Senkaku và quan hệ tay ba hay tay tư?
Bị tin tức tràn ngập về các cuộc biểu tình phản đối Hoa Kỳ tại mấy chục thành phố Hồi giáo vì một cuốn phim bài xích đạo Hồi, truyền thông Mỹ không nói gì nhiều về một biến cố Ðông Á.
(Nhân đây, có chi tiết đáng ghi là làn sóng chống Mỹ khởi đi từ thủ đô Cairo của Ai Cập và nhất là ở thành phố Benghazi tại Libya vào chiều ngày 11 tháng 9. Khu vực Bắc Phi đó thuộc múi giờ quốc tế UTC+2, tức là sớm hơn thủ đô Hoa Kỳ tám tiếng. Khi làm tin, chúng ta nên để ý đến sự kiện ấy thì mới xác định được là việc gì xảy ra trước, hay sau, và suy luận cho đúng về chuyện nhân quả và trách nhiệm của những người làm chính sách. Xin hãy trận trọng trong các bản tin!)
Ảnh hưởng tâm lý tại Hoa Kỳ và trong thế giới Hồi giáo về biến cố 9-11 (vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001) khiến ta ít quan tâm đến một quyết định của chính quyền Nhật vào ngày 12 tháng 9. Vì giờ Tokyo đi trước thủ đô Hoa Kỳ 15 tiếng nên quyết định ấy bị chìm trong thời sự Hoa Kỳ về vụ 9-11 và về các cuộc biểu tình bạo động chống Mỹ: Hôm đó, Thủ Tướng Nhật Yoshihiko Noda cho chính quyền mua lại ba trong năm hòn đảo nhỏ của quần đảo Senkaku.
Quyết định ấy khiến Bắc Kinh cho bung ra làn sóng chống Nhật. Cả ngàn ngư thuyền được phép tiến vào vùng quần đảo Senkaku mà Trung Quốc nhận là của mình và gọi là Ðiếu Ngư Ðài. Trong lãnh thổ, biểu tình chống Nhật đã lan rộng tại 85 thành phố lớn nhỏ kể cả Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Tây An, Thanh Ðảo, Quảng Châu, v.v... và bạo động xảy ra tại nhiều nơi, xe hơi hoặc cửa hàng Nhật bị đốt phá.
Tại Trung Quốc (hay Việt Nam và cả Ai Cập sau "Mùa Xuân Á Rập") biểu tình và tụ tập quá năm người là đã có thể bị cảnh sát ngăn cản và giải tán. Vì vậy, những gì xảy ra tại Trung Quốc không là ngẫu nhiên và khó là tự phát sau vài ba tiếng đồng hồ.
Về vị trí địa dư, quần đảo Senkaku (Tiêm Các Chư Ðảo, các đảo Tiêm Các) hay Ðiếu Ngư Ðài nằm trong khu vực tiếp cận giữa Okinawa và các quần đảo Tây Nam của Nhật với Ðài Loan. Về chính trị, Senkaku/Ðiếu Ngư được cả Nhật, Trung Quốc và Ðài Loan nhận là của mình. Nhưng thực tế lại do Hoa Kỳ quản lý và mới chỉ trao lại cho Nhật Bản từ năm 1972.
Gồm năm hòn đảo nhỏ, xưa nay chẳng có mấy ai cư ngụ và do tư nhân Nhật làm chủ, Senkaku trở thành mối quan tâm vì tiềm năng dầu khí lẫn vị trí chiến lược giữa Nhật và eo biển Ðài Loan.
Nhật làm chủ quần đảo này từ năm 1895 cho đến Thế Chiến II và phải trao cho Hoa Kỳ quản lý sau khi bại trận năm 1945. Chủ quyền về Senkaku liên quan đến chủ quyền của Trung Hoa Dân Quốc hay Ðài Loan mà Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa nhận là của mình. Vì thế mới có quan hệ tay ba, giữa Tokyo, Bắc Kinh và Taipei trong hồ sơ rắc rối này.
