THANH LỌC CUỘC ĐỜI
NGỌC-HUỆ-CHƠN
Thực tế mà nhận định mọi sự việc trên đời này là: khi muốn có nước trong sạch để dùng thì ta đem nước lọc cho sạch đồ dơ cặn cáo, nhờ đó nước ấy mới dùng được.
Nhìn vào thực-chất của cuộc sống còn, chúng ta trải qua đoạn đường hoặc dài hay vắn, từ buổi sơ sanh cho đến hơi thở cuối cùng, chúng ta đã lăn lóc trong cuộc đời gió bụi, hưởng thụ nhiều mà đau khổ cũng không ít.
Chúng ta, "mượn áo đời để trả nợ trái oan, thì thử hỏi có chi bền vững mà màng"
nghĩ ra thì: "Giấc mộng đời nồi kê chưa chín"
còn nếu tính tuổi đời thì:" Ta hưởng thụ được bao nhiêu?"
rồi ta mãn: " Lo mơi rồi lại lo chiều"
chỉ có cái: "sống, ăn, mặc, ở, trăm chiều khổ tâm"
Mọi người chúng ta đều đi "tìm lẽ sống", nghĩa là ta đem cái suy-tư của khối óc để tìm hiểu mọi cơ-năng diễn-biến của vạn-hữu:
Mặt trời đang lên sáng sủa ở phương Đông, nhưng bổng chốc từ đâu kéo đến lùm mây đen kịt che khuất cả ánh sáng của mặt trời ban mai, cũng như vừng trăng kia khi tròn lúc khuyết, nước dưới sông khi lớn lúc ròng. Vậy thì việc đời thế sự, chúng ta làm sao tránh được sự thăng trầm bĩ-thới!
Những sự kiện ấy, không lấy gì làm quan trọng cho lắm, mà quan trọng lớn nhứt là sự phán đoán của mỗi người trên mọi sự việc, cũng như nước, dù ở trên hình thức nào, nước cũng bị gò bó trong cái hình-thức chứa đựng, như vuông tròn, dài vắn, ngay cong...
Đây là chủ đề, xin trình bày sau đây:
I - Phán đoán sự việc:
Người đời thường tưởng rằng: họa phước đều do từ ngoài mà đến với chúng ta. Vì phán đoán như thế mà ta thường hay sợ:
- Nếu quả thật nghèo là cái khổ mà giàu là cái sướng thì những người nghèo như Nhan-Hồi, Socrate, đều là khổ hết sao?
- Còn những bực phú-hữu tứ-phương như Tần-Thủy-Hoàng, Napoléon đều là hạng người sướng nhứt trên đời hay sao?
- Cũng như có người bảo rằng: "Con là nợ, Vợ oan-gia". Tại sao đối với Socrate có bà vợ rất hung dữ mà ông lại cho là cái phước lớn nhứt đối với ông? Bởi vì nhờ bà vợ ông mà ông điêu-luyện được cái tánh nhẫn-nại và thản nhiên đối với sự vật trên đời.
- Nếu như, những cái mà thiên-hạ đồng cho là họa, như: "Bần tiện, bịnh tử, những cái đó có đi lạc vào nhà của các bậc đại-hiền như Trang-Tử hay Epitète thì cũng không làm gì cho bậc ấy nao lòng". Sở dĩ người đời đã gây ra bao nhiêu phiền não cho mình, chẳng ngoài những sự nhỏ mọn không đâu. Nếu ai ai cũng biết thản nhiên đối với sự vật, bình tâm mà suy xét cho kỹ thì sẽ thấy trăm việc đều do mình thì chín mươi chín việc không đáng cho ta bận lòng chút nào cả.
Làm cho con người phiền muộn, không phải là tự ở sự vật, chính là ở cái cách phán đoán về sự vật của con người: Ví như cái chết, nếu cái chết là đáng sợ thì ông Socrate làm sao dám bưng chén thuốc độc mà uống? Nhưng đáng sợ là sự phán đoán rằng cái chết có đáng sợ hay không. Vậy thì, khi ta buồn bực, bối-rối, phiền-não, ta đừng trách ai, chỉ trách ta, nghĩa là trách cái nhận định của ta mà thôi. Ta nên nhớ rằng:"Người làm nhục mình không phải là kẻ chửi mình, đánh mình, mà do tự nơi mình phán đoán cho rằng nó làm nhục mình. Có kẻ nào làm cho mình giận dữ thì phải biết rằng chính sự phán đoán của mình nó làm cho mình giận dữ đó...
Chúng ta suy nghĩ kỹ, sự vật trên đời như mảnh gương trong, nếu mình nhìn vào đó mà cười, thì nó trả cái cười lại cho mình, còn nếu mình khóc thì nó cũng trả cái khóc lại cho mình.
Người đánh ta, ta giận là tại sao? Có phải tại người hay tại ta làm cho ta giận?
Có người sẽ nói: "Vì người ta đánh tôi nên tôi giận. Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, người hèn hạ, ta có còn giận người ấy nữa không? Chắc hẳn là không, nếu ta biết suy xét .
Trái lại, nếu người đánh ta là người tĩnh-táo, đầy đủ trí thức, thì ắt là ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ.
Thế cho nên, cũng thì một sự việc xảy đến cho ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi thì ta lại bực tức nóng giận. Đó là tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng.
Mạnh-Tử có nói rằng: "Ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình bằng một cách ngang ngược, thì nên coi đó như là mình đi trong bụi bậm mà vướng phải gai góc. Vậy thì, chỉ nên thong thả đứng lại lần lượt chẩm rải gở hết gai góc. Gai góc kia có biết gì mà nóng giận? Chỉ có cách xử được như thế thì tâm mình sẽ yên lặng, phiền não sẽ không bận rộn ta và bao nhiêu oán hận cũng tiêu tan. Những sự ngang-ngược phạm đến ta, ta nên coi đó như là chiếc xe lở đâm nhầm ta, như cơn gió dữ tạt vào người ta. Như vậy có gì đáng buồn đáng giận?
