nhảy xuống, việc đầu tiên của tôi là đổi cho họ bình tông nước. Quả nhiên như thế, ai cũng khát nước gần chết. Khi có nước uống, và bắt tay nhau được rồi thì mọi chuyện khác gần như giải quyết xong. Đó là yếu tố đánh giặc đầu tiên, mình phải biết mình trước. Tôi quan niệm rằng, để thành công nơi chiến trường, người chỉ huy phải biết và hiểu lính như chính bản thân họ.
Đoán biết chốt đã đặt gần nơi suối, tôi đã không bị vướng, mà bắt đầu đi vòng đằng sau để gỡ chốt. Nơi nào địch phục kích thì nơi đó địch bị mình phản phục kích. Yểm trợ tối đa, pháo nhỏ xuống chính xác từng ô vuông. Lính vững tiến đánh từng bước. Trận đó, có thể phí phạm đạn nhưng không thể phí phạm lính và tôi đã đưa họ về hậu cứ bình an.
Đây là một kinh nghiệm chiến đấu, đó là lòng tin cậy vào cấp chỉ huy. Một khi bạn xuống chỉ huy đơn vị, lính thấy có ngay đường sống, thì họ sẽ lên tinh thần và sát cánh chiến đấu với bạn ngay. Trong mọi chiến thuật, rút lui là một chiến thuật đòi hỏi nhiều trí trá hơn cả và không trường hợp nào giống trường hợp nào. Riêng trường hợp này địch tưởng mình đánh tới, nên từ thế công họ chuyển về thế thủ mà không biết mình chỉ muốn rút lui an toàn.
Đã được niềm tin cậy của lính, đó là nguyên tắc chính của tôi, sau đó hãy chung vai chiến đấu với họ và đừng bao giờ bỏ rơi họ. Chỉ duy nhất một lần ở mặt trận Hạ Lào.
Khi bị địch bao vây chúng tôi đã phải rút chạy, bên kia có số lượng quân truy kích quá lớn. Bên chúng tôi đã bị thiệt hại nặng, chúng tôi có một số thương binh và cáng họ theo vì thế đã làm chậm đoàn quân rất nhiều.
Nhóm thương binh, trong số đó có một người Hạ sĩ. Anh ta đã lên tiếng "Thôi đừng cáng nữa" và xin chúng tôi ngó lại dùm, anh ta nói: "Chúng em không muốn mang thứ hình hài này trở về nhà với gia đình, với vợ con nữa. Hãy để họ, còn mang một hình ảnh đẹp về chúng em. Hãy để cho chúng em làm nút chận họ cho anh em kịp rút." Tôi chưa kịp trả lời, thì anh đã quay sang những người bị thương và hỏi xem mọi người có đồng ý không. Rồi cả nhóm ngưòi bị thương hôm đó đã cùng gật đầu với anh. Anh còn dục dã "Thôi đích thân hãy đi đi, nhanh lên và nhớ nhắn lời tụi em gởi thăm vợ con. Nói với vợ em ráng nuôi con nên người."
Khi vừa rời khỏi ngọn đồi, thì tôi đã nghe tiếng xung phong ròn rã "Hàng sống chống chết. Hàng sống chống chết." . Thế rồi tiếng mìn Claymore bùng lên và tiếng đạn nhả ra như mưa. Hôm đó, nếu không có những người chiến sĩ can trường ở lại áp dụng chiến thuật Trì Hoãn Chiến, thì chúng tôi còn thiệt hại nhiều nữa.
Qua được ải tử thần, tôi bỗng rưng rưng rơi nước mắt nhìn lại đỉnh đồi, và chỉ muốn dốc toàn lực quay ngược lại để sung sướng, nằm chia xẻ bên cạnh với những người lính, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng kia. Tôi chùng lòng đắn đo nhìn toán lính còn lại, mà đành phải dẫn dắt nhau hướng lại về phần đất của mình.
Về lại đơn vị, tôi viết cho cô bạn gái, sau là vợ tôi một lá thơ:
Đơn vị anh lại ghi thêm chiến tích,
vì xoá tên bao con cháu giặc Hồ.
Bé biết không? bao nhiêu chiếc khăn xô.
Vào đơn vị để lãnh tiền lần chót.
Không kể ra thì các anh không biết được tâm trạng của tôi vào những hôm sau đó.