Về thực tế, các phe liên hệ (Bắc Kinh và Ðài Loan) lãng quên hồ sơ này trong mấy chục năm liền, cho đến năm 1969, khi Ủy Ban Kinh Tế và Viễn Ðông ECAFE của Liên Hiệp Quốc cho rằng bên dưới lại có tiềm năng dầu khí. Là quốc gia thứ tư ở trong cuộc, Hoa Kỳ giữ vị trí trung lập về chuyện chủ quyền nhưng sau khi quản trị từ 1945 đến 1972 đã trả lại cho Nhật do Ðạo luật Hoán chuyển Okinawa của Thượng Viện Mỹ vào năm 1971.
Bây giờ, chúng ta tìm hiểu tiếp là vì sao lại có làn sóng chống Nhật tại Trung Quốc vào lúc này?
Làn sóng chống Nhật
Nhật từng cai trị Ðài Loan trong nhiều thế kỷ và còn xâm chiếm Trung Quốc sau khi tấn công Mãn Châu ngày 18 tháng 9 năm 1931 ("Biến Cố 9-18" hay "Mukden Incident", "Biến cố Thẩm Dương") nên để lại nhiều ác cảm trong tâm tư người dân Trung Hoa. Nhật cũng đã chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 cho nên không được dân chúng Triều Tiên ưa thích.
Bối cảnh lịch sử sâu rộng ấy có thể giải thích vì sao Ðài Loan hay Nam Hàn đã phát triển nhanh và mạnh theo kỷ cương khắc nghiệt của dân Nhật. Nhưng tâm lý nghi ngờ và thù ghét Nhật thì còn âm ỉ và lại bùng phát thành làn sóng bài Nhật vào mỗi dịp kỷ niệm, thí dụ như ngày 18 tháng 9 và vụ xâm lăng Mãn Châu. Ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh khai thác tâm lý ấy vì mục đích riêng. Lần trước, vào các năm 2005 hay 2010, thì sự thể lại không gay go kịch liệt như lần này.
Lần trước, vào năm 2005, dân chúng Hoa lục cũng biểu tình chống Nhật nhưng không có bạo động. Biểu tình xảy ra vì Nhật chính thức yêu cầu được đề cử vào Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và cho xóa bớt tội ác của Nhật trong các tài liệu sách vở khi chế độ Phát xít chiếm đóng Trung Quốc từ năm 1931 và trong Thế Chiến II 1939-1945.
Nhưng khi ấy, vào thời điểm 2005, lãnh đạo Bắc Kinh còn có thế mạnh sau đại hội đảng Khóa 16 vào năm 2002. Thế hệ thứ tư gồm có Hồ Cẩm Ðào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo vừa lên lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội thay thế Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ. Họ không cần khích động quần chúng và biểu dương ý chí như lần này.
Lần này, Bắc Kinh tái xác định chủ quyền, cho phép ngư dân và tầu hải giám tiến vào vùng tranh chấp và tỏ vẻ cứng rắn vì lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa đang lúng túng với việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ năm, cho Phó Chủ Tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường cùng một lớp người mới sẽ vào Thường Vụ Bộ Chính Trị.
Ðược chuẩn bị từ lâu, việc chuyển giao ấy gặp trục trặc từ đầu năm với việc bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai bị đẩy ra khỏi Bộ Chính Trị trong vụ án của bà vợ là Cốc Khai Lai và của thuộc hạ là Vương Lập Quân. Ðã thế, dường như vị trí của Tập Cận Bình cũng lung lay khi ông ta vắng mặt trong hai tuần liền từ đầu tháng 9, có thể chỉ vì lý do sức khỏe.
Tranh chấp hậu trường về chuyển giao quyền lực giữa các phe nhóm cũng khiến tướng lãnh Trung Quốc, ít ra là 10 ủy viên trong Trung Ương Quân Ủy Hội, lại có thế lực rất mạnh và ít thấy trên thượng tầng lãnh đạo. Yếu tố ấy đẩy Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào vào lập trường cứng rắn hơn.