Cách đối xử với người vợ hung dử của ông Socrate, ông cũng hành động như thế:
Một khi kia, có người bạn đến rủ ông đi sớm. Bà vợ ông la-lối gầm hét om-sòm. Ông vẫn thản nhiên. Khi ông bước ra đi, bà đứng trên lầu đổ trút thau nước dơ lên đầu ông. Các bạn ông tỏ vẻ bất bình phản đối. Riêng ông thì ông cười và bảo rằng: " Nầy các bạn ơi! Có gì lạ đâu! Hễ trời hết gầm thét vì sấm sét thì tiếp theo là một trận mưa to". Ông thản nhiên trở vô nhà thay áo khác.
Một lần khác, ông mời bạn bè đến dùng cơm tại nhà, không biết có việc gì giận dữ mà bà bưng cả mâm đồ ăn của ông (thường thì ông chỉ ăn rau cải) quăng cả ra ngoài cửa sổ. Ông vẫn tươi cười và bảo với các bạn ông rằng: "Thì có gì, bả muốn cho anh em mình ra ngoài sân ngồi ăn cho mát mẻ hơn". Quá sức tức tối, bà bèn vác chổi ra sân quơ luôn các đồ ăn mà ông đang lượm để sắp vô mâm. Các bạn ông giận đỏ mặt, tính muốn gây sự với bà nhưng ông biết trước đã nắm tay các ông bạn lại và ôn-tồn bảo: "Ví dụ anh em ta đang ngồi ăn, rủi bị một con gà mái nhảy xổ vào làm văng cả bát dỉa, các anh có đi gây sự với nó không?"
Nếu một người nào khác gặp phải những trường hợp nầy chắc chắn là đã mất sự điềm tĩnh rồi vậy.
Thế nên, không phải tại nơi sự vật xảy đến cho ta, nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ, mà chắc chắn là tại sự phán đoán của ta nó làm cho ta vui mừng hay giận dữ mà thôi.
II - ĐỊNH MẠNG LÀ GÌ?
Đứng trước một hoàn cảnh quay cuồng như chong chóng, vì đó mà con người phải bị long đầu choá mắt. Có người cho đó là định mạng mà ta phải nhận lãnh, Nhưng đã là người trí là kẻ biết phán đoán việc đời, vậy cái gì là định mạng? và cái gì là tự do? nghĩa là, cái gì không tùng theo ta và cái gì tùng theo ta?
a/- Những cái không tùng theo ta: Có thể kể như: Sanh, Tử, tai nạn, giàu nghèo, sang hèn... những điều ấy nó đến với ta hoặc nó bỏ ta mà đi, ta không có quyền cản trở nó lại được. Bởi vì những điều người khác ban cho ta đặng thì họ cũng có thể lấy lại đặng. Ngày nay nó ở với ta, ngày mai nó sẽ qua tay người khác. Thế thì ta quan tâm đến nó làm gì? Mà càng quan tâm đến nó thì con người của ta sẽ trở nên nô lệ cho nó. Lúc đó mình đã mất cả cái tự chủ của mình rồi.
b/- Còn những cái tùng theo ta thì sao? Cũng như:
Người ta chửi mình, làm nhục mình, điều đó mình không thể cản đặng. Vì đó mà có thể ta cho là nhục và làm cho ta giận dử, bực tức, nhưng nếu ta kịp suy nghĩ và phán đoán thì ta cho không có gì và lòng ta bình tỉnh thản nhiên. Cái đó mới là cái tùng theo ta.
Ví như cái chết, là một định mạng. Dù ta có tìm cách để trốn tránh nó cũng vô ích. Nó có sợ ta không là cách của ta đón tiếp nó. Trong cái guồng máy ghê gớm của tạo vật, thể thống của con người chỉ còn có bấy nhiêu đó gọi là tự do mà thôi.
Đời sống của con người phải tuân theo cái luật tương-đối "Nhị Nguyên" nghĩa là có "sanh" thì có "tử", có "lợi" tức có "hại", có "nên" tức có "hư".
Nếu ta muốn có lợi mà không có hại, có nên mà không có hư, có sanh mà không có tử là ta sống trong cảnh mê-loạn.
Nhưng con người thường chỉ biết muốn có nên có lợi mà không muốn có hư có hại, vì thế nên đối với sự đời không thể gìn giữ được điềm tỉnh. Vì bởi:
- Đặng thì vui sướng, còn mất thì phải khổ,
- Nên mà vui cười, thì hư hại tất phải buồn rầu.
Tâm trí con người luôn luôn bị mắc trong cái vòng lẫn-thẫn của cái "Sợ".
Chưa chắc là "được" mà đã mừng là họ thật sung sướng. Trong cái sung-sướng ấy đã có cái Khoå rồi. Vì sợ mất nên phải kiên cố giữ gìn. Như vậy, họ tin tưởng đã tìm được cái yên tỉnh cho lòng mình rồi, nhưng nào dè lại phải đau khổ vì mảng lo sợ cho tương lai thì tương lai đã báo cho biết: Không có cái gì trường cửu cả. Cái ý-tưởng đó nó dày-xéo tâm can rồi đâm ra lo nghĩ đủ điều để gìn giử cũng-cố cượng lại cái lẽ sinh diệt lạnh lùng của tạo-hóa. Vì thế cho nên: "Đặng" cũng "Khổ", mà "Mất" cũng "Khổ". Tâm-hồn không lúc nào yên tĩnh. Bởi vì mọi sự vật, cái gì có thể đến với chúng ta, thì nó cũng có thể ra đi một cách dể-dàng. Hôm nay nó ở với mình ngày mai nó qua tay người khác.
Biết được như thế thì bây giờ ta phải làm sao?
Ta phải làm cách nào mà khi đặng ta không mừng mà rủi có mất thì lòng ta cũng không một mãi-mai luyến tiếc. Cái chìa khoá đưa ta đến sự thành công ấy không gì qua là chúng ta cứ yên lặng nhảy vào trung tâm cái bánh xe tạo-hóa. Mặc tình cho nó muốn xoay cách nào tùy nó.
Xưa nay, mỗi việc làm nào tôi cũng mong đem lại kết quả theo sự mong muốn. Nhưng nhiều khi tôi muốn nó nên nhưng nó lại hư, mỗi lần hư là mỗi lần tôi hết sức khổ sở. Về sau, tôi tập làm, còn kết quả nên hư, tốt xấu, tôi không bận tâm đến. Nhờ cái không bận mắc trong cái kết quả của sự làm nên tâm hồn tôi được điềm tĩnh thảnh thơi.
