My Blog List

Wednesday, March 12, 2014

RỜI BỎ CAO NGUYÊN


RỜI BỎ CAO NGUYÊN

 

LỜI NGƯỜI KỂ CHUYỆN

 

Rượu nồng cạn chén mềm môi

Nghe vang tỳ khúc bồi hồi ruổi dong

Say nơi chiến địa cười ngông

Làm thân chinh khách đừng mong ngày về

......

Cụng nắp bi đông chút rượu nồng

Chợt nghe hành khúc hát trong lòng

Ngất ngưởng hơi men cười chiến địa

Biết đâu còn mất để mà mong

....

Người còn người mất cuộc tang thương

Ôm mối hờn vong luống đọan trường

Chung rượu ngày nay đâu tiếng hát ?

Sa trường ngày cũ hận còn vương

 

Trở về còn lại chút tàn hơi

Nghễng ngãng men say hận ngập trời

Cất tiếng cười vang lòng đau xót

Còn gì ?-Kỹ niệm đã mù khơi !

 

     Ba mươi chín năm qua, nói về cuộc rút lui chiến lược rời bỏ Cao Nguyên tháng 3 năm 1975, đã có nhiều bài của nhiều người viết. Thường những tác giả là những người có cấp bậc cao, nên đã viết về tòan cảnh và khá chi tiết. Những bài viết ấy cũng đủ để người đọc có cái nhìn tổng quan và khá đủ trước, trong và sau cuộc di tản trên đường 7B. Những ngày tháng ấy tôi chỉ là một sĩ quan cấp thấp với vị trí là một Đại Đội Trưởng chỉ nhận lệnh và thi hành, nên không hề biết những trù tính, kế họach rút lui của các cấp chỉ huy có thẩm quyền. Vì vậy tôi không kể những gì của những bài đã viết. Tôi chỉ xin kể lại câu chuyện mà tôi đã trực tiếp trãi qua và những cảm nhận khi  cùng Tiểu Đòan 34 BĐQ của mình với trí nhớ đã bị thời gian bào mòn đi khá nhiều.

  Câu chuyện này, người có đủ tư cách và dữ liệu để kể là Thiếu Tá Trịnh Trân CSVSQ K20 TVBQGVN, Tiểu Đòan Trưởng Tiểu Đòan 34 thuộc Liên Đòan 6 BĐQ, người đàn anh mà tôi vô cùng kính phục. Tôi kể câu chuyện này là tự mình " vẽ  bùa trước mặt Lỗ Ban " đối với vị Tiểu Đòan Trưởng khả kính của mình. Song, tôi cũng xin phép được kể lại để nhớ về những kỹ niệm của cuộc đời quân ngũ ngắn ngủi của mình, và cũng để cho bạn bè cùng khóa đọc trong những lúc rảnh rổi, hòai niệm về những ngày tháng hòang hôn của cuộc chiến, của đất nước và của cuộc đời người sĩ quan QLVNCH.

 

DẪN CHUYỆN

 

     Ngày 18 /01/1974 K26 mãn khóa rời Trường VBQGVN cho đến ngày mất nước 30/4/1975, tính ra có một năm ba tháng mười hai ngày. Riêng những người chọn binh chủng BĐQ, khi ra trường còn đi học khóa  Rừng Núi Sình Lầy, đi thực tập ở đơn vị tác chiến, nghỉ phép… thành ra thực sự là sỉ quan tác chiến thời gian chẳng được bao lâu. Riêng tôi, do lúc đi thực tập bị sốt rét thương hàn nằm điều trị tại Quân Y  Viện Qui Nhơn một tháng và về nhà nghỉ phép dưỡng bệnh một tháng, vì vậy tôi thực sự cầm quân chiến đấu chì vỏn vẹn có chín tháng mười ngày. Mặc dù với thời gian ngắn ngủi ấy, nhưng cũng đã để lại trong tôi nhiều kỹ niệm vui buồn của đời lính chiến, đặc biệt là khoảng thời gian tôi cùng Tiểu Đòan 34 thuộc Liên Đòan 6 BĐQ mở đường 7B để đòan dân quân cán chính của các tỉnh cao nguyên di tản từ Kontum- Pleiku về Sài Gòn.

DI TẢN

 

     Những tháng cuối năm 1974, Liên Đòan 6 BĐQ được điều lên Kontum, Tiểu Đòan 34 đóng quân tại Konsatiu. Lúc ấy tôi là Đại Đội Phó Đại Đội 2 của Tiểu Đòan. Nơi đây ban đêm có thể nhìn thấy ánh đèn của từng đòan xe Molotova của Cộng quân di chuyển trên triền núi ở phía xa. Tuy vậy, khu vực đóng quân của chúng tôi vẫn yên tỉnh. Trên trời, hàng ngày máy bay L19 vẫn bay để tìm Sư Đòan 10 và 320 của Việt cộng và thường liên lạc không lục với các đơn vị ở mặt đất, vì có tin tình báo là Cộng quân sẽ tấn công Kontum. Bất ngờ đến ngày 10/3/1975 được tin Cộng quân tấn công Buôn Mê Thuộc. Sau đó là tin Buôn Mê Thuộc thất thủ.

