My Blog List

Friday, November 25, 2011

chuyến thăm viếng mùa TẠ Ơn


Một ngày viếng thăm, Mùa Tạ Ơn.

Buổi sáng cuối  tháng 11 trời se lạnh, cái lạnh đủ để ta phải mặc thêm chiếc áo mùa đông.

Bên ngoài, lá đã vàng úa và trên lối đi những chiếc lá khô vương đầy, báo cho biết mùa lễ đang đến với chúng ta và mùa đông đang xung quanh ta.

Thời gian này là lúc mọi người đang chuẩn bị đón mừng những ngày lễ lớn trong năm, ai cũng nô nức mong chờ những giây phút sum họp của gia đình. Con cháu đi xa hôm nay lại trở về cùng gia đình, các cháu nhỏ cũng đã nghĩ học, người đi làm cũng tạm gác qua một bên những lo toan của đời sống để đón mừng lễ Tạ Ơn, một ngày lễ truyền thống của người Hoa Kỳ.

Bên cạnh những rộn ràng, tưng bừng  của những ngày lễ hội, một số người già yếu, neo đơn, bệnh tật, sống trong những housing, những apartment được sự trợ giúp của chính phủ cũng đang trải qua những năm tháng khó khăn và cần được sự chăm sóc, quan tâm và thăm hỏi, nhất là đang sống tha hương nơi xứ người. Các anh chị lớn tuổi trong gia đình TSQ cũng không ngoại lệ. Và có lẽ trong chúng ta, cái ngày đó cũng sẽ không xa!!!

Để chia sẻ nổi niềm cô đơn và cũng để biểu lộ sự quan tâm của chúng ta với các gia đình TSQ, Ban Cố Vấn Hội đã phối hợp cùng một số thành viên trong BCH hội CTSQ/Bắc Cali dành một ngày để thăm hỏi các Giáo sư, Cán Bộ, các chị Quả phụ và  các anh chị lớn tuổi, già yếu, đang bệnh tật..

Người đầu tiên là mà chúng tôi đến thăm là CTSQ Trần xuân Phú.

Anh Phú, từ nhiều năm nay vẫn sống cô đơn một mình trong một căn phòng mà anh share lại với người chủ nhà trên một con đường nhỏ, yên tỉnh, nhưng cũng gần một khu sinh hoạt của người Việt. Khi chúng tôi đến, bên ngoài mặt trời vẫn chưa ló dạng. Người chủ nhà đón chúng tôi ở ngoài cửa và thông báo cho anh hay. Như đã có chuẩn bị trước, anh xuống phòng khách và đón tiếp đoàn chúng tôi rất vui vẻ. Anh cho biết đây là lần đầu tiên, BCH đã tổ chức viếng thăm như thế này.
Cùng với anh Thân và các anh chị trong BCH, chúng tôi thăm hỏi đời sống hiện tại của anh và nói chuyện về những sinh hoạt của Hội. Anh tỏ ra cảm kích và cám ơn đoàn đã tặng quà cũng như đã khen ngợi Hội đề ra những sinh hoạt hữu ích, để tạo được tình thân ái và đoàn kết trong anh em.
TRên đường chúng tôi trở ra xe để đến thăm chị Buì Ngọc Chơn, anh Phú vẫn còn luyến tiếc chia tay bên ngưỡng cửa, dù trời vẫn còn khá lạnh.
Phải nhờ chị Chơn ra mở cửa và chỉ cho cái mẹo mở cửa của căn apartment, chị Chơn vui vẻ dẫn chúng tôi vào nhà.


Chúng tôi hỏi chị về đời sống hiện tại, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa lúc vừa mới đặt chân đến Mỹ. Anh Thân gợi lại những kỷ niệm với anh Chơn và tính tình hào hoa của anh Chơn và nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa về anh Bùi Văn Hai, anh của anh Chơn.
Trong nhà không có ai, chỉ có chị Chơn thui thủi một mình. Chị biểu lộ xúc động khi biết chúng tôi mang chút quà nhỏ đến cho chị. Chị nói về mộ phần, nơi yên nghĩ của anh Chơn và trong câu chuyện, chúng tôi cũng có ý định sẽ tham gia với gia đình trong những ngày kỷ niệm như lễ giỗ hằng năm sau này.