Vì quá bận tâm lo lắng cho được kết quả tốt đẹp, thường vì đó mà bị hư hỏng và cũng vì đó mà có nhiều người chung quanh tôi cho tôi là người quá rắc-rối, khó khăn. Sau thời gian suy-tư, tôi nhận thấy là phải chùi lau cho sạch những cái khen chê, được mất, vinh nhục, đừng để cho một mảy may lo sợ nó bám díu tâm hồn mình. Vì muốn được khen thì sợ bị cheâ, muốn được có thì sợ bị mất, muốn được vinh quang thì lại sợ cái nhục nhaû chực chờ.
Lão-Tử đã nói: "Làm sao khi cuộc sống đài-các nơi lâu đài dinh thự mà vẫn xem thường như lúc cùn khổ ở chốn nhà tranh vách đất. Làm sao khi trong tay có đủ quyền hành sanh sát thiên hạ mà không xem đó là vinh và đến khi cần phải cầm gọng xe để làm thân trâu ngựa cũng không cho đó là một cái nhục. Những người ấy ở đời không còn có cái gì phải sợ nửa."
Sở dĩ con người, tâm hồn trở nên hèn yếu bạc nhược là vì quá ham mê sự sung sướng về vật-chất nên rất sợ sự nghèo khổ. Thật ra, chính phần vật-chất ấy làm chủ ta mà ta không dè. Giá trị của con người không ở nơi sự vật tích trử như: danh-vọng, tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, ruộng đất.
III - LÀM SAO TIẾN LÊN CẢNH ĐẠI-ĐỒNG?
Làm sao ta đưa tâm-hồn bất-úy là tâm-hồn không còn biết sợ sự khen chê của dư luận mà trong Đạo-Học:
- Lão-Tử đã dạy con người hãy xem sự vật ở đời bằng con mắt Đại-Đồng và coi những cặp tương-đối vinh-nhục, thị phi, nên hư, tốt xấu đều như nhau cả. Là vì sao?
Là vì: "Sủng vi thương, nhục vi hạ - Đắc chi nhược kinh - Thất chi nhược kinh" (ĐĐK. 13)
Lẻ dĩ nhiên hể: "Vinh trên thì nhục dưới" mà hể: "Đặng thì sợ mất", còn "Thất thì sợ nhục"
- Trang-Tử, nơi chương Thu-Thủy của Nam-Hoa-Kinh cũng nói:
"Mỗi mỗi đều có hai phương-diện:
- Muốn có "phải" mà không có"quấy"
- Muốn có "trị" mà không có "loạn"
là chưa thấu rõ cái "Lý" của Trời Đất, cái "Tình" của vạn-vật, ấy là mơ tưởng Trời mà không có Đất, có Âm mà không có Dương là hai phương diện đồng có của mỗi sự vật. Muốn phân hai phương-diện tương-đối ấy ra làm hai vật có thật thì là vu phản, nếu không muốn nói là ngu xuẩn.
- Trong kinh Bhagavad Gita của Ấn-Độ có nói: "Kẻ nào biết xem sự vật như nhau: "Sướng" cũng như "Khổ" - "Vui" cũng như "Buồn", "Đặng" cũng như "Mất"; biết xem cục đất như thoi vàng, viên đá như hòn ngọc là kẻ ấy đã được cõi điềm đạm chí cực rồi.
(Bhagavad Gita - Edition Senart - tr. 153).
Thế nên, người thông đạt "sự lý" ở đời, thấy "lợi" không vội mừng mà thấy "vinh" cũng không vội sướng. Những cái đó là những điều làm cho con người khổ tâm khổ trí. Làm như không làm, lo lắng mà như không lo lắng. Lớn nhỏ nhiều ít đều xem như nhau. Khen cũng không mừng, chê cũng không bận tâm. Đó là đi đến cảnh Đại-Đồng và đó cũng là cái hạnh của các bực Thánh Nhơn.
Tôi xin kể hầu quí vị một vài câu chuyện người xưa, để nói lên cái tâm trạng của người Chí-Nhơn điềm tỉnh, như thế nào. Đây là câu chuyện "Người bắn cung"
Liệt-Ngự-Khấu cùng với Bá-Hôn Vô-Nhân bắn cung. Liệt-Ngự-Khấu cầm cung mà chổ cùi chỏ lại để một chén nước. Ông bắn liên tiếp mấy phát mà mặt nước trong chén không chao động.
Bá-Hôn Vô-Nhân nói: "Cách bắn ấy là cách bắn của người quá lo cho việc bắn, chưa phải là cách bắn của người thản-nhiên đến việc bắn (Chánh văn:"Thị xạ chi xạ, phi bất xá chi xạ daû" Ấy là cái bắn không phải cái bắn của không bắn.). Anh hãy đi với tôi lên núi cao kia kiếm chổ gần hố sâu thẳm mà bắn, chừng ấy sẽ biết anh còn giữ được cái vẻ điềm tỉnh ấy nửa không."
Hai người cùng đi đến nơi bờ vực thẳm. Bá-Hôn Vô-Nhân đứng tận bên mé hố, chân đứng nửa trên mặt đất, nửa ngoài không không, nghiêng đầu ra sau và giương cung lên bắn... Liệt-Ngự-Khấu thấy vậy mồ-hôi toát ra, sợ quá té xỉu trên mặt đất.
Bá-hôn Vô-Nhân cười và nói rằng:"Bậc chí-nhân, con mắt, trên ngó tận mây xanh, dưới xem tận đáy đất, ngoài xem tận chân trời mà lòng vẫn không biết nao-núng. Có như thế thì mới bắn được cái bắn thản nhiên. Chớ như anh, chưa gì cặp mắt đã hốt-hoảng lo sợ, thì làm sao bắn cho trúng đặng?"
