Little Saigon: chuyện bây giờ mới kể
Nhà báo tự do Bùi Văn Phú
Gửi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose
Đây là câu chuyện về Little Saigon ở San Jose.
Sự kiện đã gây xôn xao không tại địa phương mà cả nước Mỹ và kéo dài hai năm với những bi hài kịch của xuống đường biểu tình, lúc cao điểm có vài nghìn người; của những phiên họp hội đồng thành phố sôi nổi với số cư dân tham dự và phát biểu đông nhất trong lịch sử nghị trường San Jose; của tuyệt thực; của tán đồng, bất mãn dành cho một vị dân cử gốc Việt, lây lan đến cả thị trưởng.
Các bài liên quan
Chủ đề liên quan
Hôm nay, người kể lại chuyện này là nhân vật trọng tâm của cuộc tranh cãi: Nghị viên Madison Nguyễn.
Cô kể lại sự kiện bằng cách viết một cuốn tự truyện, có tên:"Việt Nam đến Mỹ: Hành trình mơ ước" vừa được phát hành bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh.
Bản tiếng Anh do chính Madison Nguyễn viết trong những ngày mang thai đứa con đầu lòng. Bản Việt ngữ do một ai đó dịch nhưng không ghi tên trong sách.
Buổi ra mắt sách được tổ chức hôm 28-7-2012 với khoảng 200 khách.
Diễn giả chính là ông Hoàng Thế Dân, người đã ủng hộ Nghị viên Madison suốt trong những tháng ngày căng thẳng tranh cãi giữa hai phe.
Những điều ông nói ra, sau khi tóm lược từng chương của quyển sách và những lời bình, một lần nữa xác định sự ủng hộ của ông đối với vị dân cử gốc Việt đầu tiên tại San Jose.
Diễn giả thứ nhì là Giáo sư Kiều Linh Caroline Valverde của phân khoa về Người Mỹ gốc Á tại Đại học U.C. Davis. Giáo sư Kiều Linh cho biết sẽ dùng quyển tự truyện làm tài liệu giảng dạy trong lớp học của cô.
Phấn đấu
Cuốn tự truyện không dày lắm, vỏn vẹn 146 trang và trình bày với khoảng cách giữa hai dòng chữ lại rộng hơn một quyển sách bình thường.
Sách gồm bảy chương, khởi đầu là hành trình đến Mỹ bằng con đường vượt biển như biết bao gia đình Việt Nam khác. Rồi những ngày đầu tiên trên đất mới, cha mẹ làm việc cực nhọc với mơ ước cho con cái học hành nên người.
Nơi định cư đầu tiên của Madison Nguyễn là thành phố Scottsdale, bang Arizona. Sau gia đình cô chuyển về California, sống ở vùng nông thôn Modesto, vựa cây trái của tiểu bang vàng, nơi công việc hái trái cây là nghề sinh sống của hầu hết cư dân.
Như bao người khác, bố mẹ, anh chị em và Madison cũng đi hái trái cây để mưu sinh.
Công việc này sẽ không có gì đặc biệt cho đến một hôm Madison chứng kiến cảnh cha cô bị một đốc công la mắng, gọi ông là "gook" - tiếng miệt thị chỉ người châu Á. Cô tức giận phản đối.
Từ đó, trong tâm cô quyết tranh đấu chống lại những bất công xã hội bằng phương cách hữu hiệu nhất. Đó cũng là lý tưởng đã đưa Madison Nguyễn vào chính trường.
Đó là động lực thúc đẩy cô can thiệp và đòi công lí cho vụ Trần Thị Bích Câu bị cảnh sát San Jose bắn chết.
Nhưng mới vào con đường chính trị được đôi năm thì sóng gió nổi lên như muốn cuốn đi hoài bão đem lại công bằng xã hội của cô.
Gần hai năm trời Madison phải vật lộn với những cáo buộc, những đồn thổi về hành động và quyết định của cô trong việc chọn tên cho khu phố Việt. Qua sự việc này cô nhìn thấy "rõ ràng nhất là ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam cùng những hệ lụy của nó".
Sóng gió vì tin đồn
Madison Nguyễn bị tố cáo là cộng sản vì kết hôn với con quan chức Việt Cộng. Cô đã dành một chương để nói về mối tình với một du sinh, nhưng không phải con cán bộ như những lời cáo buộc sai sự thật.
Cô lấy làm tiếc đã không trả lời những lời đồn đó, và những sai trái khác, ngay từ đầu mà để cho những đồn thổi đi quá xa.
Tự truyện cho người đọc thấy cảm xúc của cô qua dòng chữ. Đang là "con cưng" của cộng đồng bỗng trở thành "cộng sản, kẻ phản bội và gián điệp hai mang".