Tôi khóc trong lòng khi tới trại gia binh, nơi mà gia đình của những người lính can trường vừa mới hy sinh để cho bạn bè sống. Nhìn hoàn cảnh vợ con họ, làm tôi phải chao đảo:
Dưới sân cờ: những chàng trai anh dũng,
Gắn huy chương, lên cấp bậc vẻ vang.
Trại gia binh, thiếu phụ quấn khăn tang,
Dìu bày trẻ ngỡ ngàng xa đơn vị.
Các thiếu phụ xuân xanh vừa hơn 20 tuổi. Họ yêu chồng yêu cả nghiệp lính, chưa hề phải bươn chải kiếm sống, nay một nách hai ba đứa con, phải rời căn nhà trong trại gia binh, để dành nơi đó lại cho những người lính mới.
Họ về đâu, số phận ngày xưa họ như thế. Số phận ngày nay họ như thế nào?
12 tháng lương quá ít ỏi, làm sao mà nuôi con khôn lớn cả đời? Bao nhiêu gia đình đã hy sinh thầm lặng như thế trong cuộc chiến bên này và bên kia vĩ tuyến 17?
Miền Bắc chắc chắn phải khổ sở hơn. Hoàn cảnh của những người anh em chiến binh miền Bắc không nói không kể cũng biết là thê thảm hơn nhiều. Bao nhiêu tai ương, từ muỗi mòng, bịnh sốt rét đến bom đạn, làm sao mà cấp chỉ huy lại dám bỏ đi hai người lính để mang một người thương tích trở về lại gia đình họ được. Chốn rừng già, làm sao kể lại cho hết bao nhiêu trai tráng Việt Nam đã bỏ lại một mình với cái chết chậm rãi, gậm nhấm chỉ vì một vết thương tầm thường.
Ngay cả trong miền Nam, bấy giờ không có một chính sách nào để giúp đỡ cho những gia đình này. Những gia đình của những người chiến sĩ mà cách đây không lâu, đã nắm lấy tay tôi mà nói: "Thôi đích thân hãy đi đi, nhanh lên và nhớ cho tụi em gởi lời thăm vợ con."
Cuộc chiến tranh giữa anh em hai miền, quá tàn khốc và đầy lòng thù hận.
Thư cho bé khi chiến trường chấm dứt.
Anh thẫn thờ, nhìn xác địch lẫn ta.
Khác quân phục, nhưng lại giống màu da.
Còn vũ khí, được ghi nhiều quốc tịch.
Có một thời gian người Cộng Sản đã áp dụng chiến thuật "Hoa Nở Trong Lòng Địch". Đây là lối đánh đặc biệt của đặc công, để tấn công vào những vị trí đóng quân cố định như đồn bóp hay những vị trí đóng quân tạm thời của những đơn vị mang bản chất di động.
Quân Cộng Sản đã tuyển chọn những đặc công cảm tử rất can đảm. Nửa đêm sương lạnh, họ trườn từng tấc đất để đột nhập vào chính giữa nơi đóng quân của Quân Đội Cộng Hoà. Thế rồi, từ chính giữa bộ chỉ huy, những chiến sĩ đặc công đánh bung ra ngoài. Thông thường, tấn công vào ban đêm để tạo yếu tố bất ngờ.
Nếu có pháo làm tê liệt mục tiêu thì quân tấn công sử dụng tác xạ pháo tối đa vào một góc, xé mở một lỗ hổng của hàng rào phòng thủ, để cho toán đặc công lọt vào vòng đai. Nhiệm vụ chính của toán đặc công là tiêu diệt cấp chỉ huy và phá vỡ hệ thống truyền tin của đối phương, sau đó tấn công từ lưng tuyến phòng thủ để đồng đội tràn ngập mục tiêu nhanh chóng.
Lính phòng thủ ở chiến hào hầu như hoàn toàn đưa súng về một hướng mà không chú ý địch đến từ sau lưng nên đã bị thiệt hại nặng nề.
Bấy giờ theo tôi biết những đơn vị khác, ngay cả những đơn vị thiện chiến cũng đã thiệt hại lớn mỗi khi màn đêm buông xuống và hầu như chưa có một đơn vị nào tìm ra được một chiến thuật khả dĩ, để đối phó lại chiến thuật Hoa Nở Trong Lòng Địch.