(Liệt-Tử - J.Grenier - L'esprit du Tao - Tirer à l'Arc, P.182)
Thế cho nên, Thánh Nhân mới nói:"Người ta chỉ biết sống trong cái yên-ổn và chỉ biết đi tìm cái yên-ổn mà thôi. Ở trong cái cảnh yên-ổn mà hành-động thì dễ gìn-giử vẻ thản nhiên bình-tĩnh. Nhưng đến khi gặp cảnh bất-an cho thân mình thì luống-cuống như kẻ mất hồn thế thì làm gì nên trò trống?"(TrangTử - ch.21)
Biết sống trong cảnh thường mà không hay biết sống trong cảnh biến, người như thế ấy làm sao giữ đặng luôn luôn cái tinh-thần điềm-tĩnh?
*
* *
Xét kỷ qua các học-thuyết của các tôn-giáo, bất kỳ tôn-giáo hay học-thuyết nào, mục đích cuối cùng là đem con người đến chổ điềm-tĩnh tức là thanh-lọc con người cho đến chổ cùng-cực của nhân-phẩm. Mục-đích ấy, ta có thể tìm thấy ở người của đức Ky-Tô khi bị quân lính đâm và gần trút linh-hồn mà lại còn cầu nguyện "Xin Cha trên Trời hãy tha tội cho chúng nó! Vì chúng nó không hiểu cái việc của chúng nó làm". Sự điềm-tỉnh nầy và lòng tha-thứ ấy, là một sự "Thường" đối với bực đức độ khoan-dung, mà là một sự "Bất Thường" đối với thường tình nhân-thế.
Đối với Đạo-gia hay Phật-gia dùng các phương-pháp tĩnh-tọa bồ-đoàn, mục-đích chánh là lấy cái thanh-tịnh làm nồng-cốt căn-bản cho công phu luyện tập để đạt đến tinh-thần "điềm-đạm chí cực".
Cái đó đã cao-xa mà uyên-áo, không phải ai ai cũng làm được. Nếu chưa vào đó, thì khoan vội phê bình. Cái tâm-trạng thanh-cao mầu-nhiệm và hùng-dũng ấy, người xưa đã khéo mô-tả trong câu chuyện đắc-đạo của Đức Phật dưới cội Bồ-Đề như sau:"Khi ngồi dưới cội Bồ-Đề, Phật giác-nhiên ngộ đạo, tâm-trí sáng suốt hào-quang tủa khắp bốn phương...làm rung động cả vạn-vật chung quanh. Trong khi đó Thần Mara, là vị chúa-tể các lực-lượng vật-chất, của tội lổi, của tối-tăm, không muốn có người đã thoát khỏi vòng tay nô-lệ của mình, bèn đem đạo binh ma tướng quỉ đi tìm Phật..
Trên đường đi, Thần Mara mới gặp Thần Cây và Thần Đất đều nói với Thần Mara rằng:"Người ấy đã đắc Đạo rồi, không có một sự tối-tăm nào ẩn được bên người. Ngươi đi kiếm làm gì vô ích, vì người ấy là người không còn ai trong trời đất nầy thắng nổi."
Thần Mara tức-tối bèn hóa phép nổi cơn dông tố làm cho phi-sa tẩu-thạch, đất nẻ núi nghiêng để khiếp hoảng Phật, nhưng Phật vẫn thản nhiên ngồi yên như gổ. Túng cùng thần Mara bèn nghĩ sang cái kế Danh-Lợi Nữ-Sắc để lay chuyển lòng Phật, nhưng rốt cuộc cũng không làm sao cho Phật động lòng.
Bấy giờ Mara bèn dùng đến oai-vủ, Mara ra lịnh cho đoàn binh-ma tướng-quỉ cầm gươm giáo xông vào, lấy tên lửa bắn vào mình Phật. Khi ấy Phật vẫn thản nhiên khiến cho tên giáo tiến gần đến Phật là đã biến thành những đoá hoa thơm, gieo rắt chung quanh Phật ngồi.
Thấy không làm gì nổi Phật, thần Mara xấu hổ nổi trận cuồng-phong bay về động phủ.
IV.- PHƯƠNG-PHÁP THANH LỌC CUỘC ĐỜI
Tôi đã trình bày về sự phán-đoán sự việc trên đời. Giờ đây tôi xin suy-luận về phương-pháp làm sao thanh-lọc cuộc đời để đưa con người tiến lên bực "Chí-Nhân".
Bất kỳ một giáo-thuyết nào, nếu bàn đến chổ cùng-cực của nhân-cách, đều lấy tánh điềm-đạm làm căn-bản. Ví như:
- Phật, bàn về "Tâm Vô Quái Ngại".
- Lão, thì nói "Vô-Vi điềm tĩnh"
- Nho luận đến "Hạo-Nhiên chi khí"
Tất cả toàn chỉ vào một đức tánh Điềm-Đạm.
Điềm-đạm là gì?
Là cái tánh "như-như bất động", nghĩa là không để cho ngoại vật động đến tâm mình.
(Bất dĩ ngoại-vật động kỳ tâm dả - Từ-Nguyên)
Suốt một nền học-thuật của Lão-Trang không ngoài cái ý là đem con người trở về cái cõi "điềm-đạm chí-cực". Muốn trở về cái cõi "Điềm-Đạm Chí-Cực" ấy ta phải làm sao?
Lẽ dỉ nhiên, muốn lên chổ cao thì khởi đầu từ nấc thang thấp nhứt. Nếu muốn được một tinh-thần bất-úy, điềm-đạm như các bực Thánh-Nhân, Chí-Nhân, trước hết phải biết những nguyên-nhân khiến cho lòng ta hay chao-động, sợ-sệt.
Nguyên-nhân thứ nhứt: Là thiếu sức khoẻ.
Sức khoẻ ở nơi sự khéo tu-dưỡng khí-lực, chớ không phải chỉ nghĩ đến sự điêu-luyện thân thể.
Bởi vì, có người vậm-vở nhưng khi gặp chút nghịch cảnh là đã rụng-rời chán-nản.
Thế nên, sức khoẻ không là sức mạnh của gân cốt, mặc dầu sức mạnh gân cốt là hiện-tượng của sức khoẻ. Xin đơn cử một vài bằng chứng, như:
- Napoléon đâu phải là người to lớn, nhưng khí-lực ông rất dồi-dào, ông đánh trận nầy qua trận kia, thức suốt đêm kia qua đêm nọ, thế mà, tinh-thần ông vẫn minh-mẫn. Được thế là nhờ đâu? Là nhờ ông khéo tu-dưỡng khí-lực.