Sau đó, chúng tôi từ giả chị Chơn để đến thăm anh Phan Thanh Long. Trong lòng mọi người miên man nghĩ ngợi về cuộc sống của những người già yếu nơi xứ người. Quả thực là không dễ dàng nếu không có con cháu bên cạnh để an ủi, giúp đỡ, thăm hỏi trong buổi xế chiều!!!
Anh Long đã là một thành viên của Hội CTSQ Bắc Cali từ rất lâu và sinh hoạt thường xuyên với anh em trong nhiều năm qua cho đến những năm gần đây, đến khi anh bệnh nặng thì không còn có dịp để đến với anh em.

Đối diện với trường Notre Dame, San Jose là căn apartment anh Long hiện đang sống cùng với chị Long và cô con gái, cũng đang nhận sự trợ giúp của chính phủ về tình trạng bệnh tật, đau yếu.

Trời đang gần cuối thu, lá ngoài đường rơi rụng, trải dài trên lối vào nhà anh. Trước nhà là những chậu hoa, một vài loại rau cỏ truyền thống Việt Nam được chăm sóc cẩn thận. Không có chị ở nhà, nhưng căn phòng khách gọn ghẻ và ấm cúng chứng tỏ sự chăm sóc chu đáo của chị đối với anh Long và cô con gái.

Anh Long đang bệnh nan y, khá nặng, di chuyển phải dùng một cái walker. Thêm vào đó là một cô con gái trong tình trạng khuyết tật, cũng cần sự chăm sóc như người cha và phải tự di chuyển trong nhà bằng một cái xe có motor. Giọng nói yếu ớt nhưng biểu lộ niềm vui khi chúng tôi tiếp chuyện, anh Long cho biết rất vui khi anh Thân và anh em đến thăm. Anh nhắc đến anh Nhơn và TX Tài, trước đây cũng có thăm hỏi anh. Vài năm trước, anh vẫn thường tham gia các sinh hoạt Hè của Hội. Với tình trạng sức khoẻ hiện tại, có thể phải còn lâu lắm anh mới trở lại với anh em.

Nhân đây chúng tôi cũng có ý nghĩ, nếu chúng ta dùng điện thoại để thăm hỏi sức khỏe những người già yếu cũng là một việc làm có ý nghĩa, nhất là đối với những anh chị neo đơn, điều này có thể giúp ích rất nhiều trong tinh thần, hổ trợ về tâm lý, để các anh chị ấy có thêm tinh thần và nghị lực để có thể chống chọi với bệnh tật...
Rời nhà anh Long với nhiều lo âu, chúng tôi tự hỏi, không biết bao lâu nữa anh có thể chống chọi với bệnh tật. Và như chiếc lá vàng trước ngõ, chỉ chực chờ rơi rụng để về nơi miên viễn, như cổ xe già nua trở về bến đậu vĩnh viễn của kiếp nhân sinh, mấy ai tránh khỏi!!!

Trên chuyến xe bạn Nguyễn Phi Ánh tình nguyện làm tài xế, chúng tôi mỗi người một suy nghĩ cho tới khi đến ngõ vào nhà anh Lê Tấn Sáu.
Ánh cho biết nhà anh Sáu ở gần nhà của một cô em gái đã ở khu này trước đây.