Tất cả các đơn vị của quân đội Cộng Hoà, chỉ có thói quen đào hầm hố và lô cốt ở chung quanh vị trí vòng đai phòng thủ, và đặt thêm những toán tuần tiễu cho kỹ lưỡng mà thôi.
Riêng tôi, khi về bổ xung quân số và huấn luyện. Tôi đã tập cho lính của tôi đếm số thứ tự từ một cho đến hết quân số. Hầm chỉ huy, tôi cho đào hầm làm thành chữ L. Treo võng trong hầm với điện đài để chỉ huy. Lối vào hầm chỉ huy, đã có hai hầm của một tiểu đội yểm trợ. Tôi ra lịnh, nếu nửa đêm có tiếng nổ, thì đó là hiệu lịnh khai hoả. Người nào số chẵn cứ chỉa súng quay ra ngoài, còn số lẻ chỉa súng vào trong trung tâm đóng quân mà quạt. Hễ thấy bóng chạy, đó chính là địch quân. Nhắm mục tiêu đó nổ ngay. Riêng những khẩu phóng lựu, hoặc M79, đại bác thì không đổi hướng, vẫn phải đề phòng địch xông lên đánh cận chiến.
Nửa đêm, khi đặc công đã lọt vào rồi, thì họ bắt đầu ném lựu đạn hoặc nổ phát súng khai hoả vào một trong hai hầm chận ngoài cửa. Thế là tự họ đã nổ phát súng khai tử cho chính họ.
Lần nào cũng thế, hễ đặc công của chiến thuật Hoa Nở Trong Lòng Địch lọt vào đơn vị tôi đóng quân, thì phải bỏ xác. Xác của những người cảm tử này bị bắn nát bấy, vì mỗi người lãnh cả một hai trăm viên đạn chứ đâu phải một hai viên. Thời đó lính của tôi đặt tên chiến thuật này là: "Sung rụng giữa lòng địch" có đứa cãi nói "Hoa nở giữa lồng ngực" mới đúng.
Nói về xung phong, thì làm cách nào để duy trì hoả lực và giữ vững được đội hình từ khi binh sĩ được nhận lịnh xung phong cho đến khi tràn ngập mục tiêu.
Đây là một khuyết điểm: Lính chúng ta dùng súng M16, có cò bấm quá nhạy, tốc độ bắn nhanh quá, khi xiết cò thì cả băng đạn đã đi ra khỏi nòng. Khi đạn hết, thì phải thay băng khác. Thế là thành người sau, kẻ trước. Kẻ đi sau, đâu còn dám bắn nữa. Thành ra giảm tiềm lực hoả lực xung phong rất nhiều. Trong khi súng AK47 cần ít bảo trì hơn, có tốc độ chậm hơn, đạn có tiếng nổ dòn dã hơn và có thể bắn từng viên dễ dàng nên không hao phí đạn trong đợt xung phong.
Để tránh đội hình hàng ngang bị so le vì đạn bắn hết quá nhanh, lính của đơn vị tôi tự sáng chế ra kiểu cột hai băng ngược đầu bằng những sợi dây thun. Sau đó, thêm hai băng nữa trên túi áo ngực, để sẵn sàng có 4 băng nhanh chóng nạp vào súng. Có anh lính còn ngậm trên miệng sẵn một băng nữa.
Trong chiến trận nhiều lúc phải nhờ vào may mắn hy hữu. Chúng tôi một lần thoát chết, nhờ sự may mắn này. Thông thường địch muốn tránh phi tuần và phi pháo, tiến thật cận rồi mới nổ súng. Khi nổ súng rồi thì ào ạt tiến vào chiến thuật này, địch quân thường gọi là "Bám sát thắt lưng địch để đánh".
Hôm đó, trên ngọn đồi, chúng tôi đã bắn hết đạn mà địch quân vẫn tràn lên từng đợt này sang đợt khác, y hệt như cỗ người máy. Kiểm lại đạn dược, người còn nhiều nhất là hai băng đạn, còn hầu hết là một băng. Đạn hết sạch, không còn kịp để tiếp tế.