- Còn bên Trung-Hoa và Ấn-Độ cũng có nghe nói đến khí-công. Có nhiều nhà luyện khí nhỏ-thó gân cốt và sức mạnh cũng tầm thường nhưng với một cái đấm hay một cái đá hoặc một cái ngó của họ cũng đủ làm cho nhiều người đảo-điên ngớ-ngẩn. Ấy là nhờ khí-lực đầy đủ dồi dào.
Nói đến "khí-lực" cũng nên phân biệt với "sức-lực". Hai cái khác nhau:
Khí-Lực: dưới quyền kiểm soát của Thần.
Ví dụ như ta thường nói: "Cặp mắt của người đó có Thần, tức là có Khí-Lực"
Còn Sức-Lực thì ở dưới quyền kiểm tra của Khí.
Khí-Lực là môi-giới giữa Thần-Minh và Xác-thịt. Khí-Lực ví như dầu săn hay thể chất của cái xe.
Còn Thần-Minh như là người lái xe.
Nếu không có Khí-Lực thì Thể-Xác không bao giờ tuân lịnh nổi ý-chí của Thần-Minh.
Ví dụ như: "Lần đầu tiên lên diển đàn, người thuyết-trình-viên, tự nói rằng: «không có gì phải sợ". Thế mà, đến giờ phút đứng trên bụt: tim bổng nhiên đập mạnh, tay chân rung lên và miệng thì lập-cặp nói không ra lời. Tự nhiên cái sợ không biết từ đâu mà đến.
Có thể so sánh những diển trình trong sự phát điện và những diển trình trong dòng của khí như sau:
1/- Ở trong máy phát điện; cái bản-thể cơ bản của điện trở thành điện và phóng ra để làm cho các loại máy điện chuyển động.
2/- Còn ở vũ-trụ: chứa đầy Khí mà óc ta, giống như máy phát điện, thường tạo ra tinh-thần và tinh-thần đó lại trở thành Khí của ta, và Khí đó chuyển động thể xác của ta.
Thể xác ta sanh ra từ Khí và một ngày kia sẽ quay trở về với Khí. Xin tạm mượn một ví dụ:
Cuộc đời chúng tôi giống như một vốc nước mà tôi đã múc lên từ biển cả và giử trong 2 tay tôi. Chúng tôi tạm gọi đó là "Cái của tôi", cũng như gọi nước là nước của tôi, bởi gì tôi đã giử nó trong tay của tôi.
Từ cái quan điểm của nước, là một phần của đại-dương, nếu tôi mở tay ra thì nước sẽ rơi xuống biển cả, mà nó còn ở trong tay của tôi thì nó cũng vẩn có thể đoàn tụ với biển cả làm Một.
Cuộc đời của chúng ta, một phần của khí "Hạo-Nhiên" mà đã được gắn liền với da và thịt.
Mặc dầu chúng tôi bảo rằng đây là "Cái của tôi", nhưng nhìn với đôi mắt của thể xác thì nó chính là cái khí của vũ-trụ. Tuy rằng cái khí đó đuợc gói ghém trong da thịt ta, nhưng nó vẫn có thể đoàn tụ với vũ-trụ và cũng là một phần của vũ-trụ.
Cũng như khi ta hô-hấp, là ta hô-hấp cái khí-hạo-nhiên vào khắp cơ thể. Khi mà cái khí của ta đã đoàn-tụ với cái khí vũ-trụ thì ta sẽ được mạnh khoẻ và vui vẻ, cái đoàn tụ đó, theo Lão-Trang là Trời Người hiệp Một. Tình trạng hổn hợp ấy gọi là Huyền-Đồng và khi hai dòng khí đó không còn chảy xuôi theo dòng với nhau thì ta chết.
Chúng ta và khí hạo-nhiên là Một, cho nên cái động-năng đó người ta gọi là Khí-Lực. Vậy ta phải xử dụng tất cả khí-lực của ta lúc ta còn sống.
Khí-Lực là gì?
Từ xưa ở Á-Đông, tiếng "Khí" đã được nói đến rất nhiều, từ cái "Khí Hạo-Nhiên" cho tới mọi sự vật hằng ngày chung quanh ta, nhưng chúng ta không hiểu cái "Khí" hằng ngày và cái "Khí Hạo-Nhiên" nó liên-hệ nhau như thế nào. Nhờ năm giác-quan của ta mà ta biết được rằng vũ-trụ ta hiện đang sống, ở trong đó có màu sắc và hình thể, mà bất cứ cái gì có hình thể là có một sự bắt đầu. Thí-dụ như:
Ta nói, hiện nay mặt trời đang cháy sáng nhưng ngọn lửa cháy sáng ấy phải có một sự bắt đầu là vì phải có một cái "trước" khi bắt đầu có lửa. Nếu ta tìm tới nguyên-lai của nó thì ta sẽ đi tới một điểm là Hư-Vô, nhưng Hư-Vô không thể tạo ra được một vật gì cả, mà Hư-Vô cũng không phải là một Hư-Vô hoàn toàn, nghĩa là cái Vô, theo nghĩa của Thiền-Học là một trạng-thái mà trong đó mặc dù là Hư-Vô nhưng vẫn còn có một cái gì.
Một cái "gì đó" Á-Đông dùng tiếng "Khí" để nói trạng-thái mà chính nó là bản-chất thật sự của vũ-trụ. Nếu ta theo đuổi cái điều-kiện đó, xa hơn nữa ta sẽ tới một điểm ở đó: Mặt Trời, tinh-tú, trái đất, loài người, loài vật, cây cối, khí Trời, mọi vật đều là Một.
Do bởi Khí là bản-chất thật sự của vũ-trụ mà ta có "Động và Tịnh", Hiệp và Tan", Co và giãn và nhiều động-tác hổ-tương khác, nhờ đó mà vũ-trụ hiện nay có được cái hình thể của nó.
"Khí" không có cái khởi đầu và cái chấm dứt nên chúng ta và vũ-trụ là Một, đời sống của chúng ta là một phần của đời sống vũ-trụ và trị-số tuyệt-đối của nó là một sự-kiện vững chắc mà trong đó sanh, lão, tử luôn luôn tiếp tục xảy ra.