   Vào khỏang 8 giờ sáng ngày 15/3/1975, Đại Đội 2 nhận lệnh chuẩn bị bàn giao vị trí. Tất cả chuẩn bị sẳn sàng và nằm tại chỗ chờ đợi đơn vị bạn. Gần một giờ sau, Tiểu Đòan hỏi Đại Đội 2 đã sẳn sàng chưa. Đại Đội trả lời đang chờ bàn giao vị trí cho đơn vị bạn. Tiểu Đòan bảo không cần chờ nữa và lệnh cho Đại Đội 2 rời vị trí đến tập trung tại tọa độ XY…Đến  trưa thì Tiểu Đòan đã tập trung đầy đủ. Thiếu Tá Trân gọi tôi đến trình diện và bảo:

- Alfa và Bravo của thằng 4 qúa tệ, lính chê và không phục, không điều động quân được. Bây giờ mi về làm Alfa của thằng 4.

- Nhận rỏ 45 !

  Tôi từ giả Alfa Đại Đội 2, các anh em Hạ sĩ quan và binh sĩ Đại Đội 2. Các anh em bịn rịn đượm buồn. Có vài anh em đề nghị:

- Ông thầy xin 45 cho tụi em theo ông thầy qua Đại Đội 4 với !

  Tôi cảm động trước tình cảm anh em thuộc cấp đối với mình. Dù gì thì từ ngày ra nhận  đơn vị làm Trung Đội Trưởng cho đến bây giờ, trãi qua thời gian cùng nhau đồng cam cộng khổ sống chết có nhau đến nay, lúc chia tay làm sao không quyến luyến bùi ngùi.Tôi an ủi:

-Tôi cũng ở trong Tiểu Đòan của mình thôi chứ đâu phải đi đơn vị khác đâu. Mình còn gặp nhau nhiều mà ! Đừng buồn !

  Tôi qua Đại Đội 4 nhận bàn giao của Đại Đội Trưởng tiền nhiệm. Sau khi nhận bàn giao xong, các anh em Đại Đội 4 xúm quanh chào mừng:

- Chào Trung Úy ! Vậy là từ nay Trung Úy là Alfa của Đại Đội 4 này. Tụi em nghe tiếng của Alfa lúc còn ở bên Đại Đội 2.

- Nghe tiếng sao ? Tôi hỏi.

- Alfa rất hiền, thương lính như anh em, gan dạ, nhưng cũng rất nghiêm khắc và sắt máu.

  Tôi nửa đùa nửa thật:

- Đừng ca ngợi bây giờ , sau đó thất vọng  rủa sau lưng nghe các bạn.

  Một anh đem bi đông rượu ra và nói:

-Tụi em mời ông thầy vài chung nước mắt quê hương gọi là chào mừng ông thầy về làm Alfa Đại Đội 4 !

   Tôi bưng ly rượu lên và nói:

- Chào các anh em! Chúc các anh em luôn mạnh khỏe, nhiều may mắn. Hy vọng chúng ta xem nhau như là anh em một nhà cùng nhau đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau!

-Tụi em xin hứa với ông thầy: Tụi em sẽ không đứa nào đào ngũ  cho đến khi Alfa rời khỏi đơn vị này. Thầy đâu trò đó. Sống thì cùng sống, chết thì cùng chết !

   Tôi xin mở ngoặc để kể về lời hứa này. Nhớ lại, lúc đơn vị trên đường từ Vũng Tàu về  Long Bình. Khi vào địa phận Biên Hòa, lúc ấy đã hơn 8 giờ tối, thừa lúc xe chạy chậm hoặc dừng lại vì kẹt xe hay qua ngã tư, lính của Đại Đội 4 nhảy xe trốn về Sài Gòn gần hết. Vào Long Bình, tập họp Tiểu Đòan điểm quân số, Đại Đội 4 gần như chỉ còn phần đông là cán bộ. Thiếu Tá Trân lúc ấy nổi giận, đây là lần duy nhất Tiểu Đòan Trưởng nổi giận với tôi:

- Đ. mạ ! Vậy mà nghe nói mi chỉ huy lính giỏi lắm ! Ngày mai nếu đi hành quân thì lính đâu mà đi ?

- Không sao đâu 45! Lâu quá rồi chưa có phép, nên tụi nó chỉ dọt về thăm nhà thôi ! Ngày mai tụi nó sẽ lên đầy đủ mà !

- Lính lúc này nếu đi được là nó đi luôn chứ lên cái gì ! Nhất là lúc này mi biết là lúc nào không? Sáng mai tập họp Tiểu Đòan, Đại Đội 4 của mi không đầy đủ quân số, tao sẽ cạo đầu mi nhốt chuồng cọp và cho mi 8 ngày trọng cấm .

