Steve Jobs trong mắt cựu nhân viên Apple
Paul Canetti, rời Apple năm 2009 và cùng một người bạn ở Adobe thành lập công ty MAZ, chia sẻ những suy nghĩ của ông về Steve Jobs và giai đoạn hiện tại của hãng sản xuất iPhone.
"Tôi đã gắn bó với Apple 20 năm theo nhiều cách khác nhau: khách hàng, nhân viên, cố vấn và một nhà phát triển. Trọng tâm của Apple là sự tích hợp xuyên suốt giữa phần cứng và phần mềm. Trong khi Microsoft tham gia vào thị trường điện toán cá nhân với tư cách là một nhà phát triển phần mềm (cho tới gần đây) còn các công ty như Dell, HP chuyên về phần cứng, Apple lại muốn kiểm soát toàn bộ quy trình. Kết quả chính là sự tích hợp sẽ chặt chẽ hơn, mọi thứ hoạt động tốt hơn và khoảng cách phần cứng - phần mềm được xóa mờ.
Dù Apple nổi tiếng về những thiết bị có kiểu dáng đẹp và nổi bật, tôi tin rằng phép màu thực sự của họ nằm ở phần mềm. Các sản phẩm thu hút cả về mặt thẩm mỹ lẫn kỹ thuật, nhưng thực sự, chúng tồn tại là để phục vụ phần mềm.
Điều đó đúng hơn bao giờ hết với các thiết bị iOS. Phần cứng mà người dùng thao tác chủ yếu là màn hình. Màn hình iPhone, iPad là cửa sổ để bước vào thế giới phần mềm và sau đó họ tương tác gần như hoàn toàn với phần mềm.
Steve Jobs hiểu điều này. Ông chú trọng đến các trải nghiệm của người dùng và đảm bảo nó hoạt động không lỗi. Tất nhiên, ông cũng quan tâm tới phần cứng và biết cách kết hợp cả hai để đảm bảo sự cân bằng thực thụ.
Điểm mạnh của Steve Jobs là ông can thiệp vào mọi khâu trong quá trình phát triển sản phẩm. |
Jobs có khả năng xử lý tốt còn vì ông ấy có những cộng sự tài năng, có thể lấp đầy các khoảng trống một cách đáng kinh ngạc.
Về iOS, có thể hình dung mọi việc được phân công thế này:
- Chịu trách nhiệm tổng thể: Steve Jobs (Tổng giám đốc CEO)
- Kế hoạch phần cứng: Jonathan Ive (Phó chủ tịch phụ trách thiết kế)
- Thực thi các kế hoạch phần cứng: Tim Cook (Giám đốc điều hành COO)
- Kế hoạch phần mềm: Scott Forstall (Phó chủ tịch, phụ trách phần mềm)
- Thực thi các kế hoạch phần mềm: Steve Jobs
Jobs thúc đẩy mọi người phát huy tối đa sức mạnh, đòi hỏi sự hoàn hảo, đề ra các hạn chót và đảm bảo trải nghiệm người dùng phải thật tinh tế. Chắc chắn ông cũng tham gia vào khâu thực thi phần cứng, nhưng đây chủ yếu là việc của Tim Cook.
Khi Jobs ra đi, có những khoảng trống trong ban lãnh đạo. Apple không còn giám đốc điều hành COO vì Cook đã lên đảm nhận vị trí cao nhất. Gánh nặng phần mềm cũng hoàn toàn đổ lên vai Scott Forstall. Forstall bao năm qua đã làm tốt vai trò phát triển OS X và iOS, nhưng là dưới sức ép rất lớn của Steve Jobs.
Tôi không rõ liệu Cook có thực sự dành thời gian hoặc có thời gian dùng thử bản đồ Apple Maps không, hay ông đơn giản chỉ ngồi họp nghe những người liên quan thuyết trình những ưu điểm của dịch vụ rồi ca ngợi Forstall đã hoàn thành tốt công việc của mình.
Nếu là Jobs, ông ấy sẽ tự dùng và tự đánh giá chất lượng, dù sao ông cũng là một chuyên gia về phần mềm còn Cook thiên về phần cứng (từng làm cho Compaq và IBM).
Một trong những điểm mạnh nhất (cũng là điểm yếu) của Steve Jobs là ông không tin tưởng bất cứ ai. Ông sẵn sàng nhúng tay vào mọi thứ, nhưng nhờ thế không tiểu tiết nào bị bỏ sót (điều này cũng được nhắc đến trong bài viết Những chuyện chưa được kể về Steve Jobs của tạp chí Forbes).
Thời gian tới, Apple chắc chắn sẽ cải thiện ứng dụng bản đồ và đây là bước đi thông minh để họ độc lập trước các đối thủ. Nhưng một vấn đề lớn mà Apple phải đối mặt đã bắt đầu hiện rõ: thành công của Apple nằm ở sự hòa hợp giữa phần cứng đẹp và phần mềm mạnh. Tôi hy vọng Apple có những con người thích hợp để đảm bảo các trải nghiệm mà họ cung cấp sẽ luôn như chúng ta mong đợi".
No comments:
Post a Comment