Khi đã nói "Khí" của chúng ta là một phần của vũ-trụ và cơ thể của ta là cái thuyền dùng để chuyên chở cái "Khí" đó thì tinh-thần là cái do vũ-trụ mà có, vì đó mà ta phải bảo-vệ và nuôi dưỡng con thuyền thể-xác và nó là cái mà ta phải kiểm-soát sự trao đổi "khí của ta" và "Khí của vũ-truï".
Thế nên, muốn súc-tích khí-lực, ngoài phương-pháp Khí-Công để tăng-gia còn có nhiều cách để giữ-gìn cho nó đừng tản mát vô ích.
- Giữ gìn cho Khí-Lực đừng tản-mác. Đó là phương-pháp "Tiêu-Cực"
- Còn tập luyện Khí-Công. Đó là phương-pháp "Tích-Cực"
Tóm lại, có 2 cách súc-tích Khí-Lực.
1/- Công-phu Dưỡng-Khí và Công-phu Luyện-Khí
Công-phu Dưỡng-Khí là"Tiêu-Cực"
Công-phu Luyện-Khí là "Tích-Cực"
Nói cách khác: Một cái Âm và một cái Dương. Hai cái đó ta phải làm sao điều-hòa, tức là đi liền nhau thì mới mong có được một sự thăng-bằng của sức khoẻ. Ví như: "Một động-cơ xe hơi, muốn cho nó chạy điều-hòa thì người thợ phải điều chỉnh cái bộ phận "Chế-Hòa-Khí" (Carburateur) phân-phối xăng và dưỡng khí cho đều nhau thì máy móc mới chạy được. Nếu săn vô nhiều hay dưỡng-khí ít hơn thì máy cũng không chạy được.
a/- Công-phu Dưỡng-Khí
Ở đây, chúng tôi xin quí Huynh-Tỷ lưu ý đến phần công-phu "Dưỡng Khí".
Ví như: - Về phương-diện tiền bạc; Nếu muốn có tiền, trước phải cần-kiệm rồi sau mới lo làm cho có tiền thêm, Về phương-diện súc-tích "Khí-Lực" cũng thế
Thể-xác và Tinh-thần quan-hệ với nhau rất mật-thiết. Vì một thể-xác bạc-nhược thì không bao giờ có đặng một tinh-thần dũng-mãnh.
Nguyên-nhân làm hao-tán khí-lực là sự náo-động vô-ích.
Ở đây, quý Huynh-Tỷ nên phân biệt "Náo-Động và Hoạt-Dộng"
Ví dụ như: Chúng ta cho máy xe hơi chạy là để di-chuyển từ một chổ nầy đến một nơi khác. Khi đến nơi rồi, lẻ dĩ nhiên là ta phải tắt máy cho động-cơ ngừng nghỉ. Thế nhưng mà, ta lại vô ý không tắt máy để máy chạy hao xăng vô ích.
Vậy, để máy xe chạy vô ích: Đó là Náo-Động
Còn cho máy xe chạy trong lúc di-chuyển: Đó là Hoạt-Động.
Con người cũng thế, những phung-phí vô lối khí-lực chỉ làm tiêu hao khí-lực mà không bổ dụng vào đâu cả. Như: la hét, cười cợt, nhảy nhót. Những cái đó, toàn là những cử động vô ích, dù là một cử động nhỏ-nhít
Như đã nói, trong đời ta có 2 lối hành-động: Một là "Hoạt động" - Hai là "Náo-động"
Nói cách khác, "Hành-động" có ý-thức và hành-động vô-ý-thức.
Một đàng là: Ý-thức, Phê-phán và Lý-luận
Còn một đàng là: Vô-Ý-Thức, Náo-động, Nhứt-thời, Không suy nghĩ gì cả
Vậy trước tiên, ta phải kiểm-soát từng hành-vi vụn-vặt để cho cái Thần của mình thường-xuyên làm chủ được cái khí-lực và thân-thể mình.
b/ Công-phu Luyện-Khí:
Trước khi đi qua công-phu luyện-khí, cần nên biết:
Mỗi tế-bào trong cơ thể không khác nào mỗi cá-nhân trong một xã-hội, có tổ-chức hẳn-hòi.
Nó có một tri-thức riêng, biết tuân theo ý-chí của Thần-Minh.
Những nhà Fakir bên Ấn-Độ, những nhà nội-công của Trung-Hoa có thể sai khiến tạng-phủ họ đến ngưng hơi thở, mạch máu ngừng chạy, mà người phương Tây không thể hiểu nổi.
Đó không phải là chuyện hoang-đàng mà là nhờ ở công-phu Luyện-Khí.
Ông Soulíe de Morant, một nhà nghiên-cứu về khoa châm-cứu của Trung-Hoa, ông có viết trong cuốn Acupuncture Chinoise một đoạn như sau:"Mỗi tế-bào có vừa đủ tri-thức để làm việc theo trách-vị của nó. Mỗi một nhóm tế-bào, mỗi một tạng phủ cũng có một tri-thức hiểu biết và phản-động riêng; để làm việc theo phận sự của nó đối với toàn cơ thể. Các tri-thức ấy chịu dưới quyền sai sử của một ý-thức chung, đó là Thần-Minh hay Ý-Chí".
Những nhà khí-sỉ Trung-Hoa và Ấn-Độ sai khiến tạng phủ nói chuyện với tạng phủ, như chủ nói chuyện với tớ. Họ tập trung tạng phủ quen với kỷ-thuật của Ý-Chí.
Nếu mỗi ngày, ta không tập luyện cho tạng phủ ta quen với kỷ-thuật với sự tuân mạng lịnh của Thần-Minh thì khi hữu sự nó không nghe theo ta. Ta là nhà kỵ-mã, hằng ngày con ngựa ta cởi, ta thả nó đi dông đi dài, không ai kềm chế nó. Đến ngày ngộ chiến, ta sai biểu nó chạy theo ý ta, nó không nghe.
Khi ta đã biết nguồn khí-lực cho ta sự sống thì ta cần phải tích-tụ nó và phát triển nó, nên dù một cử chỉ náo-động nhỏ-nhít nào cũng làm mất mát phần nào Khí-Lực. Bởi vậy, nếu ta biết kềm hảm tư-tưởng, biết kiểm-soát cảm-xúc và chỉ hành động vì một mục-đích xác-định thì ta sẽ đạt được sự tập trung khí-lực.