  Tám giờ rưởi sáng hôm sau, Tiểu Đòan tập họp, báo cáo quân số Đại Đội 4 chỉ thiếu một người. Thiếu Tá Trân cười và nói như nói với chính mình :

- Không biết nó ăn ở đối đãi sao mà lính của nó không bỏ đi hè !

  Rồi nhìn xuống Đại Đội 4 ông cười và nói tiếp:

- Ban Một chơi Đại Đội 4! Đại Đội Trưởng thì bành ki còn lính thì tòan là ốc tiêu.

  Tôi biết lính của tôi sẽ không đào ngũ vì đã uống rượu và đã hứa, lời hứa như một lời thề. Cũng chính lời hứa này mà sáng ngày 28/4/1975 ở Rạch Chanh, Thủ Thừa , Long An thầy trò ở  CB Đại Đội vừa chết vừa bị thương gần hết. Riêng tôi thì may mà chưa chết, chỉ để ruột ra bên ngòai.

  Trờ lại lúc bấy giờ, thầy trò đang vui vẻ thì có lệnh lên xe di chuyển. Đến 8giờ tối thì Tiểu Đòan cùng với Liên Đòan đến Hàm Rồng. Khi đi ngang phi trường Pleiku vẫn còn thấy máy bay, nhưng vắng vẻ không một bóng người, có lẻ họ đã đi trước hết rồi. Sau đó các Đại Đội Trưởng được lệnh lên Tiểu Đòan để nhận lệnh. Tiểu Đòan Trưởng, Thiếu Tá Trịnh Trân trãi bản đồ và nói:

-Tổng Thống ra lệnh bỏ Cao Nguyên về bố trí cố thủ đồng bằng. Liên Đòan 6 BĐQ là đơn vị đi trước mở đường. Liên Đòan giao cho Tiểu Đòan 34 đi đầu cùng với một Đại Đội Công Binh và Chi Đòan M113 (?). Tiểu Đòan giao  Đại Đội 4 của Trung Úy Tiếm mở đường.

  Tiểu Đòan Trưởng chỉ trên bản đồ và nói:

-Chúng ta sẽ đi đường7B. Con đường này gần 20 năm không còn sử dụng để tạo bất ngờ cho địch. Vì đã lâu không sử dụng nên đường có thể bị cây rừng che bít, Đại Đội Công Binh có nhiệm vụ đi trước làm cho đường trống trãi. Mật lệnh là nếu binh sĩ  bị thương hoặc chết đều bỏ lại. Lệnh này chỉ các Đại Đội Trưởng được biết, không được tiết lộ ra cả đơn vị. Tất cả về Đại Đội bố trí phòng thủ kỷ lưởng, ngày mai khi có lệnh sẽ lên đường. Còn ai có điều gì cần hỏi hay có ý kiến gì không. Nếu không thì ai về lo nhiệm vụ nấy.

  Sau khi nhận lệnh,tôi nghĩ thầm: Chắc thân này không về tới Sài Gòn.Thôi kệ ráng, sống chết có số.

  Sáng sớm hôm sau, Tiểu Đòan di chuyển bằng  quân xa. Từ Hàm Rồng theo Quốc Lộ 14, đến ngã ba Tam Thanh của quận Chư Sê thì vào đường 7B. Đọan đường này còn khá tốt, mặt đường vẫn còn nhựa. Nhiều đọan cây rừng mọc sát, cành lá che kín cả đường. Khỏang 8-9 giờ sáng Tiểu Đòan đến Phú Bổn. Đơn vị dừng lại liên lạc với Chi Khu Phú Bổn, nhưng không được. Hình  như quan chức Phú Bổn đã đi trước. Lúc này dân và quân từ PleiKu , Phú Bổn đang đi theo sau đơn vị . Tiểu Đòan cung cấp cho các Đại Đội bản đồ mới và đi tiếp.

  Thời gian ngắn sau thì Tiểu Đòan đến địa phận Cheo Reo và tiến qua đèo Tu Na. Đường đèo quanh co uốn lượn, nên đòan xe di chuyển chậm. Một bên là vách núi, một bên là thung lũng với cây rừng thẳng đứng mọc rãi đều như có người trồng. Theo triền thung lũng cỏ xanh trãi thảm tân dưới khe sâu. Sương trắng vẫn còn lãng đãng bên dưới trên những ngọn cây.Một phong cảnh thật đẹp và hữu tình. Một tấm bảng lớn đề " Thung Lũng Hồng". Một người lính ngồi kế bên tôi chỉ tay xuống thung lũng và nói:

- Alfa xem ! Thật là đẹp và thơ mộng. Có "bồ" dẫn đi ở đây thì tình biết mấy !