Ðã vậy, tình hình kinh tế và xã hội Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn nan giải và mâu thuẫn về mục tiêu. Phải tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng hay phải giảm đà sản xuất để tái phối trí ưu tiên từ lượng sang phẩm? Trong khi lãnh đạo còn do dự như vậy thì biểu tình có bạo động và động loạn xã hội đã lan rộng tại nhiều nơi, từ Ôn Châu, Ô Khảm đến Trùng Khánh và Thẩm Quyến.
Người dân biểu tình vì nạn tham nhũng, bất công, lạm phát, trì trệ kinh tế, ô nhiễm môi sinh và tai họa quá nhiều vì những dự án đầu tư bị rút ruột, v.v...
Mà khác với lần trước, một hiện tượng mới đã xảy ra: mạng lưới thông tin xã hội ngày càng mở rộng khiến người dân loan truyền tin đồn và bình luận về đủ mọi chuyện, kể cả chuyện kêu gọi biểu tình chống Nhật, rồi nhân đó đốt phá cả xe Nhật của cảnh sát và lực lượng "Thành Quản."
Vào hoàn cảnh đó, việc chỉ ra mục tiêu đấu tranh khác nhằm xoa dịu sự bất mãn của quần chúng và chứng tỏ ý chí dân tộc của lãnh đạo là một giải pháp, nhưng là giải pháp gây rủi ro. Trong khi ấy, lãnh đạo Nhật cũng lúng túng không kém!
Ái quốc Nhật và be bờ Trung Quốc
Tại sao chính quyền của Thủ Tướng Yoshihiko Noda lại quyết định mua ba đảo nhỏ của quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư để Bắc Kinh có lý cớ mở ra làn sóng chống Nhật vào lúc này? Lý do là ông Noda muốn giảm bớt mâu thuẫn với Trung Quốc! Ðây là một nghịch lý thật ra lại dễ hiểu.
Từ 20 năm nay, Nhật bị khủng hoảng kinh tế và chính trị. Ðã có lúc cả chục thủ tướng lên cầm quyền, nhiều người chưa đến một năm là bị thay thế. Các chính đảng truyền thống, trước hết là đảng Tự Do Dân Chủ (LDP) và đảng Dân Chủ Nhật (DPJ) đang cầm quyền đều lâm thế yếu. Thủ Tướng Noda hiện nay là người khó tồn tại được vì sự rạn nứt và phân hóa ngay trong đảng DJP lẫn áp lực rất mạnh của đảng đối lập LDP.
Nguy hiểm hơn thế còn có sự xuất hiện của xu hướng ái quốc và bảo thủ trên chính trường Nhật.
Tình trạng bế tắc và đình trệ kinh tế bên trong và sự bành trướng đầy đe dọa của Trung Quốc ở bên ngoài khiến nhiều chính khách mới đề nghị giải pháp khác. Cải cách kinh tế, xã hội và chính trị bên trong để có sức mạnh bảo vệ quyền lợi ở bên ngoài là một giải pháp hấp dẫn. Trong xu hướng canh tân và ái quốc này, Thị Trưởng Toru Hashimoto của thành phố Osaka là một nhân vật đáng chú ý mà không phải là duy nhất.
Cũng vào hôm 12 đầy sóng gió vừa qua, ông Hashimoto, 43 tuổi, tuyên bố thành lập một đảng mới có tên là đảng Phục Hưng Nhật (JRP), với ý chí thay thế cả hai chính đảng LDP và DPJ mà nhiều người cho là già nua và bất lực. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy quần chúng có vẻ ủng hộ giải pháp đó và việc tổ chức tuyển cử để bầu lại Quốc Hội là mối nguy cho Thủ Tướng Noda.
Vì thế, vụ Senkaku/Ðiếu Ngư càng trở thành đầu mối tranh chấp bên trong chính trường Nhật.
Tư nhân và các thế lực tài chánh lẫn chính trị Nhật muốn bỏ tiền ra mua lại để tân trang các đảo nhỏ trong quần đảo và nhân đó chứng tỏ sự suy yếu của chính quyền - và khích động tinh thần dân tộc Nhật! Vì thế, ông Noda mới có quyết định là chính quyền sẽ mua lại ba đảo nhỏ để giải tỏa một đầu mối tranh chấp với Trung Quốc. Nhưng quyết định ấy lại khiến Bắc Kinh xua thuyền ra biển và cho dân chúng biểu tình chống Nhật.