Thấy tới đây thế là hết. Trong cái chết đang đến cận đường tơ, thôi thế chúng mình cùng chết, nhưng sao chết cho oai hùng, tôi nói lính tôi cùng hát to bài hát lính nhảy dù. Thế là họ cùng hát vang bài: "Ta .. chiến binh Sư Đoàn Nhảy Dù.."
Thật là kỳ lạ, khi nghe tiếng hát hùng dũng vang lên từ ngọn đồi. Các cán binh Cộng Sản nói lớn "Nhảy dù, lính nhảy dù chứ đâu phải lính .." Thế rồi, họ lui binh nhanh chóng và vì vậy chúng tôi còn sống trong trận đó.
Có những người chỉ huy trong đội quân Cộng Sản rất giỏi, tôi biết nhiều người, nhưng phải kể đến có ông Đại Tá Giáp Văn Khương, chiến thuật được gọi là "Nhất Mãn Tứ Khoái" còn gọi là 1 chậm 4 nhanh :
Một chậm bao gồm Điều nghiên, Huấn luyện, Tổ chức trận đánh
Bốn nhanh là Tập trung đơn vị nhanh, Tấn kích nhanh, Thanh toán chiến trường nhanh, và Phân tán nhanh.
Hễ để Giáp Văn Khương đánh căn cứ hoặc đồn bóp nào thì chắc chắn sẽ lấy được nơi đó. Để điều nghiên một căn cứ nào để quyết định đánh, ông căn cứ vào 6 điểm sau đây: Điều nghiên địa thế, Điều nghiên hỏa lực cận phòng, Điều nghiên doanh trại, Điều nghiên quân số trong đồn, Điều nghiên cấp chỉ huy và Điều nghiên thói quen.
- Điều nghiên địa thế: Điều nghiên hệ thống phòng thủ, thí dụ mìn, bẫy, hàng rào dây kẽm gai, hầm hố, giao thông hào, lô cốt và các lỗ châu mai như thế nào.
- Điều nghiên hoả lực cận phòng: Bao nhiêu súng đại liên, Súng cối, mìn chiếu sáng, mìn Claymore bao gồm luôn cả khả năng pháo binh, thiết giáp trong vùng, khả năng tăng viện.
- Điều nghiên doanh trại: Trại gia binh, kho xăng, kho đạn, hệ thống chỉ huy và truyền tin.
- Điều nghiên quân số trong đồn: Thời điểm sắp lãnh lương là thời điểm đông quân số nhất. Thời điểm cuối tuần sau khi lãnh lương là lúc ít nhất. Biết số lượng quân, tất nhiên biết được hệ thống canh phòng. Quân số còn cho biết được một dữ kiện nữa là mức độ yểm trợ và tiếp viện giải vây. Biết lượng quân phòng thủ, còn tính toán được số lượng quân cần thiết để công đồn.
- Điều nghiên cấp chỉ huy: Biết tính tình, sở thích cấp chỉ huy của một căn cứ, thì biết được khả năng điều động, khả năng giải quyết cấp thời. Nếu ông ta là người giỏi, thì đợi ông ta vắng mặt trong căn cứ đó. Nếu ông ta là người dở, thích nhậu nhẹt thì khoan đánh căn cứ đó làm gì. Hãy để dành, tránh bị đổi chủ. Nếu điều nghiên đã xong, phải đánh, đúng lúc địch đổi cấp chỉ huy, thì đó lại là lúc phải dứt điểm ngay.
- Điều nghiên thói quen: Biết thói quen địch quân, như lãnh lương xong thì cấp trên đi phép, cấp dưới về nhà thăm vợ con, lính tráng nhậu nhẹt. Phòng thủ những lúc đó tất nhiên phải yếu. Thí dụ mỗi đêm có hai tiểu đội cho ra khỏi đồn để tuần tiễu, phục kích. Quân số trong đồn 70 người sẽ chỉ còn có 46 người (70-24=46). Ngày lãnh lương sẽ có ít nhất 4 đến 5 binh sĩ xin đi phép, mua nhu yếu phẩm và một số sĩ quan vắng mặt bất hợp pháp. Quân số trong đồn chỉ còn lại chừng 30 người (46-10=30). Đó là chưa kể một số quân nhân độc thân xoay quanh bàn nhậu nhẹt làm niềm vui hay mượn rượu giải sầu. Từ đó sẽ đánh giá khá chính xác được tuyến phòng thủ nào yếu nhất.