  Tôi cười và nói:

- Đẹp và thơ mộng thật! Nhưng nếu Việt Cộng phục kích ở đây thì "Thung Lũng Hồng " thành " Thung Lũng Đen ". Thầy trò mình không đường chạy thóat. Mình qua  rồi, vì bất ngờ nên Việt Cộng chưa chặn kịp. Không khéo những đơn vị đi sau mình bị tụi nó chặn đánh ở đây thì mệt lắm !

  Tiếu Đòan qua khỏi đèo Tu Na về đến Hậu Bổn thì dừng lại. Đọan này trở đi đường  xấu hẳn, không còn tí nhựa nào, đất đá lởm chởm. Đại Đội 4 đóng quân ở cánh rừng ven đường giữ an ninh cho đòan di tản. Rừng thuộc lọai rừng già, cây to và cao không có cây con nên rất thóang, nhưng trên cao những táng lá đan nhau che kín bầu trời. Bố trí quân xong thì khỏang 5giờ chiều, tôi ngồi dưới một gốc cây to. Bổng một tiếng " T..ố..ố..ố..ố…h..ộ..ộ..ộ…" thật to làm tôi và các anh em binh sĩ giật thót cả người. Thầy trò còn đang ngơ ngác thì cả khu rừng vang lên tiếng "tố hộ" đều khắp. Thì ra là tiếng của bầy công gáy chiều. Đưa mắt nhìn lên ngọn cây chẳng thấy bóng dáng con công nào. Có lẻ cái cây mà tôi đang ngồi dưới gốc là cây to và cao nhất. Con công trên ngọn là con công chúa đàn, nên khi nó gáy xong là cả bầy đồng gáy lên một lượt nghe vang cả khu rừng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi mới nghe công gáy. Tiếng gáy thật rỏ to và vang rền. 

  Sáng hôm  sau, hay tin là các đơn vị đi phía sau bị Việt Cộng chặn đánh tại đèo Tu Na- Thung Lũng Hồng và bị tổn thất rất nặng. Nỗi lo sợ của tôi hôm qua nay đã thành sự thật, vì vị thế đèo này là hiểm địa. Trước mặt Đại Đội, trên đường là đòan di tản. Bây giờ tôi mới có thì giờ quan sát kỷ đòan di tản. Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn xe cộ đủ lọai: xe quân đội, xe khách, xe cam nhông, xe gắn máy, xe đạp… nối đuôi chen chút nhau nhích từng chút một. Không biết bao nhiêu xe vì hết xăng, bể bánh, hư… bị vất nằm im lặng chơ vơ trên đường, vô tình làm vật cản đường của đòan xe và người di chuyển. Còn người đi bộ thì khá đông: dân thường già trẻ bé lớn nhếch nhác, tơi tả… dắt dìu nhau, hòa lẫn các sắc lính rời đơn vị, tan hàng đi trên đường. Tiếng kêu khóc, gọi nhau í ới, mẹ lạc con, vợ lạc chồng. bà  lạc cháu… hòa với tiếng máy xe, khói bụi…tạo thành một thứ âm thanh hổn độn thảng thốt, một quang cảnh rối ren và thê thảm. Thỉnh thỏang đâu đó vài lọat tiếng súng cá nhân của bọn du kích trong rừng bắn vào đòan di tản, hay vài ba trái cối từ rừng bắn ra. Mỗi lần như thế thì có máu đổ, người bị thương hoặc chết. Thật đau thương và hải hùng. Tội nhất là những người già, trẻ nhỏ vất vả vì nắng gió đói khát bơ phờ, nhiều người kiệt sức. Một đứa bé rời tay mẹ chạy lại bên lề bốc một nắm cơm thiu đã lên meo mốc mà ai đó đã bỏ ở bên đường, ăn lấy ăn để. Mẹ nó chạy lại ôm con khóc ngất : "Tội nghiệp con tôi ! ", tiếng kêu vừa đau thương vừa uất nghẹn. Một đứa bé gái độ 11-12 tuổi, nằm trên tay một phụ nữ và bà già, chắc là mẹ và bà của bé. Mình bé nhuộm đỏ máu tươi, hai mắt nhắm nghiền. Người phụ nữ và bà già gào khóc kêu " con hởi con ơi !" Một chị còn trẻ, người xanh xao yếu ớt, bồng một hài nhi còn đỏ hỏn được quấn bằng một tấm khăn lông đã bám đầy bụi đất, nằm bên một chiếc xe khách mắt nhắm, máu ướt đỏ cánh tay. Anh chồng thì cũng bị thương nơi tay, máu đỏ ướt cánh tay áo, kêu khóc thảm thiết vì nghĩ vợ con mình đã chết. Nhìn những cảnh ấy tôi thấy tim mình thắt lại, nước mắt chực trào ra!Tôi gọi anh y tá của Đại Đội và vài người lính đứng kề bên chạy ra xem xét vết thương của những người bị thương. Hỏi ra thì được biết cháu gái bị bắn đạn xuyên cạnh sườn, còn chị ôm con nhỏ mới sinh được ba ngày thì chạy giặc. Hai vợ chồng bị mảnh pháo của Việt Cộng văng trúng. May là những người bị thương không chết, chỉ vì đói khát, mất máu  nên bị mệt lã. Tôi lại gọi những anh em binh sĩ khác dùng poncho nối nhau làm thành một cái lều lớn ven đường, đem cơm sấy, thịt hộp và nước uống cho dân nghỉ tạm và ăn uống. Y tá của Đại Đội đến xem từng người bị thương , rửa vết thương băng  bó lại, chích thuốc , ăn uống và họ dần hồi tỉnh. Khi họ tỉnh và khỏe lại, tôi tìm xe còn trống và gữi họ đi, trong lòng thầm vái van cho họ  được bình yên về tới Sài Gòn. Nhưng đường đi còn xa dịu vợi, đạn lạc bom rơi muôn sự hiểm nguy. không biết họ có về đến nơi bình an không !?...