Trái với anh Long, dù đã ở cái tuổi 80, anh Sáu trông khỏe mạnh và hoạt bát. Anh cho biết đã mong chờ từ sáng sớm khi nghe tin anh Thân và anh em sẽ đến nhà.
Trong câu chuyện, anh hứa sẽ đến chung vui với anh em nếu thuận tiện trong việc đi lại. Anh có thể lái xe được tuy về ban đêm có trở ngại đôi chút vì mắt đã kém. Chúng tôi có bàn với anh, nếu trường hợp có trở ngại về vấn đề di chuyển, chúng ta sẽ tìm xem ai đang ở gần anh để giúp đỡ. Được biết trong kỳ lễ giỗ vừa qua, dù không đến tham dự, anh cũng đã gửi tiền phụ giúp với Ban Tổ Chức và cũng đã gửi những lời khích lệ đối với ban điều hành. Mong anh chị luôn luôn dồi dào sức khỏe để đến sinh hoạt chung vui với các gia đình CTSQ khác.

Buổi chiều trong ngày, sau khi dùng cơm trưa, chúng tôi tiếp tục đến thăm Giáo Sư Bửu Quê, một thầy dạy học sử địa trước đây của trường TSQ. Ông giảng dạy từ những năm 1963 cho gần đến ngày mất nước thì tiếp tục dạy học tại trường Trung Học Vũng Tàu cùng với phu nhân của ông.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết cô con gái của ông bà chính là phu nhân của BS Nguyễn Hoàng Tuấn, và câu chuyện về lòng chung thủy và ý chí phấn đấu nơi đất tạm dung trở thành sự ngưỡng mộ của nhiều người.

Thầy Bửu Quê nói về tập thể TSQ với tinh thần tôn sư trọng đạo từ xưa. Và vừa qua, sau khi đọc những đặc san Nhân Trí Dũng do chúng tôi gửi tặng, Thầy và cô (phu nhân của thầy cũng là một giáo sư của trường TH Vũng Tàu) rất lấy làm vui khi là người có cơ hội để phục vụ dưới mái trường TSQ của chúng ta. Thầy cũng nói về việc sinh hoạt chung với các trường ở Vũng Tàu nếu chúng ta có điều kiện. Chúng tôi cũng có bàn với nhau về việc này và trong tương lai, tùy điều kiện, chúng ta sẽ có những sinh hoạt chung với các tập thể, hội đoàn có nguồn gốc tại Vũng Tàu.

Trời đã về chiều, không khí lạnh hơn, tuy vậy trên đường đi đến nhà chị Quả Phụ Trần Văn Vinh, chúng tôi thấy lòng mình ấm lại vì những câu chuyện vừa trải qua với anh chị lớn tuổi. Vì có hẹn giờ trước, khi tiếng chuông vang lên trong nhà, là chị Vinh đã vui vẻ mời chúng tôi vào trong. Mọi thứ hầu như đã chuẩn bị. Và cũng như lần trước thăm viếng gia đình của chị, chúng tôi được nghe thêm những câu chuyện rất quý báu xung quanh cuộc đời lúc sinh tiền của vị Cựu Chỉ Huy Trưởng hào hoa của  Trung Tâm Huấn luyện Nhảy Dù Hoàng Hoa Thám, mà ai học nhảy dù cũng điều biết qua.

Bản thân chúng tôi, ngày xưa cũng đã từng là một khoá sinh của khoá 214 nhảy dù, lúc anh Vinh đang làm Chỉ Huy Trưởng và cũng đã có lúc ao ước được như anh, làm cánh dù bay bỗng trên bầu trời của đất nước và luôn khâm phục tài ba của người đàn anh trong đơn vị này.



Sau khi thăm chị Trần văn Vinh, chúng tôi đến nhà anh chị Nhàn để thăm hỏi sức khỏe của anh.
Một vài năm trước, anh cũng rất yếu, cái chân đã là một vấn đề sức khỏe trong việc đi lại. Những năm tháng tù đày ngoài Bắc cùng với anh là những kỷ niệm khó quên khi chúng tôi bước vào căn nhà rộng rải, khang trang và trống trải của anh. Anh chị đã về hưu, con cái thành tài, trở nên người hữu dụng nơi đất tạm dung là an ủi lớn nhất cũa cuộc đời tị nạn nơi đất tạm dung.
Điều làm chúng tôi áy náy hơn hết chính là những thức ăn chị làm sẳn, chờ chúng tôi, đã nguội lạnh trên bàn, cũng vì thời giờ của chúng tôi quả là eo hẹp. Ngược lại, điều này chứng tỏ cái tình anh chị dành cho anh em TSQ, lúc nào cũng chu đáo và trân trọng đối với tập thể TSQ.
Cho chúng em một lời xin lỗi, dù biết là ngoài ý muốn.