Nghịch lý ấy còn che giấu một sự thật khác.
Quan hệ Hoa-Nhật
Mặc dù ồn ào phản đối Nhật, Bắc Kinh sẽ phải giảm bớt căng thẳng vì quan hệ kinh tế quá khắng khít với Nhật.
Một phần tư các doanh nghiệp hải ngoại trong khu vực tài chánh và dịch vụ của Nhật hiện đang làm ăn tại Hoa lục và tạo ra cả triệu việc làm cho công nhân Trung Quốc. Năm ngoái, Nhật xuất cảng hơn $160 tỉ vào Hoa lục, nhưng Trung Quốc đạt xuất siêu - bán nhiều hơn mua - với Nhật khoảng $22 tỉ và du khách người Hoa chiếm 40% lượng du khách quốc tế vào thăm viếng Nhật. Quan hệ đó khiến Bắc Kinh không thể tiếp tục cho dân chúng đập phá xe hơi và cửa hàng Nhật.
Nếu doanh nghiệp Nhật rút khỏi thị trường Hoa lục vào lúc này để kiếm nơi kinh doanh an toàn hơn thì chính lãnh đạo Bắc Kinh mới lâm thế kẹt. Huống hồ là trong dịp này, dân biểu tình còn thừa thế tấn công lực lượng cảnh sát, họ đốt xe Nhật của công an và cảnh sát! Xua dân biểu tình rồi thì làm sao đi dẹp biểu tình?
Ðã vậy, nếu nhìn vào thực tế địa dư và chính trị, Nhật là quốc gia quần đảo có vùng đặc quyền kinh tế EZZ rộng lớn, bao trùm lên bốn triệu rưỡi cây số vuông và rộng gấp năm lần khu vực độc quyền của Trung Quốc. Nhật cũng có truyền thống hải quân lâu đời nhất Á Châu, với tiềm năng có thể cản được Bắc Kinh. Tiềm thủy đĩnh Nhật đang kiểm soát mọi ngả ra vào của tầu ngầm Trung Quốc và bảo vệ được quyền tự do chuyển vận trên các dòng hải lưu của vùng biển Ðông Nam Á. Dù không nói ra, thế hợp tác chiến lược và quân sự với Hoa Kỳ còn giúp Nhật ngăn ngừa mọi âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Cho nên, sau khi chứng tỏ ý chí và cho thần dân biểu tình chống Nhật, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ phải xoay ra chuyện khác vì càng hung hăng lại càng gây phản ứng ái quốc tại Nhật và sự e ngại của các nước Ðông Nam Á.
Kết luận ở đây là gì?
Trên bề mặt, lãnh đạo Bắc Kinh và Tokyo đều phải cho quần chúng của mình thấy quyết tâm bảo vệ chủ quyền và nền độc lập, mặc dù cả hai đều không muốn có xung đột. Nhưng áp lực từ bên trong chính trường đều khiến họ khó nhượng bộ.
Giữa hai bên, lãnh đạo Bắc Kinh ở vào hoàn cảnh tế nhị hơn Nhật vì phải mất sáu tháng nữa mới hoàn tất việc chuyển giao quyền lực - nếu thành công. Vì không có dân chủ, ổn định và công bằng xã hội, họ xả sức ép của quần chúng qua hướng ái quốc nhưng lại khó kiểm soát được làn sóng này. Nếu cho dân chúng biểu tình quá rộng và quá lâu - trong nhiều tháng liền - họ sẽ bị phản ứng ngược khi cho cảnh sát võ trang đi dẹp biểu tình.
Trong khi ấy, mâu thuẫn Hoa-Nhật trên vùng biển Hoa Ðông với ngư dân và chiến hạm đang túa ra biển lại có thể gây biến cố bất ngờ. Xung đột có thể bùng nổ vì chuyện đụng độ rất nhỏ!
No comments:
Post a Comment