 

 Mt người lính nói vi tôi :

- Alfa ! Nếu tiếp tục cho dân ăn, mình sẽ không còn lương thực nữa đâu.

  Tôi lo cứu dân mà quên lính mình, nhưng không lẻ thấy chết mà không cứu. Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Nếu mình có gạo thì không lo .

  Một người lính khác nhanh nhẩu:

- Hình như cách mình vài trăm thước có xe lô bồn chở gạo nằm dọc đường.

  Tôi như người chết chìm vớ được phao:

- Ở đâu ?

  Tôi nhìn theo tay chỉ của người lính thấy đàng xa có xe lô bồn trên chất nhiều bao màu trắng. Tôi ra lệnh:

- Vài anh em mang theo súng đạn yểm trợ nhau vác vài bao đem về đây.

  Một lát sau thì các anh vác về ba bao gạo. Một anh nói:

- Bây giờ mình phải đi lấy nước ở suối phía sau mình cách khỏang 3-4 trăm thước.

Tôi dặn dò anh em đi nhớ mang vũ khí và cẩn thận, dù mình có chốt gác ở phía đó.   Bổng một người lính khác nói:

- Đã có gạo rồi, không lẻ chỉ ăn cơm trắng không sao Alfa ? Đồ hộp của mình thì đâu có nhiều !

- Chứ làm sao bây giờ! Tìm đâu ra thức ăn! Có cơm cũng quý rồi! Tôi nói.

- Em thấy có một ông già đang dắt theo một bầy bò. Hay Alfa xin ổng một con làm thịt cho dân ăn .

  Tôi nghe hữu lý, liền đi ra chỗ ông già đang lùa bầy bò.

- Chào bác! Bác chạy giặc mà sao còn lùa cả bầy bò theo thì làm sao ổn bác ? Một mình còn khó huống hồ có cả đàn bò đi theo !

- Bỏ lại thì cũng uổng Trung Úy! Ở nhà đâu còn ai! Gia tài tui chỉ có bấy nhiêu. Kệ tới đâu hay đó chứ biết sao!

-Thưa bác ! Tụi con đang nấu cơm cho bà con ăn, và tạm dừng chân nghỉ ngơi trong lều như bác thấy đó. Nhưng khổ nỗi là có cơm rồi mà chẳng có gì ăn. Vậy con mạo muội xin bác cho tụi con một con bò để làm thịt nấu cho dân ăn với cơm được không bác ?

- Được, được ! Trung Úy cứ bắt con nào cũng được.

  Thế là 4-5 anh lính của tôi chạy ra đè vật một con làm thịt tức thì. Đây là giống bò cỏ nhỏ con, bị vài anh chàng lính nắm 4 giò vật ngữa dể dàng.

- Nấu nướng nhớ chú ý không được có quá nhiều khói . Tôi căn dặn.

  Chỉ một lát thì đã có thịt bò kho muối cho bà con ăn với cơm. Thương nhất là các em nhỏ. Có lẻ mấy ngày đói khát nên ăn uống trông thật ngon lành. Tôi hỏi một em:

- Có ngon không em ?

- Ngon…ngon quá chú ơi ! Cám ơn chú !

  Thắm thóat mà trời đã ngã về chiều. Tôi thấy một vài chiếc M48, một số các anh em binh sĩ ngồi trên xe với dáng vẻ mệt mỏi thiểu não. Khi chạy ngang, chúng tôi vẩy tay chào, các anh em ngồi trên xe chào lại, nhưng gương mặt anh nào cũng buồn hiu.  Có lẻ đây là những  xe và anh em may mắn thóat được từ trận đánh ở đèo Tu Na chăng? Một chiếc xe jeep chạy qua, trên carbo xe để một xác người quấn poncho nằm ngang. Chắc là đồng đội anh không nở bỏ anh ở lại. Tôi nhìn mà thấy chạnh lòng.

  Đại Đội được lệnh di chuyển. Chúng tôi từ giả và quay lại giục bà con sớm lên đường.