Nhìn những tấm bảng gọi cô là "kẻ nói dối" hay "người làm chia rẽ cộng đồng", Madison viết: "Tôi không thể nào diễn tả hết cảm giác đau đớn và nỗi thất vọng".
Có lúc cô đã khóc, khóc thật nhiều. Như sau tối đến dự một buổi liên hoan Tết của hội cao niên và đã gặp sự xỉ vả, khinh chê của một số khách.
Nhiều hội đoàn, ngay cả những tổ chức ủng hộ cô, không còn mời cô đến dự sinh hoạt nữa vì sợ bị chống đối.
Những hệ quả đó cô chịu đựng vì muốn dung hoà yêu cầu của các khuynh hướng khác nhau trong việc chọn tên.
Cái tên bắt đầu có hai chữ Vietnam rồi chuyển sang hai chữ Saigon, nhưng không phải là Little Saigon. Cô muốn San Jose có một sắc thái khác những nơi khác nên đề nghị lên hội đồng thành phố tên "Saigon Business District" và đã được chấp thuận với tỉ số 8-3 trong một phiên họp sôi nổi với rất đông cư dân tham dự, đại đa số gốc Việt, và hơn 800 ý kiến phát biểu hầu hết muốn có "Little Saigon".
Theo cô tiếng nói của cư dân khu vực 7 là quan trọng nhất và cái tên cô chọn là một sự dung hoà. Cô cũng cho rằng trong vụ việc này đã có nhiều áp lực đến từ bên ngoài khu vực cô làm đại diện.
Sóng gió nổi lên từ sau đêm đó. Những người chống đối đủ mạnh để vận động theo luật định buộc thành phố tổ chức bầu bãi nhiệm.
Cô thắng kì bầu bãi nhiệm ngày 3-3-2009. Đến tháng 11-2010, tái tranh cử nhiệm kì hai và cô cũng thắng cử.
Con người của gia đình
Tháng Giêng 2011 cô được Thị trưởng Chuck Reed chọn làm phó thị trưởng. Lúc này Nghị viên Madison Nguyễn mới yên lòng hơn để nghĩ đến chuyện gia đình.
Đầu năm nay cô sinh bé gái đầu lòng. Cuốn tự truyện cô viết ra để "Tặng cho Terry [chồng cô] và con gái Olivia Vanessa Trần".
Trong bài nói chuyện hôm ra mắt sách, Nghị viên Madison cho biết mục đích cô viết lại là cho con gái đầu lòng biết mẹ đã làm gì và để sau này cháu khỏi phải trả lời những ai thắc mắc muốn biết về vụ việc Little Saigon, mà cháu chỉ cần nói là mẹ cháu đã viết một cuốn sách về việc này rồi.
Cuốn sách hiển nhiên đưa ra cái nhìn biện minh của Madison và thêm tài liệu cho vụ việc. Những điều cô thanh minh giúp cho độc giả và cử tri hiểu hơn về cô, nhất là sự trân trọng cô dành cho lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Cô ghi lại lời bố cô khi trao lại lá cờ Việt Nam Cộng hòa cho cô trong một buổi họp báo vào cuối năm 2008: "Ba trao lại cho con vì nó tượng trưng cho một phần nguồn gốc của con. Ba mong rằng lá cờ này sẽ chỉ cho con đi đúng hướng trong sự nghiệp chính trị của mình".
Nhưng quyển sách có phải cái nhìn đầy đủ về sự kiện? Đọc qua, những ai theo dõi sự việc sẽ thấy còn khoảng trống trong những điều Nghị viên Madison kể lại, nhất là giai đoạn đầu hình thành dự án đặt tên cho khu phố, trước khi có những buổi họp giữa cô với cộng đồng thì đã có những emails qua lại, được giới truyền thông Việt ngữ tìm ra, giữa cô và một chủ cơ sở thương mại trên đường Story.
Hôm ra mắt sách Madison lại khóc, không vì những nỗi đau mà vì xúc động khi nghe giới thiệu về cô.
Cô lên cám ơn khách đã đến dự và nói đây không phải một buổi sinh hoạt chính trị mà chỉ để ra mắt con gái đầu lòng và đứa con tinh thần của cô.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn coi buổi sinh hoạt là một cách không chính thức Madison ra quân cho hai năm tới.
Kì bầu cử thị trưởng San Jose tới hứa hẹn nhiều sôi nổi. Tuy chưa ai chính thức công bố ý định tranh cử, theo giới quan sát thì sẽ là cuộc đua giữa phó thị trưởng đương nhiệm Madison Nguyễn và cựu phó thị trưởng hiện là giám sát viên quận hạt, ông Dave Cortese.
Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh cách nhìn của riêng ông.
No comments:
Post a Comment