Điều nghiên xong, thiết lập sa bàn trong mật khu để huấn luyện nhiệm vụ từng người sang từng tổ như những diễn viên trong một vở tuồng. Mỗi đặc công sẽ phối hợp nhịp nhàng ăn khớp với đồng đội. Họ phải thuộc lòng luôn cả địa hình, địa vật để khi xung trận không cần suy nghĩ mà chỉ làm theo phản xạ.
Giải quyết xong những điểm trên, rồi theo bài bản mà làm: Đang phân tán mỏng tránh pháo thì phải Tập trung thật nhanh vào địa điểm ấn định vào đúng ngày giờ ấn định. Tấn kích cấp thời vào mục tiêu, Thanh toán chiến trường chớp nhoáng rồi phân tán mỏng nhanh chóng để tránh phi tuần và phản pháo.
Trong lúc đơn vị chính tấn kích, các đơn vị bạn khác tung ra những toán phá rối để tạo thế dương đông kích tây, tung ra nhiều diện để thanh toán điểm căn cứ.
Tâm lý cho thấy, một khi căn cứ của mình có nguy cơ bị đánh, thì ai cũng lo phòng thủ, không có ai lại gánh thêm những gánh nặng của những căn cứ bên cạnh của mình. Chỉ cần vài quả bích kích pháo vào đồn, hoặc dồn đồng bào chạy, thì đủ làm hoang mang các căn cứ. Rồi cứ thế mà chiếm lấy vị trí nào bị bị cô lập nhất. Từ từ như tằm ăn dâu. Chi khu mất, tất yếu quận lỵ cũng sẽ bị mất quyền kiểm soát.
Lấy được xong, bỏ căn cứ thì phải nghĩ đến bị truy kích, phi tuần. Chiến thuật Công Đồn Đả Viện luôn luôn phải nghĩ đến trước khi trận đánh, cứ như chơi cờ tướng: Hễ cho mã sang sông thì phải tiến chốt. Không tiến chốt thì chưa sạch nước cản. Nhưng nếu phải giữ căn cứ, bảo toàn được bao lâu để mục đích chuyển quân được hoàn tất, thì đó lại sang một vấn đề khác.
Còn một chiến thuật mà cả hai bên đều thường xuyên dùng trong trận đánh là Tiền Pháo Hậu Xung. Pháo binh dập liên tục, cho đến khi đạn pháo giảm lại và chuyển hướng thì lúc đó là lúc tấn công vào mục tiêu. Quân phòng thủ hai bên cũng đều biết điều này. Nhưng tôi đã dùng một cách khác, pháo vẫn không ngưng, mà quân tấn công vẫn vào được mục tiêu. Khi lính tôi đi theo đạn pháo mà vào mục tiêu, đứng trên đầu được hầm đối phương thì chính Trung đoàn phó của Trung đoàn pháo Cộng Sản, phải ngạc nhiên mà thốt ra rằng "Làm cách nào mà mấy ông, có thể làm được việc này?". Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa pháo binh và toán quân xung phong, chúng ta sẽ nói chuyện kỹ lưỡng trong kỳ sau.
Còn nhiều chiến thuật chuyển và dấu quân. Hy vọng có dịp chúng ta sẽ nói chuyện nhiều. Ôn cố tri tân. Cuộc chiến tranh bây giờ nặng phần kỹ thuật hơn nhưng cuộc chiến tranh nào cũng thế, mưu trí luôn luôn nắm phần kỹ thuật then chốt, để tạo thành những chiến thắng nhỏ, rồi mới đưa đến một cuộc thắng toàn diện được."
Buổi tiệc tại nhà Nguyễn Thành Sang K28 chiều hôm đó, quy tụ được nhiều bạn bè khoá 28 tại hải ngoại nhiều nhất đến giờ. Họ cùng hẹn đến năm sau sẽ gặp gỡ nhau lần nữa, sẽ lớn hơn. Cái ơn tri ngộ của tình bạn bè mà nghĩ cho cùng không thể nào nói ra hết được. Bao nhiêu bạn bè cùng khoá 28 dự tiệc buổi chiều hôm đó, đều góp lời cám ơn gởi đến vợ chồng Sang.
TrantuanngocK28
Australia, đầu mùa xuân 2004
botaitang
No comments:
Post a Comment