Cũng ví như, khi ta muốn đóng một cây đinh vào ván, cái đầu mủi đinh cần phải nhọn, mà càng nhọn thì chiếc đinh được đi càng sâu vào tấm ván dể dàng hơn, nghĩa là khí-lực càng dồi-dào khi nào năng-lực được tập trung. Đó là đặc-điểm của phương-pháp Thiền bằng cách tập trung tất cả khí-lực và tinh-thần vào một điểm duy-nhứt.
Ở đây, tôi cũng muốn nói thêm cái đặc điểm của phương-pháp "Khí-Công" hay là "Công-phu dưỡng khí" mà người tu luyện cần áp dụng để tuyệt-đối không "dùng thuốc men để trị bịnh" mà chỉ nương-tựa vào Công-phu Tu-Dưỡng, tự mình làm cho yên-tĩnh tinh-thần, điều hòa hơi thở, đưa cơ thể một tình-trạng "Ôn cố thăng bằng Âm-Dương khang-kiện".
Nói thế sẽ có nhiều vị chưa nắm vững niềm tin vì lời nói ấy có vẻ phản khoa-học. Nhưng riêng phần chúng tôi, vì hoàn cảnh khan hiếm thuốc men nên sau cơn bạo bịnh tôi thử đem phương pháp nầy ra áp dụng thì kết quả thâu lượm được rất là khả-quan và ở đây, tôi xin tạm trình bày một cách sơ lược về nguyên-tắc để góp ý cùng quí Huynh Tỷ hầu thực nghiệm khi cần.
Thưa quí Huynh Tỷ,
Xuyên qua các lời chỉ dạy của Thiêng-Liêng cộng với một số tài liệu thu-thập trong kinh sách, chúng tôi xin trình bày phương-pháp "Công-Phu Dưỡng-Khí" hay là "Khí-Công" mà tôi đã thực nghiệm qua hai thời kỳ:
a/- Một thời kỳ hữu hình được tiến hành trước,
b/- Một giai đoạn vô hình tiến hành sau.
a/- Trong "Thời kỳ hữu hình"
Chủ yếu có "động công" và "tĩnh công".
- Động-Công đòi hỏi sự vận-động tứ-chi, cơ thể, theo những tư thế tạm gọi là "thể-dục thể-thao" như:
"Lục-Đoạn-Cẩm, Bát-Đoạn-Cẩm" hay là "Thập-Nhị Cẩm-Đoạn"
Những tư-thế nầy chỉ truyền bá cho ai là người dốc lòng tu luyện qua các vị Chơn Sư.
- Tĩnh-Công đặt nặng vấn đề "yên tâm tinh-thần, định hồn tỉnh phách" là làm sao đưa bản thân đến một tình-trạng buông xả hoàn toàn (relaxation complète) bằng những "trạm công" như: Tịnh-Định, Quán-Tâm, Điều-Tức kế đến là những môn "thụy công" như: nằm thẳng, nằm nghiên, nằm ngửa, nằm sấp.
b/- Đến giai đoạn thứ II là "giai đoạn vô-hình" thì phương-pháp công-phu dưỡng-khí có thể xem như thật sự theo đúng yếu chỉ "Đạo-Pháp tự nhiên" của Lão-Tử, nghĩa là "Đạo bắt chước tự nhiên" làvì phương-pháp công-phu dưỡng-khí và sinh hoạt hoàn toàn nhứt trí, cũng như, tinh-thần và thể-xác hiệp-nhứt vẹn toàn, trong khi lao-động hay nghỉ ngơi. Tùy theo thời-gian mà linh-động để dưỡng khí và vận khí trên căn-bản thường xuyên để tăng-cường khí-lực.
Tóm lại, muốn đem lại quân-bình cho cuộc sống bằng phương pháp "Rèn Tâm Chỉnh Thể" trong thể-dục thể-thao của Lão-Học là cố gắn làm sao cho "Tâm Yên" để "Thần vửng" với hệ-quả đương nhiên :"Thần vửng thì Tinh Đầy".
Đạt được cái mục tiêu ấy, kể như đã nắm được Đạo, đồng-hóa được với Đạo, Huyền-Đồng cùng Trời Đất, để cùng với Đạo "Trường-Sanh Cửu Thị - ĐĐK 59" nghĩa là; áp dụng lối "Tự Tu Tự Dưỡng" để đi từ sinh-lý vào với tâm-lý, nhưng chủ yếu là lấy sự điều-tiết nhịp điệu hô-hấp làm mấu chốt, vì công-năng thở ra hít vào là hình ảnh trung-thành của tiết-điệu vận-hành trong vũ-trụ, giống như sự luân-lưu chuyển-động quân bình của Âm-Dương.
Nói cụ thể nhứt: "Con cưng trong nhà không dạy dổ, muốn gì được nấy, tha hồ làm gì thì làm, đến khi cần sai khiến điều gì, biểu nó không nghe. Đó là chuyện mà ta không lấy gì làm lạ".
Bởi vậy trong những hành vi vụn-vặt hằng ngày, ta phải kiểm tra kỷ lưởng và phải dụng ý-thức mà điều khiển nó. Ta phải tập sai khiến nó: từ cái ăn, cái ngủ, cái làm. Mỗi cái việc nhỏ nhặt như thế ta cần phải tập cho quen biết vưng lời thì khi đến việc lớn không bao giờ nó dám cải.
Muốn tu luyện tinh-thần tự-chủ ấy, ta cần nhiều cách. Lấy một vài ví dụ nhỏ nhặt như:
- Có anh học trò khoa khí-công hỏi thầy:
"Thưa Thầy! Công-phu đầu tiên của một nhà luyện-khí phải như thế nào?"
- Ông Thầy đáp:" Anh phải dán cò cho thật ngay ngắn và luôn luôn ở bên tay mặt bao thơ"
- Anh học trò hỏi: "Chỉ có vậy thôi sao?"