  Khi gặp tôi, Thiếu Tá Trân ra lệnh:

- Mi có nhìn thấy ngọn núi phía trước bên phải không ? Chúng ta đi với đòan di tản một đọan phía sau, lúc ngang gần ngọn núi thì mi cắt rừng  đưa Tiểu Đòan lên ngọn núi ấy. Tối nay mình ém quân ở trên đỉnh. Dưới chân thỉ có thiết giáp phòng thủ . Phải tuyệt đối giữ im lặng. Lên đỉnh trước khi trời tối.

- Nhận rỏ 45 !

  Đi trên  đường khi đến gần ngang với ngọn núi, tôi cho Đại Đội âm thầm rẻ vào rừng. cắt rừng nhắm thẳng núi đi tới, Tiểu Đòan nối bước theo sau. Đến gần tối thì Tiểu Đòan đã lên đến đỉnh núi.Tiểu Đòan ra lệnh cho các Đại Đội bố trí phòng thủ, chuẩn bị thật kỷ lưỡng, nhưng tuyệt đối không được gây tiếng động , có ánh lửa hoặc ánh  đèn. Việt Cộng  tối nay sẽ tấn công. Đại Đội 4 phòng thủ hướng phía đường. Núi này tòan  là đá và cây to, nên binh sĩ chỉ còn cách tìm hốc đá làm hố cá nhân để ẩn núp.

  Đúng như cảnh báo của Tiểu Đòan Trưởng, đến khuya thì nghe bên dưới chân núi tiếng súng nổ đều, nhất là lực lượng thiết giáp dưới chân núi có hỏa lực hùng hậu nên bắn rất dữ. Trên đỉnh núi nhìn xuống đạn lửa đỏ xanh đan nhau khắp cả một vùng. Lúc ấy tôi mới biết ý định của Tiểu Đòan Trưởng. Vì biết địch đã bám sát và sẽ tấn công mạnh để tiêu diệt các lực lượng của ta, nên cho Tiểu Đòan lên đỉnh núi sẽ an tòan hơn và nhất là bảo tòan được lực lượng. Gần sáng thì tiếng súng thưa dần và dứt hẳn. Không biết các lực lượng bên dưới tình hình ra sao.

  Sáng  ra, tôi được lệnh mở đường dẫn Tiểu Đòan xuống núi, nhưng không được để lại dấu vết. Mở bản đồ ra xem thấy phía sau núi có một con suối bắt nguồn từ một đỉnh yên ngựa chảy xuống. Để xóa dấu vết lại vừa kín đáo hay nhất là lội ngược dòng suối đi lên đỉnh yên ngựa . Tôi báo lại Tiểu Đòan Trưởng. Thiếu Tá Trân đồng ý. Đại Đội 4 đi đầu mở đường. Cả Tiểu Đòan lội ngược dòng suối. Khoảng 9 giờ sáng thì Tiểu Đòan lên đến đỉnh yên ngựa. Lúc này Thiếu Tá Trân gặp Đại Đội 4 trên đỉnh , thấy Thiếu Úy N. là Đại Đội Phó của Đại Đội 4. Thiếu Úy N. là Bravo cũ từ ngày tôi làm Trung Đội Trưởng của Đại Đội 2, bèn hỏi:

- N.! Mi cho biết điểm đứng của mình hiện giờ ở chỗ nào trên bản đồ ?

  Thiếu Úy N. loay hoay với bản đồ một hồi rồi đọc tọa độ. Tôi cười và Thiếu Tá Trân thì nói như quát:

- Mi chấm điểm đứng sai cả cây số. Nếu gọi pháo binh chắc bị bắn vô đầu. Vậy mà cũng chấm được.

  Nói xong , ông bèn quay sang tôi nói:

- Bravo thì chấm sai cả cây số, còn Alfa thì chấm thử coi.

  Tôi nghĩ 45 đang kiểm tra mình đây. Tôi cũng đã bị kiểm tra về địa hình khi ra trình diện Đại Đội 2. Alfa Đại Đội 2 lúc ấy là Trung úy Hòang Văn Giai, CSVSQ K 24 trước khi cho tôi làm Trung Đội Trưởng, Alfa Giai đưa bản đồ và la bàn cho tôi và hai Chuẩn Úy về Đại Đội cùng với tôi, rồi chỉ mấy ngọn núi xa ở hướng mật khu An Lão bảo:

- Các anh chấm xem mấy ngọn núi đó nẳm nơi nào trên bản đồ.

  Chỉ sau ít phút tôi đã chấm xong và đưa cho Alfa Giai xem. Khi xem xong bản đồ của cả ba người, Alfa Giai nói:

- Ngày mai Tiếm ra nắm Trung Đội, còn hai anh ở lại Đại Đội tôi huấn luyện lại ít ngày rồi ra sau.

  Bài học về địa hình hồi còn ở Trường Võ Bị mà HLV địa hình, Đại Úy Nguyễn Văn An CSVSQ K21, đã ưu ái đặc biệt dạy cho K26 bây giờ thấy thật hữu dụng. Đi hành quân  không cần xem bản đồ mà vẫn biết mình đang đứng ở đâu. (Còn tặng  SVSQ K26 mỗi người một cuốn " Cẩm Nang Địa Hình" bỏ túi khi ra trường).