Để kết thúc cuộc viếng thăm trong ngày, ngôi nhà cuối chúng tôi ghé vào chính là hai căn nhà liền nhau của của các con anh chị Dương Văn Nghị.

Mới vừa qua, lễ giỗ một trăm ngày của anh được nhiều anh em đến tham dự. Chúng tôi bước vào nhà với sự ngạc nhiên của chị và các cháu vì không hẹn trước. Chẳng là vì không biết lý do nào, tôi đã lưu trữ vào máy điện thoại sai số phone của nhà chị nên đã không liên lạc trước đó được. Tuy vậy, khi thấy chúng tôi, chị và các cháu rất mừng rở và cảm động khi biết được mục đích của chuyến viếng thăm của anh em TSQ.
Chúng tôi rất vui khi biết gia đình chi đang chuẩn bị đón mừng những ngày lễ trong năm với không khí ấm cúng, có cây Noel đã vừa làm xong. Nhân tiện chúng tôi cũng xin phép cùng chị chụp một tấm ảnh để làm kỷ niệm bên cây Giáng Sinh truyền thống.

Anh Nghị cũng vừa rời xa dương thế, mọi thương nhớ của người thân bè bạn, chiến hữu, anh em rồi cũng qua đi. Cuộc sống luôn tiếp nối và thản nhiên trôi qua. Đó cũng là quy luật tất nhiên của trời đất. Có đúng không bạn?

Còn chúng ta, chúng ta cũng phải tiếp tục cuộc hành trình còn lại của mỗi một đời người....

Thanksgiving đang trong lòng chúng ta.

Xin cảm ơn anh em có chung một truyền thống, những kỷ niệm, dù khác nhau về không gian, thời gian, tựu trung luôn mang những nét đặc thù của người TSQ. Xin cảm ơn các gia đình TSQ đã đến với nhau để gìn giữ truyền thống, tinh thần của TSQ. Cái tinh thần không giống với tập thể nào khác và hoàn toàn không thể lầm lẫn với những đơn vị khác, tinh thần anh em cùng một nhà, khác với những tập thể mà chúng thường biết.

Xin cám ơn các anh chị TSQ cùng đồng hành trên chuyến xe của mùa tạ ơn.

Cám ơn các CTSQ Tăng Xuân Tài, Nguyễn Văn Nam đã đến để chia sẻ mục đích việc làm với anh em, và dù bận không thể tham gia theo đoàn thăm viếng, cũng ủng hộ tinh thần cho cuộc thăm viếng ......

Và sau cùng xin cám ơn con chim đầu đàn của Hội CTSQ Bắc Cali, anh Võ Văn Thân, trong nhiều năm qua vẫn gắn bó sinh hoạt, hướng dẫn và đưa những đề nghị quý báu để anh em trong BCH làm hành trình trong việc phục vụ cho tập thể TSQ. Vẫn miệt mài, như cổ xe già yếu, nhưng lòng  nhiệt chưa bao giờ nguội lạnh. Một tấm gương hiếm hoi trong sinh hoạt tập thể  của chúng ta mà không phải ai cũng có......


Mùa lễ tạ ơn 2011
TSQ 2250

PS: Tin giờ chót, chúng tôi vừa hay tin Cựu CB Trần phước An vừa bệnh nặng trở lại.
Sau khi liên lạc, chúng tôi sẽ thông báo tình trạng của anh An đến quý anh em.









No comments:

Post a Comment