- Ông Thầy trả lời: "Chỉ bấy nhiêu đó thôi"
-Thấy anh học trò ngơ-ngác, ông Thầy nói thêm:"Thì anh cứ làm như thế đi, tức là anh thâu bớt cái hành động hấp-tấp, vụt-chạt của anh. Luôn luôn anh phải bình-tỉnh dù là một việc nhỏ. Vì lúc đó Thần-Minh anh vẫn làm chủ cái tay luôn. Cứ một hành vi, bất kỳ lớn hay nhỏ, anh đừng thấy việc nhỏ mà khinh, vì chính những hột cát nhỏ nhứt ấy hiệp lại mới thành bải sa mạc"
KẾT LUẬN
Muốn có một tâm-hồn trong trắng, một tinh-thần đại-dũng không phải là một việc khó, mà không thể làm được. Cần yếu là phải có một đức tánh căn-bản là thành-thật.
Phật, nhà hiền-triết đã nói:"Thành thật với mình là đừng gạt mình, đừng binh-vực cái sự yếu-đuối lầm-lạc của mình, đừng nói một đàng mà làm một ngả và đừng sợ dư luận phê phán.
Thế nên, muốn thanh-lọc cuộc đời để đem tâm hồn đến nơi giải-thoát là chổ cứu-cánh của các hành-vi cao-thượng thì một khi đã quyết-định thi hành thì đừng vì lý do nầy hoặc lý do nọ để binh vực sự yếu-đuối của mình mà xao-lãng công-phu.
Quí vị chắc cũng đồng ý với chúng tôi là giá-trị con người không căn-cứ trên số tài-sản, tước-vị của mình tích-trử từ xưa đến nay hay của người khác ban cho mà phẩm-cách của con người ở nơi tinh-thần tự-do của mình đối với ngoại vật. Ta hãy thành thật thi hành ngay cái ý-nghỉ ấy trong các hành- động hằng ngày. Hành-động ấy phải liên-tục không sai chạy mà nếu rủi có sa ngã một đôi khi thì ta hãy có can-đảm và thành thật mà quài trở về con đường đã định.
Thế thường đã nói: "Ta đói thì tự ăn mới no chớ không thể nhờ người khác ăn thế cho mình no.
Vậy thì trên con đường đi tầm tu học Đạo cũng vậy, tự mình tu mình tiến, có tự thanh-lọc cuộc đời của mình thì mình mới tìm thấy Chơn-Lý. Nhược bằng, ta nhận chân giá-trị và hạnh-phúc đời người ở nơi ỷ-lại vào ngoại-vật rồi một đàng lại đem thân lăn-lóc, nô-lệ cho cái danh cái lợi, cầu cạnh vào thế-lực để mưu-cầu hạnh-phúc cho mình, thử có trường cửu không?
Vậy ta phải quyết-tâm qui cả nghị-lực của mình vào việc thanh-lọc ấy thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ gặp được Chơn-Sư đến dẩn dắt ta.
Dòng suối kia trong xanh mát mẻ phát xuất từ nguồn rồi cuồn-cuộn chảy xiêng qua triền, qua khe, qua rảnh. Khi xao động, lúc lặng im, khi tràn-đầy, lúc vơi cạn.
Cuộc đời trần-tục của ta cũng thế! Một phần trực-tiếp với nhơn-quần xã-hội, còn một phần thì gián tiếp với Thiên-Cơ, ta phải cam chịu biết bao nhiêu nổi chua cay, điêu đứng. Nhưng nước kia bao phen lôi cuốn theo bùn-nhơ, cặn-cáo, bao phen qua vịnh qua voi thì bao phen nước đó cũng đã lọc bùn lóng cặn rồi cho đến khi giáp mặt với biển cả bao-la thì nước cũng đã trở nên trong trắng.
Riêng phần ta, thanh-lọc cuộc đời là diệt-trừ cái tiểu-ngã để hiệp cùng cái đại-ngã là cái Tâm như-như bất-động thản-nhiên điềm-tỉnh.
Trong "Thiên Đạt-Sanh" Trang-Tử có nói đến chuyện:"Người tật bướu bắt ve" như sau:
- Trọng-Ni đi qua nước Sở, vừa ra khỏi rừng, gặp một người tật bướu bắt ve rất lẹ bằng một cây sào dài và rất chắc-chắn, cũng như bắt bằng tay.
- Trọng-Ni mới hỏi người ấy:"Anh thật là tài, xin anh cho biết cái thuật của anh"
- Tên tật bướu mới đáp:"Thuật của tôi đây:
- Trong 6 tháng tôi chỉ tập để viên đạn đứng thăng bằng trên ngọn sào mà không hề rớt.
Khi tôi để đứng dược 2 viên thì ít con ve nào thoát khỏi tay tôi.
Khi tôi để đứng được 3 viên thì 10 con tôi chỉ trật có một con.
Khi tôi để đứng được 5 viên thì tôi không hề trật một con nào.
Cái thuật của tôi là qui hết tinh-thần vào chổ chí hướng mà tôi mong đạt đó.
Tôi trị cái tay tôi, tôi thanh-lọc cái thân-thể tôi cho đến khi nào nó thành một khúc gổ, không còn cảm động, không còn xao-lảng nữa.
Trời Đất tuy là lớn, vạn-vật dẩu là nhiều, nhưng tôi chỉ thấy có con ve mà tôi muốn bắt đó thôi.
Không một cái chi bên ngoài làm cho tôi xao-lãng ngoài cái ý tôi muốn đó, thì con ve làm gì thoát khỏi tay tôi?
Tất cả những gì tôi đ
Tất cả những gì tôi đã thưa trình quí vị là những sự thay đổi hết sức mau lẹ của cuộc đời qua một cuộc tiếp xúc với Chơn-Sư dạy dổ tôi trong giai-đoạn vừa qua và ban cho tôi nhiều ấn-chứng hữu-hình mà tôi không tiệân trình bày ở đâyTôi chỉ thưa trình cùng quí vị những nét đại-cương và chung-qui là tôi đặt cả niềm tin vào đấng Vô-Hình dẩn dắt tôi trên con đường "Thanh lọc cuộc đời"
Vậy kính xin quí vị hướng về với Thiêng-Liêng để thành khẩn cầu xin thì sẽ được đáp lại vì, khi quí vị "gỏ cửa thì sẽ có người ra mở cửa và đón tiếp quí vị".
Xin kính chào.
NGỌC-HUỆ-CHƠN
No comments:
Post a Comment