  Tôi đọc tọa độ điểm đứng xong. Bây giờ mới nhìn ngọn yên ngựa này. Trên đỉnh gần như  không có đá và cây, cỏ mọc cao gần đến thắt lưng. Bổng thấy cỏ bị đè rạp sát đất thành một con đường rộng chừng 4 mét.  Tôi chỉ Thiếu Tá Trân xem. Ông nói:

- Như vậy hôm qua hoặc hồi hôm, Việt công đã chuyển quân qua đây với một lực lượng rất đông ra đường đón đầu chặn đánh các lực lượng của mình.

  Vừa  lúc ấy từ trong rừng cạnh sườn núi bốn năm anh chàng BĐQ đi ra. Tôi gặp một Trung Úy trong  nhóm. Chúng tôi mừng rở bắt tay nhau: Trung Úy Hiền, danh số 204 là khóa sinh Rừng Núi Sình Lầy với tôi khi học ở Dục Mỹ. (Sau về làm Trưởng Ban 3 của Tiểu Đòan 34, nhưng tôi không biết. Năm 2012 khi gặp lại nhau ở San Jose, niên trưởng Trịnh Trân nói tôi mới biết ). Anh và vài anh em khi đơn vị bị tan rả đã lẫn vào rừng mấy ngày mới ra đến đây gặp lại chúng tôi. Tôi tặng  cho anh hai bịch gạo sấy và hai hộp thịt có sẳn trong túi quần, chỉ hướng ra đường và dặn anh cẩn thận. Sau đó Tiểu Đòan cũng xuống núi xuyên rừng theo ly giác trên bản đồ đi tắt nhanh ra đường để theo đòan di tản.

 

Một quang cảnh của đòan đi tản ( ảnh internet )

  Lúc này thì đòan  di tản càng đông, nhất là lính tan rả đơn vị, gần như người nào cũng mang vũ khí. Tôi đã nghe chuyện lính bị tan rả đơn vị, một số làm lọan cướp bóc… bắn giết ở một số nơi. Tôi ra lệnh cho lính của Đại Đội 4:

- Nếu gặp những trường hợp lính làm lọan thì bất cứ người nào cũng được quyền bắn bỏ, bất kể là quan hay lính và bất kể là binh chủng nào. Ngay cả lính của đơn vị mình.

  Khi ra tới đường, Tiểu Đòan tìm được một số xe cam nhông trống để đi. Đang đi thì cả đòan bổng dừng lại. Hỏi dân thì được biết phía trước có chốt của Việt Cộng. Tôi bèn hô lớn:

-Tất cả hảy nhường đường cho Tiểu Đòan 34 lên đánh chốt.

  Tức thì xe cộ và người dạt ra hai bên, mở một con đường trống. Đại Đội 4 đi lên trước và Tiểu Đòan tiếp theo sau. Lên  đến phía trước thì thiết giáp M113 cũng đã có mặt. M113 bên trái, Đại Đội 4 bên phải đồng tiến lên. Chỉ lọat đạn đầu thì Việt Cộng  đã bỏ chạy biến vào rừng. Đây có lẻ chỉ là đám du kích địa phương ra làm chậm bước tiến của đòan  di tản, nên khi thấy M113 và BĐQ thì chạy thụt mạng.

  Đòan di tản lại tiếp tục đi, Tiểu Đòan 34 đi đọan hậu. Qủang đường này lâu lâu lại có một cái chốt. Cứ mỗi lần như thế, Đại Đội 4 và Tiểu Đòan 34 lại vượt lên ủi chốt. Cũng chỉ là những cái chốt do du kích hay quân cơ động địa phương của chúng. Việt Cộng nghĩ rằng với một lực lượng nhỏ cũng có thể chặn được đường đi của đòan di tản hổn độn, để cho quân chủ lực của chúng bám theo hay chặn đường để tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng không ngờ trong đám hổn độn dân và quân ấy  có một Tiểu Đòan  BĐQ còn nguyên lực lượng, lại có cả Thiết Vận Xa M113 yểm trợ làm nhiệm vụ "hộ tống" cho đòan di tản. Vì vậy khi giáp mặt, chúng nhanh chóng đánh bài chuồn vào rừng, rồi chỉ còn quấy phá bằng cách bắn cối hoặc súng trường vào đòan di tản, gây cảnh thịt rơi máu đổ cho dân thường.

  Đi trên con đường nhiều hiểm nguy, vất vả, đói khát, chết chóc này, đòan người  di tản chỉ còn một điểm tựa duy nhất là Tiểu Đòan 34 BĐQ. Vì vậy khi bị chặn bởi Việt Cộng hay bị trục trặc không đi được là họ báo cho hay và tự động nhường đường cho Tiểu Đòan 34 vượt lên trước để giải quyết. Một lần như thế, không phải bị chốt Việt Cộng mà lại do hai "ông thần nước mặn" phe ta cản đường. Sau khi Đại Đội 4 lên được phía trước, tôi thấy một chiếc xe jeep chắn ngang đường. Ngồi trên xe là một anh Trung Úy và đứng dưới đất sát bên xe là một anh Trung Úy khác. Cả hai đều mặc quân phục với phù hiệu BĐQ và đều mang súng colt. Tôi thì lúc nào cũng tay cầm M16, bước xuống khỏi cabin xe cam nhông, tôi đi tới gần và hỏi:

- Hai anh làm gì mà cản đường, sao không tránh ra cho đòan di tản đi ?

  Một trong hai người hỏi lại tôi:

- Anh là cái thá gì mà ra lệnh cho tụi tôi ?

  Mặt tôi đanh lại, mắt đổ hung quang nhìn thẳng mặt hai người và nói chậm gằn mạnh:

-Tôi không là gì cả, nhưng tôi yêu cầu hai anh cho xe qua một bên để đòan di tản đi. Nếu không tôi sẽ không khách sáo với hai anh.

  Vừa nói tay tôi bồng khẩu M16 lên mở khóa an tòan. Lúc ấy lính của tôi đã chạy lại, thấy tôi làm thế cũng bồng súng mở khóa an tòan hướng về hai người. Lúc đầu thấy một mình tôi, hai người tưởng tôi cũng là một sĩ quan chạy làng đi có một mình. Bây giờ thấy tôi làm dữ lại có lính, một người bèn dịu giọng:

- Anh em cả, có gì từ từ nói.

Tôi vẫn nghiêm nghị:

-Yêu cầu hai anh lui xe ra lề đường.

Anh ngồi trên xe bèn cho xe lui ra lề tránh đường.

  Đòan người xe tiếp tục đi. Đòan xe và người này,  chỉ là một phần của hàng trăm ngàn dân và quân  đang trên đường di tản,  đã cùng với Tiểu Đòan 34 may mắn thóat khỏi sự truy kích và truy sát của Việt cộng, vì vậy ít bị thương vong. Phía sau  chắc là máu đổ thây phơi vì đạn lạc pháo rơi của Việt Cộng, vì nắng gió đói khát…của những người dân thường lẫn binh lính thê thảm hơn nhiều. Ngồi trên xe nhìn đòan xe và người khổ sở tả tơi mà tôi nghe lòng mình nặng trĩu một nỗi buồn thương cảm. Chiến tranh bao giờ cũng gây cảnh chia lìa, mất mát, chết chóc, điêu tàn..., thật là

Lửa hồng kia chửa tắt, 
Chinh chiến hẳn chưa nguôi. 
Tráng sĩ giờ đây đã thác rồi, 
Ngửng đầu tiếng ngựa hí bi ai. 
Sĩ tốt phơi thây ngọn cỏ, 
Tướng quân trơ trọi một ngươi. 
Kên kên rỉa xác nơi đồng nội, 
Cành khô vất vưởng ruột tanh hôi. 
Than ôi! 
Xưa nay binh lửa là hung khí, 
Thánh nhân chẳng đặng mới dùng thôi.

( thơ Lý Bạch )

  Chính bọn vô thần qủy đỏ vì tham vọng thống trị, cúi đầu làm tay sai cho Cộng Sản Quốc Tế đã gây ra cuộc chiến tranh này ! Chúng tôi, những người lính VNCH vì phải bảo vệ nền tự do nhân bản buộc phải cầm súng chiến đấu. Nhưng hởi ơi ! Tạo hóa cơ cầu, vận nước suy vi nên khiến cho kẻ gian ác đắc thời, người lương thiện sa cơ thầt thế.

Nhìn vận nước anh hùng sa lệ thảm

Thương lê dân phải chịu cảnh lầm than!

  Giửa cảnh hổn lọan này, Tiểu Đòan 34 như một dỏng tướng đơn thân độc mã, lúc lên đầu phá chốt mở đường, lúc xuống sau âm thầm cản hậu. Tôi  càng nghĩ càng thán phục vịTiểu Đòan Trưởng, đàn anh của tôi, đã xoay sở cách nào mà khi không còn có nguồn tiếp tế, binh sĩ vẫn có lương thực không bị đói ngày nào, đạn dược vẫn đầy đủ, vẫn có bản đồ khi đi qua một địa phận hành chánh mới, nắm vững tình tình, điều động đơn vị tiến lui, giữ vững đội hình giửa cảnh hổn lọan nháo nhào, bão tòan lực lượng để hộ tống đòan di tản này, dù đây chỉ là một phần dân quân của cuộc triệt thóai. Nhưng như thế cũng đã nói lên cái tài thao lược của một vị chỉ huy. Tôi hảnh diện vì được là thuộc cấp và là đàn em của vị đàn anh này.

 

No comments:

Post a Comment